Chờ sửa luật, doanh nghiệp lo phá sản
Tại Hội thảo Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (14/7), bà Lê Thị Xuân Huế - đại diện Bower Group Asia - chia sẻ hàng loạt bất cập mà doanh nghiệp gặp phải trong thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiều kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp được nêu ra tại hội thảo.
Nhắc lại tình huống khi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (trước đây) làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đầu tư, bà Huế cho biết phải mang 10kg tài liệu, cần đến 2 người cùng bê mới có thể mang tới nộp hồ sơ. “Sở yêu cầu có 10 bộ hồ sơ để gửi tới 10 bộ ngành xin ý kiến. Mỗi bộ nặng khoảng 1kg”, bà Huế nói và đặt vấn đề, trong bối cảnh thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp gặp tình trạng như vậy, dù ở giữa thành phố lớn.
Một vướng mắc khác được bà Huế phản ánh là việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Có tình huống doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục nhập khẩu nhưng do cán bộ không tích giám sát trên hệ thống, nên hàng hóa không thể tái xuất, khó khăn để hoàn thuế. Theo bà Huế, với những trường hợp như vậy, cần quy trách nhiệm rõ ràng cho cán bộ làm sai và có chế tài cụ thể nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Đề cập đến các vướng mắc trong chia sẻ dữ liệu chứng nhận xuất xứ (C/O), bà Huế cho biết Việt Nam mới chỉ kết nối hệ thống với 9 nước ASEAN, trong khi nhiều thị trường lớn như EU hay Mỹ vẫn chưa có liên thông dữ liệu. “Ngay cả với các nước đã kết nối, việc truyền dữ liệu vẫn thường xuyên trục trặc, ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu”, bà cho biết. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị, cần tăng đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, đồng bộ.
Ông Phan Thanh Uy - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp vướng mắc với nhiều quy định hiện hành, nếu chờ sửa luật ở kỳ họp Quốc hội khóa sau, nhiều công ty vận tải có nguy cơ phá sản. Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trước hết là quy định tuổi tối đa với lái xe trên 29 chỗ, hiện quy định nam không quá 57 tuổi, nữ là 55 tuổi.
Ông Phan Thanh Uy - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
Ông Uy đề nghị tuổi tối đa của người lái xe chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ôtô chở người giường nằm là đủ 62 tuổi đối với nam, đủ 57 tuổi đối với nữ. Bởi, người lái xe ở tuổi này đều có kỹ năng và kinh nghiệm rất tốt. Sức khỏe của người dân Việt Nam hiện đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Bộ Y tế nên có quy định rút ngắn chu kỳ khám sức khỏe định kỳ.
“Hầu hết đơn vị kinh doanh vận tải đang thiếu trầm trọng lực lượng lái xe khách, xe đầu kéo. Doanh nghiệp thiếu 30% lái xe, dự báo con số này còn tăng lên do nhiều tài xế bỏ nghề trước những quy định mới về trừ điểm giấy phép lái xe, mức phạt quá nặng theo Nghị định 168. Ngoài ra, số lượng rất lớn học viên đã học xong nhưng vẫn phải chờ sát hạch”, ông Uy cho biết.
Đại diện hiệp hội kiến nghị xem xét trừ điểm giấy phép lái xe theo năm, thời gian chờ đợi để được học và thi lấy giấy phép lái xe rút ngắn lại. Nhiều nội dung khác cũng được đề xuất sửa đổi, như quy định màu sơn xe chở học sinh, thời gian làm việc của lái xe… “Màu sơn bên ngoài không quyết định gì đến công tác an toàn giao thông. Nếu bắt buộc phải sơn màu vàng sẽ tốn kém hàng trăm triệu đồng/xe, thay đổi đối tượng hành khách phải phủ lại màu sơn khác rất phức tạp, tốn kém”, ông Uy phân tích.
Thời gian thẩm định hồ sơ tăng 14 lần
Đại diện cho các doanh nghiệp thực phẩm, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP do Bộ Y tế xây dựng sẽ làm tăng nhiều thủ tục hành chính không cần thiết với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đại diện Eurocham đề xuất xác định mức độ hậu kiểm theo lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp.
“Nội dung hồ sơ đăng ký tăng từ 7 mục lên 41 mục, nhiều yêu cầu bất hợp lý như tài liệu về quy trình sản xuất, yêu cầu mô tả chi tiết quy trình, loại máy, kèm thông số, có nguy cơ làm lộ bí mật kỹ thuật. Theo đó, doanh nghiệp cũng không thể đổi mới công nghệ, vì mỗi lần đổi phải đi đăng ký lại.
Thời gian thẩm định hồ sơ tăng 14 lần, từ 7 ngày lên 90 ngày; thời gian tự công bố từ 1 ngày lên 21 ngày. Sữa tươi là thực phẩm tự công bố, nay cần tới 21 ngày để tiếp nhận hồ sơ, trong khi hạn dùng chỉ 10 ngày, sữa sẽ thiu thối hết. Tư duy siết chặt quản lý thường thấy là tăng thủ tục cấp phép - vì dễ làm, nhưng điều cần thiết phải là hậu kiểm”, đại diện Eurocham nói và chỉ ra, đa số những thực phẩm giả được phát hiện thời gian qua đã được cấp giấy phép, chứng tỏ, cấp phép mà không hậu kiểm thì vô giá trị. Những kẻ đã làm giả được sản phẩm, thì không có khó khăn gì để làm giả hồ sơ.
Với những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có quy định mới ban hành trong năm nay nhưng đã phát sinh bất cập trong quá trình áp dụng. Theo ông Tuấn, cải cách pháp luật kinh doanh cần được đẩy nhanh và toàn diện, nhiều quy định đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - thừa nhận, việc xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn chậm, do thiếu sự đồng thuận từ chính các cơ quan có liên quan. Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 206, trong đó xác định ba nhóm khó khăn, vướng mắc lớn nhất do pháp luật gây ra: Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; quy định thiếu rõ ràng, không khả thi, dẫn đến lúng túng trong thực hiện; quy định làm gia tăng chi phí tuân thủ, kìm hãm đổi mới, sáng tạo và cản trở huy động nguồn lực xã hội.
Theo ông Tú, để quá trình sửa luật hiệu quả, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, thay vì chỉ loay hoay với những vụ việc cá biệt. “Vướng mắc của vụ việc cụ thể thì có cơ chế xử lý riêng. Còn vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật cần có quyết tâm và trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ”, ông Tú nói.
Việt Linh