Phó giám đốc Sở Nội vụ Nông Văn Dũng thông tin tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh và nguyên nhân gây tai nạn tại hội nghị. Ảnh: N.Hòa
Báo cáo tại hội nghị, Sở Nội vụ cho biết, năm 2024, cả nước xảy ra gần 8,3 ngàn vụ tai nạn lao động làm hơn 8,4 ngàn người bị nạn; trong đó có 675 vụ tai nạn lao động chết người.
Tại Đồng Nai, toàn tỉnh xảy ra trên 1,4 ngàn vụ tai nạn lao động, tăng 508 vụ so với năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do ngã cao, vật đè, ngạt khí, điện giật, ngạt khí hơi độc, thiết bị nổ… Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người như xây dựng, chế biến gỗ, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng.
Đại diện các doanh nghiệp ý kiến về công tác an toàn vệ sinh lao động và các chế độ, chính sách cho người lao động. Ảnh: N.Hòa
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý ATVSLĐ tại đơn vị mình; đồng thời nêu những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ như: khám sức khỏe cho lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, chế độ cho công nhân bị tai nạn lao động trên đường đi làm về, thủ tục cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Theo đó, đại diện các sở, ban, ngành đã giải đáp kịp thời, thỏa đáng các quy định, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt Luật ATVSLĐ trong quá trình sản xuất kinh doanh, hạn chế rủi ro về tai nạn lao động.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai thông tin về quy trình khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: N.Hòa
Dịp này, Sở Nội vụ và đại diện các sở, ngành đã triển khai quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể như thủ tục cấp tài khoản định danh cho doanh nghiệp, thủ tục cấp chứng nhận lý lịch tư pháp, thời gian cấp giấy phép lao động người nước ngoài, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội về thai sản...
Nguyễn Hòa