Sản xuất tại Công ty TNHH Foremart Việt Nam (Ân Thi)
Dù mức thuế chính thức đang tạm hoãn trong 90 ngày nhưng Mỹ vẫn đã áp dụng ngay mức thuế bổ sung 10%, đẩy tổng thuế suất với hàng may mặc Việt Nam lên khoảng 28%, tạo áp lực lớn đối với ngành dệt may của cả nước nói chung, các doanh nghiệp dệt may của tỉnh nói riêng.Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, trong đó có hơn 90 doanh nghiệp có quy mô từ 100 lao động trở lên. Theo số liệu của Sở Công Thương, 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi. Sản lượng ngành dệt may đạt được kết quả khả quan với hơn 103,3 triệu sản phẩm may mặc, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm trước.Tuy nhiên, sau khi Mỹ lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa, nhiều doanh nghiệp dệt may đang theo dõi sát sao việc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ để xây dựng phương án cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.Cùng với đó, tận dụng thời gian 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp thuế nhập khẩu đối ứng ở mức 46%, các doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc xuất khẩu các đơn hàng theo hợp đồng sang Mỹ; đồng thời nỗ lực đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại, cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày để điều tiết chi phí sản xuất sao cho hiệu quả nhất.Ông Hoàng Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Thống Nhất, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) cho biết: Khách hàng chủ yếu của công ty hiện nay là các doanh nghiệp của Mỹ. 4 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu được gần 1 triệu sản phẩm may mặc sang thị trường Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, tình hình sản xuất của công ty đạt mức tăng trưởng khá. Trong giai đoạn hoãn thuế 90 ngày, công ty đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian tạm hoãn. Khối lượng đơn hàng từ thị trường Mỹ của công ty đã được bảo đảm đến tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, với nhận định triển vọng cho quý IV vẫn còn nhiều bất định, khi các thương hiệu lớn cũng chưa có kế hoạch rõ ràng. Vì vậy ngay cả trong kịch bản tốt nhất thì lượng đơn hàng trong năm 2025 từ thị trường Mỹ sẽ giảm; quý II dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, trong khi quý III có thể bắt đầu suy yếu”. Để bảo đảm hoạt động sản xuất, hiện nay, công ty đang mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng ở một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản… Cùng với đó, công ty đang đẩy mạnh chiến lược nâng cao chuỗi giá trị: Tập trung dòng sản phẩm cao cấp, đầu tư máy móc hiện đại, thực hiện liên kết với các đơn vị khác để hợp tác sản xuất…Ông Nguyễn Quang Điệp, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hồng Quang (Ân Thi) nhận định: Nếu mức thuế 46% được thực thi, nhiều doanh nghiệp may mặc của tỉnh sẽ rơi vào nguy cơ mất khả năng cạnh tranh. Bởi vì hiện nay, biên lợi nhuận trung bình của ngành dệt may chỉ dao động ở mức 5-12%, phải cạnh tranh khốc liệt với các nước khác. Để bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025, công ty thực hiện các giải pháp kiểm soát chi phí đầu vào bằng việc nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường để đầu tư có chọn lọc, không đầu tư dàn trải. Cùng với đó, công ty liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô, tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Hiện nay, ngành dệt may Hưng Yên đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Việc Mỹ lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng lên tới 46%, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt bám sát diễn biến, dự báo kịch bản, ứng phó linh hoạt. Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các ngành liên quan, các cấp chính quyền đã khuyến cáo các doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó, giảm phụ thuộc thị trường đơn lẻ, phát triển thương hiệu riêng và khai thác các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh tạo điều kiện (về logistics, thủ tục hải quan...) để các doanh nghiệp kịp đẩy nhanh việc giao hàng càng sớm càng tốt trong thời gian áp dụng lệnh tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng mới.Các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và diễn biến thị trường, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ để các doanh nghiệp dệt may của tỉnh cùng vượt khó một cách hiệu quả nhất. Các sở, ngành đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tranh thủ 90 ngày tạm hoãn thuế để cơ cấu lại thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, kết nối lại các đối tác tiềm năng khác. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ thủ tục hải quan, logistics, khơi thông tín dụng, tiết giảm chi phí sản xuất. Các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh cũng đẩy mạnh thông tin đến doanh nghiệp về cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để các doanh nghiệp mở rộng thị trường theo hướng bền vững, ít bị chi phối bởi biến động chính trị. Các thị trường trọng điểm như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Belarus và ASEAN và nội địa đang được xác định là trụ cột chiến lược xuất khẩu năm 2025. Đặc biệt, thị trường châu Âu ngày càng siết chặt yêu cầu về sản phẩm xanh, tái chế, đây là thách thức nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp nâng cấp sản xuất và nâng cao liên kết chuỗi. Trước các rào cản thương mại ngày càng đa dạng, các doanh nghiệp của tỉnh cần xác định rõ chiến lược: Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm; làm chủ công nghệ, tối ưu năng suất và chất lượng; chủ động thích ứng với rào cản thuế quan và môi trường toàn cầu.
Phạm Đăng