Biểu tượng Panasonic tại trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà máy này sẽ sản xuất pin lithium-ion dùng cho xe điện và là nhà máy pin thứ 2 của Panasonic Energy North America sau nhà máy ở Nevada. Cơ sở này tọa lạc tại thành phố De Soto thuộc bang Kansas, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng Tám sau nhiều tháng trì hoãn.
Cơ sở mới đặt mục tiêu tăng sản lượng điện hàng năm lên 32 GWh trong tương lai, nhưng công ty không cung cấp mốc thời gian cụ thể. Cơ sở ở Nevada được khai trương vào năm 2017 có công suất hàng năm khoảng 41 GWh.
Nhà máy mới dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm, nhưng kế hoạch sản xuất đã bị trì hoãn do doanh số bán xe điện giảm và chính sách mới của Chính phủ Mỹ đối với xe năng lượng sạch.
Kansas đã cam kết 829 triệu USD dưới dạng ưu đãi thuế của bang để hỗ trợ dự án này, bên cạnh các ưu đãi thuế địa phương khác. Panasonic cũng được dự kiến sẽ nhận thêm các ưu đãi thuế liên bang theo Đạo luật Giảm lạm phát được ký ban hành dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, dự luật về thuế và chi tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới được ký thành luật vào ngày 4/7 sẽ chấm dứt khoản ưu đãi thuế 7.500 USD dành cho việc mua xe điện mới và khoản tín dụng 4.000 USD dành cho xe điện đã qua sử dụng vào tháng Chín tới. Các nhà phân tích cho rằng việc loại bỏ chúng có thể khiến người tiêu dùng quay lưng với xe điện, vốn đã chứng kiến doanh số chậm lại tại Mỹ.
Khách hàng chính của nhà máy pin Kansas – hãng xe điện Tesla đã ghi nhận doanh số toàn cầu giảm 13% trong quý I/2025, đánh dấu mức nhu cầu yếu nhất trong gần ba năm. Công ty nghiên cứu thị trường BloombergNEF đã điều chỉnh dự báo doanh số bán xe điện tại Mỹ trong 5 năm tới xuống còn 4,1 triệu chiếc vào năm 2030, viện dẫn chính sách của Tổng thống Trump và cho biết điều này sẽ tác động đến chuỗi cung ứng pin.
Trước đó vào tháng 3/2025, Tổng Giám đốc điều hành Panasonic, ông Yuki Kusumi cho hay công ty phải tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin thứ 3 tại Mỹ do thị trường tăng trưởng chậm.
Cùng với đó, các mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã tăng thêm khó khăn trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp. Nhiều nhà máy, đặc biệt là những cơ sở sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo, vẫn phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.
Các mức thuế này hiện đang được tạm hoãn đến ngày 1/8 để chính phủ các nước có thể đàm phán một thỏa thuận thương mại với Washington. Sau ngày 1/8, nếu không đạt được thỏa thuận, Nhật Bản và các quốc gia khác sẽ phải đối mặt với mức thuế lên tới 40% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Xuân Giao (PV TTXVN tại Tokyo)