Doanh nghiệp nào được đăng ký thành viên của trung tâm tài chính?

Doanh nghiệp nào được đăng ký thành viên của trung tâm tài chính?
4 giờ trướcBài gốc
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tham vấn chuyên gia, nhà đầu tư và các định chế tài chính xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Trong văn bản góp ý, VCCI cho rằng, dự thảo quy định đối tượng được đăng ký thành viên Trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm… Đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính lớn như các tập đoàn, các công ty mẹ, công ty holding. Điều này dẫn đến câu hỏi, các doanh nghiệp phi tài chính có được phép đăng ký thành viên của trung tâm tài chính hay không?.
“Tham khảo kinh nghiệm một số trung tâm tài chính khác trên thế giới cũng có quy chế đăng ký thành viên thì đối tượng được phép tham gia được chia thành hai nhóm rõ ràng là các doanh nghiệp tài chính và các doanh nghiệp phi tài chính” – VCCI khẳng định.
VCCI cũng nêu quan điểm về chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Cụ thể, theo VCCI, mục 2.2.3 của dự thảo về chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech đang được thiết kế theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa, token tiện ích… Quy định như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ Chính phủ gặp khó trong việc ban hành văn bản hướng dẫn do không thể quy phạm hóa các vấn đề quá mới và còn đang biến đổi rất nhanh.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận, cho phép doanh nghiệp đề xuất giải pháp để đáp ứng các mục tiêu quản lý của nhà nước.
Cụ thể, theo VCCI, nhà nước cần đặt ra các mục tiêu như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, an ninh năng lượng và môi trường… Các doanh nghiệp fintech khi xin phép sẽ trình bày mô hình kinh doanh của mình và thuyết minh các giải pháp để đạt được các mục tiêu trên.
Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá, thẩm định các giải pháp và cấp phép cho hoạt động fintech đó. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các giải pháp đã cam kết và phải báo cáo cũng như chịu sự kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan nhà nước. Sau một thời gian, khi giải pháp của doanh nghiệp được chứng minh là hiệu quả thì nhà nước mới tiến hành xây dựng thành quy phạm quản lý.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nao-duoc-dang-ky-thanh-vien-cua-trung-tam-tai-chinh-370338.html