* Thưa ông, việc điều chỉnh địa giới hành chính là một quyết sách có tác động sâu rộng, không chỉ về mặt quản lý nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông nhìn nhận thế nào về những cơ hội và thách thức mà cộng đồng DN TP.HCM phải đối mặt trong bối cảnh này?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)
- Trước hết, cần nhìn nhận việc TP.HCM mở rộng địa giới hành chính là một bước đi mang tính chiến lược, tạo ra không gian phát triển rộng lớn hơn và nguồn lực dồi dào hơn cho toàn vùng. Tuy nhiên, song song với cơ hội là không ít thách thức mà cộng đồng DN phải chuẩn bị tâm thế để thích nghi và vượt qua.
Về phía DN, chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận những thay đổi, những thử thách mới. Nhưng điều chúng tôi mong mỏi là chính quyền cần sớm có thông tin rõ ràng, cụ thể về các chính sách liên quan để DN nắm bắt và triển khai kịp thời.
Đơn cử như chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất - chính sách hết sức thiết thực và được DN đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sau khi ba tỉnh sáp nhập, câu hỏi đặt ra là liệu chính sách này có được mở rộng áp dụng cho DN tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hay không? Về nguyên tắc, khi các địa phương này đã trở thành một phần của TP.HCM mở rộng thì DN tại đây cũng phải được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của thành phố, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay do HFIC triển khai theo Nghị quyết 98. Tuy nhiên, đến nay, cộng đồng DNvẫn đang chờ đợi những thông báo chính thức để có thể yên tâm tiếp cận và thực hiện.
* Ông có thể nói rõ hơn những vướng mắc hiện tại mà DN gặp phải liên quan đến chính sách này không?
- Hiện nay, nhiều DN tại Bình Dương đang tích cực triển khai chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đầu tư đổi mới công nghệ. Trong quá trình này, họ rất muốn được tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Trước đây, khi còn địa giới TP.HCM cũ, có hai tổ công tác chịu trách nhiệm xét duyệt DN đủ điều kiện tham gia chương trình này. Hiện tổ công tác của Sở Công Thương vẫn duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tổ công tác còn lại trước đây thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nay đã chuyển giao sang Sở Tài chính nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được kiện toàn và hoạt động trở lại. Vì lý do đó, nhiều dự án dù đã được HFIC thẩm định đạt yêu cầu và DN đã đủ điều kiện vay vốn nhưng vẫn chưa dám giải ngân. Nguyên nhân là do HFIC chỉ thẩm định về tính khả thi của dự án, khả năng vay vốn và khả năng trả nợ, còn việc DN có được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất hay không phải do tổ công tác xác định. Khi tổ công tác này chưa hoạt động, DN không thể biết mình có nằm trong diện được hỗ trợ hay không, nên dù đã được thẩm định đạt yêu cầu cũng không dám giải ngân. Tình trạng này đang gây ra sự chậm trễ trong triển khai các dự án, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh của DN.
* Là một người đại diện cho tiếng nói DN, ông có đề xuất nào để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho DN?
- Đây là vấn đề rất thực tế và cấp bách, bởi nếu không có giải pháp phù hợp thì hệ thống hành chính chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải. Theo tôi, có ba việc cần làm ngay để đảm bảo bộ máy vận hành trơn tru trong bối cảnh địa bàn mở rộng. Trước hết, phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số và triển khai thủ tục hành chính trực tuyến trên diện rộng. Khi quy mô địa bàn lớn hơn, khoảng cách giữa các khu vực xa hơn, nếu vẫn làm theo cách truyền thống thì việc đi lại sẽ rất bất tiện, gây tắc nghẽn trong giải quyết thủ tục. Ứng dụng công nghệ là cách nhanh nhất để giảm tải áp lực cho bộ máy.
Thứ hai, cần đơn giản hóa và tinh gọn hơn nữa các thủ tục hành chính. Khi lượng hồ sơ phát sinh tăng lên, nếu thủ tục còn rườm rà, chồng chéo thì không chỉ người dân, DN gặp khó mà chính bộ máy cũng dễ bị quá tải. Và cuối cùng, phải thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền cơ sở. Mở rộng địa bàn đồng nghĩa với việc khối lượng công việc sẽ tăng. Nếu mọi thứ đều tập trung về cấp thành phố thì chắc chắn không xử lý xuể. Trao quyền cho cấp dưới, giải quyết tại chỗ sẽ giúp bộ máy vận hành hiệu quả và người dân, DN cũng được phục vụ nhanh hơn.
* Ông có kỳ vọng gì vào thế hệ doanh nhân trẻ và cộng đồng DN trong bối cảnh mới này?
- Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân trẻ, lực lượng đóng vai trò nòng cốt cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Họ có tư duy đổi mới, nhạy bén công nghệ, sẵn sàng đón nhận thách thức và tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cộng đồng DN nói chung cũng rất kỳ vọng chính quyền triển khai các quyết sách nhanh chóng, rõ ràng. Các cơ quan chức năng cần hoạt động hiệu quả, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển.
* Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, theo ông, đâu là động lực then chốt để thành phố duy trì tăng trưởng?
- Chúng tôi cho rằng, đầu tư công chính là công cụ kích thích kinh tế hiệu quả nhất hiện nay. Trong giai đoạn kinh tế thị trường còn nhiều bất ổn, đầu tư công đóng vai trò chủ chốt, tạo việc làm, kích thích tiêu dùng và mở đường cho DN phát triển. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như thành phố mong muốn, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm. Dù thế giới còn bất ổn, chiến tranh, khủng hoảng, nhưng nếu làm tốt đầu tư công, chúng ta vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất thực tế và tâm huyết!
Thanh Ngân