Hiện thực hóa giấc mơ
Đầu năm 2020, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Anh Quỳnh như bước sang trang mới, khi dọn về căn hộ mới thuê mua tại dự án nhà ở xã hội Hope Riverside, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội. Giấc mơ tưởng như xa vời với mức lương viên chức vỏn vẹn khoảng 8 triệu đồng/tháng của anh Quỳnh đã trở thành sự thật nhờ chính sách về nhà ở xã hội.
Chung cư nhà ở xã hội Bàu Tràm Lakeside thuộc dự án Ori Garden tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Cách đây 6 năm, anh Quỳnh được tiếp cận dự án nhà ở xã hội Hope Riverside dành cho đối tượng thu nhập thấp. Với hình thức thuê mua lúc ban đầu, anh Quỳnh chỉ phải trả 5 triệu đồng/tháng cho chủ đầu tư, trước lúc ký hợp đồng mua căn hộ 68m2 này. Sau 3 năm đầu đóng tiền nhà theo mỗi quý, anh Quỳnh thậm chí không phải lo đóng tiền trong 2 năm gần đây.
"Vợ chồng tôi đang liên hệ với một số ngân hàng để tiếp cận gói vay vốn ưu đãi 145 nghìn tỷ đồng mua lại căn hộ đang ở. Dự kiến giá mua sắp tới sẽ cao hơn mức giá 16 triệu đồng/m2 lúc ban đầu, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhà ở thương mại. Nếu không có chính sách ưu đãi này, chúng tôi không biết bao giờ mới có thể mua được nhà ở Hà Nội", anh Quỳnh chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Vân Anh ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã chuyển đến sinh sống tại khu nhà ở xã hội Rice City Tây Nam Linh Đàm. "Lương của tôi khoảng 9 triệu đồng mỗi tháng, mức lương của chồng cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ đủ nuôi nấng các cháu ăn học. Dù vậy, nhờ chính sách nhà ở xã hội, tôi đăng ký mua và bốc thăm trúng căn tại dự án", chị Vân Anh cho biết.
Theo chị, lý do vợ chồng chị mua được căn chung cư này là nhờ thuộc diện tiếp cận gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng. Sau khi bốc thăm trúng, vợ chồng chị làm thủ tục vay tiền mua nhà với lãi suất 4,8%/năm ở năm đầu, trong khi các năm tiếp theo là 5%/năm tại Ngân hàng BIDV.
Những vướng mắc từ thực tế
Thực tế, không phải ai trong số hàng triệu người thu nhập thấp cũng có được niềm vui như gia đình chị Vân Anh hay anh Quỳnh. Vì thế, khi đón nhận thông tin dự thảo Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhiều người bày tỏ kỳ vọng rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - CTCP, một trong những vướng mắc là xác định đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Khi xác nhận hồ sơ thì người mua chưa rõ thông tin xác nhận tại địa bàn cư trú hay xác nhận tại địa phương nơi có dự án. Cơ quan xác nhận cũng băn khoăn, khi xác nhận có đúng thẩm quyền hay không, do vậy quá trình bán hàng bị kéo dài thời gian, phát sinh chi phí của chủ đầu tư.
Ông Bùi Việt Thắng, đại diện chủ đầu tư Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng cho biết, dự án nhà ở xã hội của Tổng công ty tại Đông Anh (Hà Nội) mong muốn được bán hết toàn bộ các căn hộ mà không phải thực hiện theo hình thức cho thuê. Vì hình thức cho thuê sẽ mất thêm bộ máy quản lý và chi phí trong một thời gian rất dài. Chủ đầu tư đề xuất thực hiện nhanh chóng cuốn chiếu dự án này xong và tập trung triển khai dự án khác.
Bà Trịnh Thị Hà, Chủ tịch HĐTV Công ty Thân Hà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Mê Linh (Hà Nội) cho hay, dự án của công ty đã hoàn thiện xong phần xây thô, song gặp khó khăn trong việc xác định tỷ lệ phần trăm đất thương mại và giá bán được duyệt. Nguyện vọng của chủ đầu tư là thực hiện đúng tỷ lệ theo quy định và giá bán theo thời điểm hiện tại, trung bình 19-19,5 triệu đồng/m2, thay vì giảm giá mua, tăng tỷ lệ diện tích thương mại.
Ông Trương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT - Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân chia sẻ: Công ty đã cam kết với Chính phủ làm 50.000 căn nhà ở xã hội. Hiện nay, công ty đã thực hiện 10.000 căn, còn 40.000 căn. Mục tiêu đến năm 2030 là phải hoàn thành con số còn lại, tức là khoảng 7.000-8.000 căn mỗi năm.
Để làm 40.000 căn này, Hoàng Quân cần 200ha quỹ đất, nhưng hiện nay chỉ có 50ha. Bên cạnh quỹ đất, với 40.000 căn, vốn đầu tư cần 40 nghìn tỷ đồng, trong đó phải có tối thiểu 10 nghìn tỷ đồng vốn vay trung, dài hạn từ ngân hàng. Trong khi ngân hàng chỉ giải ngân khi dự án khả thi và có khả năng hoàn vốn.
Tương tự, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tổng công ty CP Vinaconex nêu thực tế khó tiếp cận vốn: "Đất của Nhà nước, không phải của chủ đầu tư. Dân thì chưa bỏ đồng nào vào đó, có căn cứ gì để ngân hàng cho vay?".
Ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mức lợi nhuận 10% chưa hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi thủ tục hành chính phức tạp, người mua cũng khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cho vay chưa hợp lý.
"Thực tế, đã có chủ đầu tư mở bán trên 20 đợt mới hết. Mỗi đợt với thủ tục phức tạp, khiến thời gian bán hàng bị kéo dài, chủ đầu tư phải gánh chi phí lãi vay cao", ông Bình nói.
Mong nghị quyết đi ngay vào cuộc sống
Kỳ vọng vào Nghị quyết mà Quốc hội đang xem xét, ông Đào Ngọc Thanh bày tỏ mong muốn Nghị quyết cần cụ thể, chi tiết rõ ràng để thực hiện ngay mà không phải chờ hướng dẫn.
"Ví dụ quy định rõ nhà đầu tư chỉ được vay quỹ 145 nghìn tỷ với lãi suất giảm 3% khi doanh nghiệp có đủ 50% tiền để xây dựng. Ngân hàng phải bảo lãnh tiền vay của doanh nghiệp trên công trình mà doanh nghiệp đã làm trên đất. Người dân chỉ được vay khi có hợp đồng mua bán và nộp tiền cho chủ đầu tư 30% thì ngân hàng sẽ giải ngân", ông Thanh đề xuất.
Thứ hai là sự chuyển tiếp của chính sách, cần quy định những dự án được giao 4-5 năm nay thì có được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết hay không.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty Thiên Phát nhìn nhận, dự thảo Nghị quyết cần "đóng khung" một số nội dung như Nhà nước hoàn trả tiền doanh nghiệp chuyển nhượng đất, hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng ra sao…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay ưu đãi bằng nguồn lực của các ngân hàng thương mại (triển khai tối đa đến năm 2030 hoặc kết thúc sớm hơn nếu doanh số giải ngân đạt 145 nghìn tỷ đồng).
Lãi suất hiện đang áp dụng với chương trình là 6,6%/năm đối với chủ đầu tư và 6,1%/năm đối với người mua nhà (áp dụng cho giai đoạn từ ngày 1/1 - 30/6), đã giảm 0,4% so với kỳ công bố 6 tháng trước đó (lãi suất cho vay đã liên tục giảm qua các lần công bố).
Hiện có 38/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 99 dự án. Đến ngày 31/3, doanh số giải ngân của Chương trình đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, trong đó trên 542 tỷ đồng cho người mua nhà tại 21 dự án.
Nhóm phóng viên