Theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu phải xin cấp giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng các điều kiện kinh doanh đối với các hoạt động này không mang tính đặc thù của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020.
Cụ thể, điều kiện phân phối rượu yêu cầu doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối tại ít nhất hai tỉnh, mỗi tỉnh có ít nhất một thương nhân bán buôn rượu hoặc chi nhánh, điểm kinh doanh.
Đồng thời, doanh nghiệp phải có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc từ thương nhân sản xuất, phân phối rượu hoặc nhà cung cấp nước ngoài.
Theo VCCI, quy định này chỉ mang tính hình thức, không rõ ràng về mục tiêu kiểm soát và không thực sự cần thiết.
Việc yêu cầu hệ thống phân phối cố định và danh sách đối tác cung cấp tại thời điểm xin giấy phép không phản ánh đúng bản chất vận hành linh hoạt của thị trường rượu và gây ra nhiều thủ tục rườm rà cho doanh nghiệp, đặc biệt khi có sự thay đổi nhà cung cấp.
Tương tự, điều kiện kinh doanh bán buôn và bán lẻ rượu hiện hành đều yêu cầu doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp, có địa điểm kinh doanh cố định, hợp pháp, và có hợp đồng với thương nhân cấp trên trong chuỗi phân phối.
Tuy nhiên, VCCI nhận định rằng các yêu cầu này không khác biệt so với điều kiện hoạt động của các ngành nghề thông thường, và không cần thiết phải kiểm soát bằng giấy phép riêng biệt.
Ngoài ra, việc yêu cầu văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc từ các nhà cung cấp cũng không hợp lý trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng. Mỗi lần thay đổi nhà cung cấp sẽ kéo theo thủ tục điều chỉnh giấy phép, gây phát sinh chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
VCCI nhấn mạnh rằng rượu là một loại thực phẩm, hiện đang được quản lý nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, công bố sản phẩm... Do đó, sản phẩm rượu khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quản lý về thực phẩm.
Việc kiểm soát chất lượng rượu đã được thực hiện ở khâu sản xuất và sản phẩm, do đó không cần thiết phải áp dụng thêm các giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ.
Từ các phân tích nêu trên, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ yêu cầu về giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu.
Đề xuất này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch hơn.
Văn Hùng