Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc lao đao do chịu cảnh 'áp thuế hai lần'

Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc lao đao do chịu cảnh 'áp thuế hai lần'
5 giờ trướcBài gốc
Cảng hàng hóa Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo dữ liệu chính thức, các công ty quốc tế và liên doanh chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn của họ trước các “đòn” thuế quan của Washington. Những tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Tesla cùng nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn lâu nay dựa vào Trung Quốc như một căn cứ sản xuất. Các doanh nghiệp này thường nhập nguyên liệu hoặc linh kiện từ Mỹ, lắp ráp tại Trung Quốc, rồi xuất khẩu thành phẩm để quay lại Mỹ, khiến họ bị vướng vào cả thuế nhập khẩu của Trung Quốc lẫn thuế xuất khẩu của Mỹ.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ mạnh tay tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc ở mức 145% và Trung Quốc đáp trả đã khiến nhiều doanh nghiệp chịu cảnh "đánh thuế hai lần" đối với cùng một lô hàng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc và tính toán của Financial Times, các doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn phần hoặc một phần vốn nước ngoài tại Trung Quốc đã đóng góp 980 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu nước này, tương đương hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024, và 820 tỷ USD cho nhập khẩu, tương đương hơn 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong cùng kỳ. Tính trong cả năm 2024, Trung Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại kỷ lục gần 1.000 tỷ USD.
Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc được xây dựng dựa trên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm từ Hong Kong (Trung Quốc) và Macau (Trung Quốc), tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để sản xuất hàng hóa. Năm 2008, nhóm doanh nghiệp này chiếm tới 55% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm dần khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược tự chủ công nghiệp. Năm ngoái, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 29,6% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, nhưng chỉ đóng góp 16% vào thặng dư thương mại do tỷ trọng nhập khẩu cao.
Trung Quốc hiện cũng có chương trình miễn thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện để chế biến và sau đó tái xuất khẩu (gọi là "thương mại gia công"). Một số nhà sản xuất lớn của Mỹ, bao gồm các hãng điện thoại thông minh và nhà sản xuất điện tử, đã nhận được các miễn trừ thuế tạm thời từ chính quyền Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ, có thể sẽ thấy việc xuất khẩu từ Trung Quốc trở nên kém hiệu quả.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo chiến tranh thương mại có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tính theo đồng NDT tiếp tục sụt giảm, sau khi đã giảm 27,1% trong năm 2024 so với năm trước đó.
Minh Trang/TTXVN (Theo Financial Times)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-tai-trung-quoc-lao-dao-do-chiu-canh-ap-thue-hai-lan-20250428165907270.htm