Ảnh minh họa.
Ngày 27/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án 1797, trong đó nhấn mạnh vai trò của kiều bào trong việc đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của 250 đại biểu tham dự gồm đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp địa phương và khoảng 120 kiều bào từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; đại diện một số cơ đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024” (Đề án 1797) đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả.
Kết quả triển khai Đề án không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng chủ lực của nền kinh tế mà còn góp phần truyền tải hình ảnh, văn hóa, bản sắc của dân tộc tới đông đảo bạn bè quốc tế, qua đó, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cho biết trong 5 năm triển khai đề án, các doanh nghiệp người Việt Nam lần đầu tiên đã đưa các lô hàng vải tươi Bắc Giang sang các nước Tây Bắc Âu, đưa xoài cát chu Đồng Tháp, chuối... xuất khẩu sang thị trường EU cả bằng đường hàng không và đường biển.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kiều bào đã thành công đưa sầu riêng tươi nguyên trái xuất khẩu sang EU, chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ khác như Thái Lan, Malaysia… Tại châu Âu, các hội chợ xúc tiến thương mại do kiều bào tổ chức đã góp phần quan trọng giúp hàng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng niềm tin với người tiêu dùng bản địa.
Bên cạnh việc củng cố các nhóm hàng có lịch sử thương mại, các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài còn tích cực mở rộng các loại nông sản mới, các loại gia vị... "Với sự kết nối của kiều bào, các mặt hàng Việt Nam không chỉ được phân phối qua các kênh phân phối của người Việt ở nước ngoài mà còn dần xuất hiện, thâm nhập vào kệ hàng của các hệ thống siêu thị, chuỗi phân phối của người bản địa và các sàn thương mại lớn", ông Kiên nói.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, phở ăn liền Vifon, các sản phẩm gạo, hải sản Việt Nam, các mặt hàng công nghiệp như dệt may, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến cũng được giới thiệu, xuất khẩu ra nhiều nơi trên thế giới.
Trong 5 năm qua, đề án đã tận dụng nguồn lực quý báu từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá văn hóa và nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam. Từ năm đầu thực hiện đề án 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 516 tỉ USD, thì đến hết năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 786 tỉ USD.
Dù vậy, phân tích cơ hội và thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, các đại biểu cho rằng, việc đa dạng hóa kênh phân phối, đặc biệt tại các thị trường khó tính, mới nổi và giàu tiềm năng, được xác định là xu thế tất yếu và yêu cầu cấp bách hiện nay.
Đây cũng là lĩnh vực mà kiều bào có thế mạnh về kinh nghiệm, kiến thức và mạng lưới, có thể hỗ trợ hiệu quả trong công tác tư vấn, kết nối nguồn lực trong-ngoài nước, đóng góp hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Huệ, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, đã đề xuất cần lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Việt kiều, có sự phối hợp và đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng doanh nhân Việt ở nước ngoài. Xây dựng Cổng thông tin thương mại toàn cầu, có thể tổ chức các phiên chợ số, hội chợ online định kỳ giữa doanh nghiệp trong nước và kiều bào.
Đồng thời, hình thành Liên minh hàng Việt toàn cầu để xây dựng một hệ sinh thái gắn kết và hỗ trợ toàn diện cho hàng Việt ra thế giới… Ngoài ra, ông Huệ cũng đề xuất mở rộng vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao để tăng cường hiệu quả ngoại giao kinh tế và xây dựng chính sách đặc thù cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt kiều.
Đồng tình, ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam theo đường chính ngạch vào thị trường Thái Lan cũng như các nước khác.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tại các tỉnh có bà con kiều bào sinh sống, để họ và người dân sở tại biết về hàng hóa Việt Nam, từ đó nâng cao nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, trong nước cần giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa lớn, uy tín về các mặt hàng thế mạnh để kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu, hợp tác.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia hội nghị và cho rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Cuối cùng, điểm nhấn quan trọng của hội nghị là Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiều bào và trong nước, dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay đưa hàng Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.
Đề án giai đoạn 2025 - 2029 được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự kết nối giữa nguồn lực trong nước và sức mạnh của cộng đồng kiều bào, đưa hàng Việt Nam vươn tới những tầm cao mới trên thị trường quốc tế.
Trước đó, sáng ngày 25/4, tại TP.HCM, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã biểu dương, tặng Giấy khen cho 50 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM trong 50 năm qua.
Băng Hảo