Công nhân Công ty CP Dệt may Huế chăm chỉ trong lao động sản xuất
Đáp ứng các đơn hàng
Tại Công ty CP Dệt may Huế, một trong những DN dẫn đầu trong lĩnh vực dệt may của thành phố, những dây chuyền sản xuất đã hoạt động hết công suất để đáp ứng tiến độ đơn hàng. Bà Trần Thị Thuấn, Giám đốc Điều hành Công ty CP Dệt may Huế cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, yêu cầu về tiến độ và chất lượng rất khắt khe, vì vậy, không thể để bất kỳ sự chậm trễ nào ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Ngay từ mùng 6 Tết, toàn bộ công nhân đã có mặt đầy đủ tại nhà máy, bắt tay ngay vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao”.
Năm 2024, doanh thu Công ty CP Dệt may Huế đạt hơn 2.003 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2023, lợi nhuận 134,4 tỷ đồng, tăng 11%. Năm 2025, Công ty CP Dệt may Huế đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.070 tỷ đồng, tăng 4% so với 2024, lợi nhuận 140 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 2024. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, công ty không chỉ đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo đơn hàng, mà còn chủ động điều chỉnh chiến lược trước những thay đổi của thị trường. Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Công ty CP Dệt may Huế đẩy mạnh sản xuất xanh, thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các đối tác nước ngoài. “Thị trường xuất khẩu ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Chúng tôi đã có kế hoạch tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư thêm vào công nghệ dệt nhuộm ít phát thải và tối ưu chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng cạnh tranh”, bà Trần Thị Thuấn nói thêm.
Những ngày này, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH MSV, chuyên sản xuất hàng thời trang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng đang nhanh tay trên mỗi chuyền may để trả đơn hàng. Đại diện công ty cho biết, lấy đà tăng trưởng của năm 2024 và đơn đặt hàng của đối tác đang tăng cao, hiện công ty đang mở rộng thêm 2 chuyền sản xuất mới. “Năm nay, nhu cầu từ thị trường tăng mạnh, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều rào cản kỹ thuật hơn trước. Vì vậy, chúng tôi không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn phải nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới của các đối tác”, vị này nói.
Tương tự, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH MTV Hanex Huế, Khu công nghiệp Phú Bài đã tăng ca từ ngay sau tết Nguyên đán để kịp đơn hàng xuất khẩu. Chị Châu Thị Hạnh, công nhân tại bộ phận hoàn thiện cho biết, dù là thời điểm đầu năm, song khối lượng công việc rất nhiều vì có nhiều đơn hàng. Vì vậy, bản thân tôi phải tập trung cao độ trong từng sản phẩm, tránh những sai sót, để hoàn thành xuất sắc tiến độ được giao.
Lĩnh vực chế biến thủy sản cũng nhanh chóng trở lại guồng quay sản xuất. Bà Hà Thị Kiều Lang, Giám đốc Công ty CP Phát triển thủy sản Huế chia sẻ, năm 2024, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty vượt kế hoạch năm, đến thời điểm hiện tại, DN đã có đơn hàng đến hết quý II và đang tiếp tục đàm phán cho những đơn hàng tiếp theo. Với những tín hiệu tích cực này, công ty tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay hơn 15%. Cũng theo bà Hà Thị Kiều Lang, công ty sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Công nhân Công ty TNHH MSV (Khu công nghiệp Phú Bài) làm việc
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Ông Trần Văn Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội DN nhận định, 2025 sẽ là năm có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Nếu DN tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và quản trị, kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền, tin rằng cộng đồng DN sẽ có một năm thành công.
Ông Mỹ phân tích, sự chuyển dịch cơ cấu toàn cầu theo hướng ưu tiên tiêu dùng xanh đặt ra không ít thách thức cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Song đây cũng là động lực để DN thành phố đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thực hành các tiêu chuẩn ESG đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ và khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. “Trong bối cảnh hiện nay, DN cần có chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường, biến các thách thức thành cơ hội để tăng doanh thu và khẳng định thương hiệu trên thị trường”, ông Mỹ khẳng định.
Nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, thành phố đã triển khai hàng loạt chính sách ưu đãi, từ hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, đến cải thiện thủ tục hành chính. Cụ thể, thành phố đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để DN có thể mở rộng quy mô, thị trường và ngày càng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, khuyến khích DN áp dụng công nghệ trong sản xuất và quản lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm cũng được tổ chức thường xuyên để giúp DN quảng bá sản phẩm, kết nối với đối tác trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Hải Thuận