Doanh nghiệp đừng coi EU là thị trường 'giải cứu' khi Mỹ xem xét áp thuế

Doanh nghiệp đừng coi EU là thị trường 'giải cứu' khi Mỹ xem xét áp thuế
3 giờ trướcBài gốc
Trước thời điểm Mỹ thay đổi chính sách thương mại, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Mỹ được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 125 - 130 tỷ USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU cho biết, nếu Việt Nam bị Mỹ áp thuế, doanh nghiệp sẽ không chỉ gặp khó ở thị trường Mỹ mà còn có nguy cơ bị ảnh hưởng ở EU – một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm. Bởi cùng lúc đó, EU đang đẩy mạnh bảo hộ nội địa, khuyến khích tiêu dùng hàng "made in EU" và siết chặt kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tính toán kỹ càng về lượng hàng khoảng 130 tỷ USD đáng lẽ xuất sang Mỹ sẽ đi đâu?
Về cơ hội, EU hiện là một trong những thị trường tiềm năng có thể "chia lửa" cho hàng Việt. Việt Nam đang hưởng lợi từ EVFTA – hiệp định thương mại tự do với EU đã bước sang năm thứ 5, biểu thuế về 0%. Đây là một lợi thế lớn giúp hàng Việt cạnh tranh tốt hơn so với nhiều quốc gia khác.
Ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU.
Tuy nhiên ông Quân nhấn mạnh, EU không phải là thị trường “giải cứu” hàng hóa Việt Nam. Đây là thị trường đề cao sự chuyên nghiệp, hợp tác dài hạn và làm ăn bài bản. Vì vậy, doanh nghiệp không nên xem EU là giải pháp tạm thời khi gặp khó tại Mỹ.
Thực tế cho thấy, lâu nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, ít quan tâm tới EU – khu vực có 500 triệu dân, thu nhập cao và đang ưu đãi thuế quan nhờ EVFTA. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam – EU những năm qua ổn định ở mức 10-15%. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU mới đạt hơn 50 tỷ USD – còn rất xa so với con số 130 tỷ USD đang đứng trước nguy cơ bị ách tắc từ thị trường Mỹ.
Do đó, doanh nghiệp Việt cần tiếp cận EU một cách bài bản, xây dựng quan hệ đối tác lâu dài chứ không thể kỳ vọng gặt hái kết quả trong 1 – 3 tháng nếu Mỹ đột ngột áp thuế. Bên cạnh đó, cần chú ý đến nguy cơ hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để vào EU, hoặc hàng Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa. Đây là những kịch bản Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ xuất khẩu của chính mình.
Ông Quân khuyến nghị, Việt Nam phải quản lý tốt luồng thương mại với Trung Quốc, ngăn chặn gian lận thương mại, tránh bị EU áp dụng các biện pháp phòng vệ. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ thị trường trong nước.
Thực tế, trong số 130 tỷ USD hàng Việt xuất sang Mỹ, phần lớn là các mặt hàng thiết yếu như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, nội thất – những sản phẩm không dễ dàng tiêu thụ ồ ạt tại EU. Dù EU có sức mua hơn 4.000 tỷ euro mỗi năm (trong đó khoảng 2.000 tỷ là thương mại ngoại khối), hàng Việt hiện mới chỉ chiếm khoảng 2,5% thị phần.
Điều này cho thấy dư địa còn rất lớn, và cơ hội tận dụng EVFTA vẫn còn. Tuy nhiên, để tăng trưởng xuất khẩu sang EU nhằm bù đắp cho phần bị ảnh hưởng tại Mỹ. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần tránh gian lận, không để bị lợi dụng làm điểm trung chuyển. Nếu vi phạm, doanh nghiệp không chỉ bị trừng phạt, mà còn khiến EU có cái nhìn tiêu cực, từ đó mất đi cơ hội trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Tóm lại, EU là cơ hội thật sự cho hàng Việt trong bối cảnh hiện tại, nhưng muốn tận dụng được, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy – không phải “giải cứu” mà phải xác lập chiến lược bài bản, chuyên nghiệp và lâu dài. Đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Mỹ hay Trung Quốc để tránh bị động khi có biến động", Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/doanh-nghiep-dung-coi-eu-la-thi-truong-giai-cuu-khi-my-xem-xet-ap-thue/20250430015156061