Doanh nghiệp lớn sẵn sàng nhập cuộc đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2

Doanh nghiệp lớn sẵn sàng nhập cuộc đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2
một ngày trướcBài gốc
Gần 10.300 tỷ đồng đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc
Hôm nay (14/4), Tập đoàn Đèo Cả tổ chức hội nghị các nhà đầu tư, nhà thầu để nghiên cứu xúc tiến đầu tư thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 2.
Toàn cảnh hội nghị.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo phương án được nghiên cứu đề xuất, giai đoạn 2 dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ thực hiện mở rộng toàn bộ hơn 93km giai đoạn 1 và làm mới gần 28km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 dự kiến gần 10.300 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng hơn 7.200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (tương đương 70% TMĐT theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng), vốn nhà đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng (gồm vốn chủ sở hữu 576 tỷ đồng, vốn huy động hơn 2.500 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn dự kiến 30 năm.
"Đối với dự án này, Thông báo số 43 ngày 13/02/2025 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư ngay giai đoạn 2 đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với quy mô 4 làn xe theo phương thức PPP, áp dụng cơ chế như giai đoạn 1; đầu tư hoàn chỉnh nút giao, trạm dừng nghỉ theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng trình cấp có thẩm quyền trong quý I/2025", ông Huy thông tin.
Chia sẻ thêm, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo kế hoạch được doanh nghiệp phối hợp cùng cơ quan chuyên môn tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, dự kiến, phương án đầu tư giai đoạn 2 dự án sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4/2025, phê duyệt dự án trong tháng 7, lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 8 và phấn đấu khởi công dự án vào đúng dịp 2/9/2025.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ tại hội nghị.
Phân cấp nhà đầu tư, đa dạng kênh hút vốn
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, bảo đảm khả năng huy động nguồn lực và hiệu quả triển khai các thủ tục triển khai đầu tư dự án, Tập đoàn Đèo Cả cũng đưa ra phương án phân cấp nhà đầu tư với quyền lợi, nghĩa vụ được quy định cụ thể.
Nhà đầu tư "kiên định" tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, được trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án và được hưởng các quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định, được ưu tiên lựa chọn phạm vi thi công, đăng ký khối lượng thi công phù hợp với phạm vị tham gia và năng lực doanh nghiệp.
Nhà đầu tư "bắc cầu" tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án, được ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng BCC với Tập đoàn Đèo Cả, hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận, nhận khối lượng tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án nhưng không quá 1.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư "tiềm năng" tham gia từ gia đoạn thực hiện dự án, được xem xét tham gia đầu tư vào các dự án trong tương lai, được giao khối lượng thi công phù hợp với năng lực nhưng không quá 500 tỷ đồng.
Nhà thầu thi công tốt các công việc tại giai đoạn 1 được ưu tiên tham gia dự án giai đoạn 2 và nâng cấp thành Nhà đầu tư "Bắc cầu" và " Kiên định". Các nhà thầu chưa đáp ứng được tiến độ thi công và chưa tìm được giải pháp tháo gỡ khó khăn ở giai đoạn 1 thì chưa được xem xét tham gia giai đoạn 2.
Nếu trở thành nhà đầu tư dự án này, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục áp dụng mô hình PPP++ để đa dạng hóa nguồn huy động vốn và gia tăng hiệu quả dự án, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện. Mô hình này đã được Tập đoàn Đèo Cả áp dụng tại các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, Hữu Nghị - Chi Lăng.
Các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC).
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, mô hình PPP++ có nhiều ưu điểm: thu hút vốn đầu tư tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư dự án công; Tập hợp đội ngũ doanh nghiệp cùng nhau lớn mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp; Bảo đảm việc huy động nguồn lực trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu rút ngắn tiến độ…
Riêng tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh hay Hữu Nghị - Chi Lăng, thắng lợi của nhà đầu tư, nhà thầu cũng là thắng lợi của Đèo Cả. Các dự án đã cộng thêm niềm tin, sức mạnh, sự chia sẻ và sự sáng tạo trong gian khó.
"Tại các dự án như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, thách thức sẽ còn nhiều, song, Tập đoàn Đèo Cả sẽ cùng các nhà đầu tư, nhà thầu hóa giải khó khăn, thực hiện đúng cam kết thông tuyến trong năm 2025.
Đây là nền tảng quan trọng để chúng tôi triển khai tốt các dự án PPP tiếp theo, trong đó có định hướng tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2", ông Hoàng nói.
Tại một số dự án PPP hiện nay, vốn ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền chấp thuận tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia đến 70%. Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tăng, đồng nghĩa thời gian thu phí sẽ giảm. Song, cơ chế này sẽ giúp các nhà đầu tư tự tin hơn khi rót vốn chung tay cùng nhà nước thực hiện các dự án quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược trong liên kết vùng, phát triển KT-XH. Các tổ chức tín dụng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn, khơi thông nguồn lực để quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phát triển theo đúng mục tiêu, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.
Nhà thầu, ngân hàng sẵn sàng chung sức
Nhớ lại thời điểm quyết định tham gia cùng Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, ông Nguyễn Bá Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty 568 cho biết, thời điểm ấy, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án chỉ khoảng 50%, cộng vốn tín dụng của ngân hàng cũng mới được 65 - 70% tổng vốn đầu tư dự án.
Thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Số còn lại các nhà đầu tư vừa tham gia vốn chủ sở hữu, vừa xoay xở vốn hợp tác kinh doanh (BCC). Nhiều giải pháp đã được nhà đầu tư nghiên cứu, trong đó có mô hình PPP++ được Đèo Cả đưa ra đã góp phần lớn trong tháo gỡ nút thắt dự án.
Đến khi dự án triển khai, khó khăn vẫn rất lớn. Cuối năm 2024, sản lượng thi công mới đạt 10% sản lượng, năm 2025, chúng tôi phải thực hiện 90% khối lượng công việc còn lại để thông tuyến.
"Tuy nhiên, với vai trò là đối tác, Công ty 568 đã được Đèo Cả hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, có giải pháp để bổ sung nhân lực tăng tốc dự án.
Trên cơ sở thực tế triển khai dự án, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn 1 đúng hẹn và sẵn sàng đồng hành Tập đoàn Đèo Cả đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2", ông Khương nói.
Với vai trò nhà đầu tư "bắc cầu", tham gia thi công 10km tuyến chính tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Thương mại 559 cho biết với sự đồng hành của Đèo Cả, sản lượng thi công của đơn vị đến nay đã đạt 35% giá trị hợp đồng và đang quyết tâm dồn lực hoàn thành toàn bộ phần việc, đáp ứng điều kiện thông xe tuyến chính trong năm 2025.
Đánh giá mô hình PPP++ đã phát huy được hiệu quả ở dự án giai đoạn 1, ông Hải kỳ vọng ở giai đoạn 2, nếu được lựa chọn nhà đầu tư, mô hình này sẽ tiếp tục được áp dụng để bảo đảm hiệu quả, tiến độ huy động nguồn lực và thi công.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Khánh Hòa, Trưởng phòng Kinh doanh Ngân hàng VPBank cho biết ở dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, VPBank đã cam kết cấp vốn vay tín dụng 2.300 tỷ đồng, hiện nay, khối lượng giải ngân đạt 500 tỷ đồng.
Đồng hành với Đèo Cả từ năm 2019 qua một số dự án, bà Hòa khẳng định trên cơ sở chia sẻ của các doanh nghiệp tại hội nghị, VPBank sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để xem xét việc cấp vốn tín dụng cho dự án giai đoạn 2.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km. Điểm đầu của tuyến tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn.
Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Dự án được đầu tư phân kỳ 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với chiều dài hơn 93km, quy mô nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư hơn 14.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 9.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm hơn 69% TMĐT). Thời gian hoàn vốn dự kiến 22 năm 4 tháng.
Giai đoạn 1 do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 làm nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Nam Khánh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-lon-san-sang-nhap-cuoc-dau-tu-cao-toc-dong-dang-tra-linh-giai-doan-2-19225041421172931.htm