Doanh nghiệp muốn được biết tiến độ xử lý hồ sơ, thủ tục

Doanh nghiệp muốn được biết tiến độ xử lý hồ sơ, thủ tục
6 giờ trướcBài gốc
Nhanh chóng ban hành Chương trình hành động với 5 trụ cột
- Các doanh nhân trẻ Việt Nam đón nhận Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Hồng Anh. Ảnh: Quang Khánh
- Cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam rất hào hứng đón nhận Nghị quyết. Rất nhiều chính sách nêu trong Nghị quyết đã được chúng tôi đề xuất, kiến nghị từ nhiều năm nay, đặc biệt là các chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, Nghị quyết đã dành hẳn một nhóm giải pháp thứ 7 về “hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, trong cùng ngày, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tóm gọn lại 27 ý chính để chuyển đến các hội viên. Ngày 8/5, Hội đã ban hành Chương trình hành động với 5 trụ cột, đặc biệt là đẩy mạnh giao dịch nội khối, bằng các giải pháp khuyến khích hội viên sử dụng sản phẩm và dịch của nhau, đổi sản phẩm cho nhau, bán hàng giúp nhau, qua đó làm tăng nội lực của doanh nghiệp Việt Nam.
- Cộng đồng doanh nhân trẻ có mong muốn, đề xuất cụ thể gì trong quá trình triển khai Nghị quyết, thưa ông?
- Chúng tôi mong các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; có những văn bản hướng dẫn cũng phải rất cụ thể để tạo thuận lợi cho cả phía cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp thực thi.
Doanh nhân trẻ thường hạn chế về vốn, tài sản bảo đảm; họ chỉ có ý tưởng kinh doanh, có sản phẩm, dịch vụ tốt, phù hợp với xu hướng nên rất khó vay vốn từ ngân hàng. Tại Nghị quyết đã nêu rõ đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân thông qua các giải pháp cụ thể; khuyến khích cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh… Điều này không chỉ tạo niềm tin, sự phấn khởi cho doanh nghiệp, mà còn khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với khu vực tư nhân. Song, để hiện thực hóa, hệ thống pháp luật có liên quan cần được rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp, để phía ngân hàng tự tin khi cho khu vực tư nhân vay vốn.
Doanh nghiệp muốn có quyền từ chối thanh, kiểm tra lần hai
- Nghị quyết cũng quy định về tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với doanh nhân trẻ?
- Cùng với vốn, đất đai là rào cản với phần lớn doanh nhân trẻ chúng tôi. Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã quy định rõ về vấn đề này; đặc biệt là có chính sách cho những doanh nghiệp đầu tư làm hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Nhiều hội viên của chúng tôi đã và đang đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Họ sẵn sàng dành đất cho các doanh nghiệp tư nhân khác thuê, bởi họ cũng mong đất nước phát triển, mong cộng đồng doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp, cần có những chính sách ưu đãi cụ thể ở các địa phương, như về tiền sử dụng đất, các khoản vay, tiền thuế…
- Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra; theo đó, chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm. Theo ông, cần làm thế nào để bảo đảm thực thi đúng quy định này?
- Nghị quyết đã đổi mới có tính đột phá về công tác thanh tra, kiểm tra. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất tán thành với điều này. Để thực hiện được đúng tinh thần của Nghị quyết, chúng tôi mong được trao quyền phản ánh những bất cập của cơ quan quản lý, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra tới các cơ quan có liên quan. Theo đó, nếu như trong một năm mà phải đón đoàn thanh tra, kiểm tra thứ hai trở lên mà không có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm, chúng tôi có quyền từ chối tiếp. Điều này sẽ góp phần bảo đảm các nội dung Nghị quyết vào cuộc sống!
Mặt khác, chúng tôi rất mong muốn có lộ trình số hóa hệ thống văn bản pháp luật cũng như quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, để chúng tôi có thể xem xét được vấn đề pháp lý của mình, xem hồ sơ của mình đang ở đâu, tiến độ như thế nào, nếu chậm thì có thể kiến nghị để được giải quyết nhanh hơn. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục cho doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân trẻ phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Đan Thanh thực hiện
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-muon-duoc-biet-tien-do-xu-ly-ho-so-thu-tuc-10373096.html