Tách múi, đóng gói nhỏ: Giải pháp kích cầu nội địa cho sầu riêng mùa khó

Tách múi, đóng gói nhỏ: Giải pháp kích cầu nội địa cho sầu riêng mùa khó
5 giờ trướcBài gốc
Đối mặt với nguy cơ dư thừa mùa vụ
Sau năm 2024 “bội thu” với kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục 3,2 tỷ USD, ngành hàng này bước vào năm 2025 với nhiều kỳ vọng mới. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, giảm tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính được xác định là sự chậm lại trong nhập khẩu từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Cùng với đó, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu tiếp tục kéo dài do khâu kiểm dịch và thông quan gặp nhiều vướng mắc, kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nông dân và doanh nghiệp.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: “Chất lượng sầu riêng không ổn định là yếu tố cản trở quá trình thông quan. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho sầu riêng từ các nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia… khiến thị trường này ngày càng cạnh tranh khốc liệt”.
Nhiều doanh nghiệp phải quay đầu bán rẻ sầu riêng nguyên quả ở thị trường nội địa.
Từng chỉ có 1 - 2 quốc gia cung cấp, nhưng nay người tiêu dùng Trung Quốc lại có nhiều lựa chọn hơn, khiến thị trường sầu riêng có nguy cơ bão hòa và giá bán không còn cao như trước. Với Việt Nam, vốn là quốc gia có sản lượng sầu riêng cao, việc phụ thuộc vào một thị trường duy nhất đang trở nên rủi ro.
Trước tình hình đó, giải pháp cấp thiết được đưa ra là đa dạng hóa thị trường, cả ở nước ngoài lẫn nội địa. Tuy nhiên, để ứng phó nhanh với sức ép mùa vụ, thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân được xem là “cứu cánh” khả thi nhất.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng: “Chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm chứ không thể chỉ bán nguyên trái. Tách múi, đóng gói nhỏ từ 1 - 2 múi/hộp, hút chân không hoặc sấy khô sẽ giúp giá thành vừa túi tiền, dễ tiêu thụ hơn nhiều.”
Thực tế, người tiêu dùng nội địa vẫn có nhu cầu lớn đối với sầu riêng, nhưng thường e ngại khi phải mua cả quả với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/quả. Việc tách múi, đóng gói nhỏ giúp giải quyết bài toán kinh tế và cả trải nghiệm người dùng: dễ mua, dễ ăn, dễ bảo quản.
Hơn nữa, quy trình đóng gói chuyên nghiệp còn giúp loại bỏ các múi hư, sượng. Trên bao bì, cần ghi rõ ngày đóng gói, cơ sở sơ chế, nguồn gốc vùng trồng, hạn sử dụng và giá bán niêm yết… giúp nâng cao niềm tin người tiêu dùng nội địa.
Kết nối tiêu thụ tới vùng sâu, khu du lịch và hệ thống bán lẻ
Việc tách múi, đóng gói nhỏ còn mở ra khả năng vận chuyển sầu riêng tới các vùng sâu vùng xa, miền núi, khu nghỉ dưỡng, sân bay, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Một hộp sầu riêng 2 múi được bày bán tại siêu thị hoặc điểm du lịch với giá 30.000 - 50.000 đồng sẽ khiến người tiêu dùng dễ dàng “rút hầu bao” hơn là một quả nguyên 2 - 3 kg.
Một số chuỗi bán lẻ lớn như WinMart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh, AEON đang thử nghiệm bày bán sầu riêng tách múi với mức giá hợp lý, kèm khuyến mãi. Một số startup trong lĩnh vực chế biến nông sản cũng đang phát triển sản phẩm sầu riêng cấp đông, sầu riêng sấy lạnh, mochi sầu riêng, bánh trung thu nhân sầu riêng… nhằm mở rộng kênh tiêu thụ.
Tách múi, đóng gói nhỏ tưởng đơn giản nhưng có thể là chìa khóa biến thị trường nội địa thành điểm tựa ổn định.
Dù đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, nhưng để xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững và có giá trị cao, bài toán lâu dài vẫn là kiểm soát chất lượng. Đây là điểm yếu lớn nhất khiến hàng Việt dễ bị từ chối tại cửa khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng: “Việt Nam nên học Thái Lan trong việc kiểm soát chất cấm ngay tại vùng trồng. Sau khi bị Trung Quốc cảnh báo về dư lượng hóa chất, Thái Lan đã lập trên 300 phòng kiểm nghiệm đặt ngay tại các vùng trồng, không chỉ dựa vào các cơ sở kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận.”
Chính phủ Thái còn có quy hoạch vùng trồng rõ ràng, kiểm tra đất đai định kỳ, áp dụng chế tài nghiêm khắc với đơn vị vi phạm. Nhờ đó, họ giữ vững được vị thế là quốc gia dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
Song song với nội địa, việc mở rộng các thị trường mới như UAE, Ả Rập Xê Út, Đức, Hà Lan, Mỹ… là xu thế bắt buộc. Tuy nhiên, các thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thời hạn bảo quản.
Việc phát triển vùng trồng đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đúng quy định là yếu tố tiên quyết để chinh phục các thị trường khó tính. Những mặt hàng có thể chế biến như puree sầu riêng, kem, bánh crepe sầu riêng, nước giải khát… cũng là lựa chọn tiềm năng.
Hiện tại, chỉ có khoảng 15% diện tích sầu riêng cả nước có mã số vùng trồng được cấp. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thúc đẩy các địa phương hoàn thiện hồ sơ vùng trồng, phối hợp chặt chẽ với các nhà thu mua, hợp tác xã để nâng tỷ lệ này lên mức tối thiểu 40 - 50% trong 2 năm tới.
Ngoài ra, để hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp, các chính sách tài chính như giảm lãi vay đầu tư sơ chế, bảo quản nông sản, ưu tiên vốn vay cho các cơ sở chế biến, hỗ trợ logistics lạnh, giảm thuế cho sản phẩm nông nghiệp chế biến… là điều cần thiết trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Một số doanh nghiệp lớn như Vina T&T, Nafoods, Doveco đang tích cực đầu tư công nghệ, phối hợp với chính quyền các tỉnh như Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Nai… để đưa sầu riêng vào quy trình khép kín: từ chọn giống - kỹ thuật canh tác - thu hoạch - sơ chế - bảo quản - xuất khẩu.
Từng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu thô, ngành hàng sầu riêng Việt Nam nay đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện từ tư duy sản xuất đến mô hình tiêu thụ. Nếu không thay đổi, “vàng xanh” của nông sản Việt có thể mất giá trị, rơi vào tình thế lao đao mỗi khi thị trường ngoại biến động.
Linh Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tach-mui-dong-goi-nho-giai-phap-kich-cau-noi-dia-cho-sau-rieng-mua-kho-d288540.html