Doanh nghiệp may mặc với nỗi lo thiếu năng lực sản xuất

Doanh nghiệp may mặc với nỗi lo thiếu năng lực sản xuất
7 giờ trướcBài gốc
Trong 8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực đối với hầu hết lĩnh vực, ngành nghề thế mạnh, trong đó có ngành may mặc. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp may mặc của tỉnh cũng đã chú trọng khai thác thị trường nội địa, đồng thời tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tìm kiếm, tiếp cận đa dạng các thị trường mới như Nga, Mexico, các nước EU, châu Phi... để phát triển. Trong 8 tháng năm 2024, ngành sản xuất trang phục tăng trưởng gần 5,8% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp chung vào mức tăng chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 15,89%.
Theo Sở Công thương, đối với ngành may mặc, đơn hàng trong những tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng khá, song khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp may mặc đang gặp phải là tình trạng thiếu lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nguyên nhân là do những năm trước đây, may mặc là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề nhất hậu Covid-19. Lạm phát tăng nhanh, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng thời trang, quần áo may sẵn sụt giảm mạnh, doanh nghiệp không có đơn hàng mới nên đã phải cắt giảm đáng kể lượng công nhân lao động. Số lao động này đã xin vào làm tại các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Việc tuyển dụng lao động mới của ngành may mặc cũng gặp khó khăn bởi thị trường lao động cạnh tranh, nhiều lao động ưu tiên chọn làm các ngành nghề khác vì dễ tiếp cận và dễ học việc hơn ngành may mặc.
Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại và may mặc Nguyên Toàn, Khu công nghiệp Châu Sơn, TP Phủ Lý.
Ông Sun Jian Jun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Kim Bình (Cụm công nghiệp Kim Bình, thành phố Phủ Lý) cho hay: Hiện nay, chúng tôi đã ký kết được rất nhiều đơn hàng nhưng công ty lại liên tục thiếu lao động và đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động ở tất cả các bộ phận sản xuất. Đặc thù của ngành may mặc là lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn. Chúng tôi rất khó tuyển dụng lao động nam. Hơn nữa, đối với ngành may mặc, trong nhiều công đoạn, đòi hỏi người lao động phải có sự khéo léo, tỉ mỉ, có năng khiếu làm nghề. Không phải ai cũng đảm nhận được những khâu quan trọng mang tính quyết định chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, bên cạnh lao động phổ thông, chúng tôi cũng đang gặp khó trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao để nâng cao năng lực sản xuất. Do thiếu lao động cộng với số đơn hàng gia tăng mạnh, có những thời điểm, May Kim Bình phải đối mặt với nguy cơ không bảo đảm tiến độ giao hàng. Giải pháp của Kim Bình là thực hiện liên kết với các đơn vị khác để hợp tác sản xuất, thuê các đơn vị may gia công cho công ty. Song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyển dụng, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm chế độ, chính sách để “giữ chân” người lao động.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc. Bên cạnh tình trạng thiếu lao động sản xuất, các doanh nghiệp may mặc còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Về mặt đầu tư dây chuyền, công nghệ tiên tiến vào các công đoạn để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm thì gần như mới chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáp ứng yêu cầu. Còn phần lớn doanh nghiệp may mặc trong nước là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các công đoạn sản xuất, hoàn thiện sản phẩm vẫn chủ yếu thực hiện thủ công. Trong khi đó, các đối tác ngày càng có xu hướng rút ngắn thời gian kế hoạch đặt hàng. Theo các doanh nghiệp may mặc, nếu như vài năm trở về trước, doanh nghiệp thường nhận được đơn hàng trước khoảng 6 tháng thì nay chỉ còn khoảng 2-3 tháng. Thời gian giao hàng bị rút ngắn đã tăng áp lực về tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển, giá nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cũng tăng cao mà giá đầu ra không tăng, thậm chí có thời điểm còn bị ép giá, giảm xuống đáng kể. Ông Trần Đình Tứ, Giám đốc Công ty TNHH May Minh Khuê (thôn Thọ Cầu, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) cho biết: Đối với ngành may mặc, người lao động là vốn quý nhất, song đây lại đang là hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp. Tiếp đến là yếu tố công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong các khâu sản xuất bởi các thị trường xuất khẩu khó tính đặt yêu cầu ngày càng cao đối với mặt hàng may mặc.
Cũng như nhiều doanh nghiệp may mặc khác trên địa bàn tỉnh, Minh Khuê đang gặp khó khăn về nguồn tài chính để có thể đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác điều hành, quản lý, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Hiện, ngoài việc đầu tư máy trần bông tự động, hầu hết các công đoạn sản xuất của công ty đều thực hiện thủ công. Các doanh nghiệp may mặc đang rất mong được Nhà nước quan tâm, tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nâng cao sức cạnh tranh trước những đối thủ trong khu vực và thế giới.
Mặt hàng may mặc thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. Với sự khởi sắc về đơn hàng trong những tháng gần đây, các ngành chức năng nhận định, năm 2024, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt xấp xỉ 10%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam nói chung, tại Hà Nam nói riêng đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… Do vậy, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp may mặc cần hướng tới đẩy mạnh đầu tư, đổi mới về công nghệ, chú trọng yếu tố cải thiện môi trường làm việc, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao…
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/doanh-nghiep-may-mac-voi-noi-lo-thieu-nang-luc-san-xuat-135995.html