Doanh nghiệp TPHCM: Tìm hướng đi giữa 'thương chiến'

Doanh nghiệp TPHCM: Tìm hướng đi giữa 'thương chiến'
3 giờ trướcBài gốc
Hồi hộp chờ đàm phán thuế
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Sơn, cho biết, DN đang gấp rút hoàn tất 20 container hạt điều cuối cùng để kịp giao cho đối tác Mỹ trước ngày 9-7. Sau ngày này, nếu đàm phán về thuế không thuận lợi, đơn hàng mới từ phía Mỹ sẽ gần như không có. Doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất từ 1-2 tháng để tái cơ cấu hoạt động.
Container hàng hóa xuất khẩu được xếp lên tàu tại cảng Cát Lái (TPHCM). Ảnh: Hoàng Hùng
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, chia sẻ, các nhà nhập khẩu Mỹ chưa đặt thêm đơn hàng mới do tâm lý chờ kết quả đàm phán về thuế. Nếu tình hình không cải thiện, Intimex có thể sẽ dừng sản xuất cho thị trường Mỹ một thời gian.
Trong khi đó, ngành dệt may cũng sẽ đối diện sức ép lớn về việc áp đặt thuế đối ứng từ Mỹ. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các đơn hàng hiện tại đều ký trước khi chính sách thuế mới được công bố, DN đang chạy nước rút. Tuy nhiên, đơn hàng mới vẫn chưa được ký kết vì các đối tác lo ngại rủi ro về thuế và xuất xứ nguyên liệu. Riêng ngành thủy sản đang rơi vào trạng thái... dè chừng. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Nghi Sơn, nhận định: “Đối tác Mỹ đang ngưng đặt hàng để chờ kết quả đàm phán thuế. Doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất cầm chừng để giữ chân lao động và hệ thống”.
Chủ động chuyển hướng thị trường
Trước nguy cơ đứt gãy đơn hàng, nhiều DN TPHCM đã chủ động tìm kiếm thị trường thay thế. Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Intimex đang chuyển hướng sang châu Âu, Trung Đông, những khu vực có ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Tất nhiên, việc tiếp cận thị trường mới không dễ, do vướng tiêu chuẩn kỹ thuật, chi phí logistics và cạnh tranh gay gắt.
Hàng hóa xuất khẩu được bốc xếp tại cảng Cát Lái (TPHCM). Ảnh: Hoàng Hùng
Để phát triển thị trường, hạn chế thiệt hại do đứt gãy đơn hàng, ý kiến của nhiều DN cho rằng cần sớm có cơ chế hỗ trợ cụ thể và linh hoạt từ địa phương và trung ương. Thứ nhất, đẩy mạnh đàm phán để đưa mức thuế đối ứng từ Mỹ về ngưỡng hợp lý. Thứ hai, cần triển khai chính sách tài khóa hỗ trợ DN xuất khẩu bị ảnh hưởng như: miễn giảm thuế thu nhập DN, giãn tiến độ nộp thuế VAT, tiếp cận tín dụng lãi suất thấp. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng phải sớm thiết lập kênh đối thoại thường xuyên giữa cơ quan nhà nước và khối xuất khẩu để cập nhật chính sách, phản ánh vướng mắc, điển hình như quy định xuất xứ, tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) hoặc truy xuất mã QR.
Một khó khăn nữa là chi phí logistics và vận chuyển quốc tế gia tăng khiến lợi nhuận của DN bị bào mòn nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống logistics nội địa, nhất là tại khu vực phía Nam, vẫn còn manh mún, thiếu kết nối. “Cần sớm xây dựng trung tâm logistics liên vùng quy mô lớn, kết nối với các cảng chính và mạng lưới vận tải đường thủy, đường sắt. Cùng với đó, nên thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu vận tải và thủ tục hải quan giữa các bộ, ngành, địa phương để giảm thời gian luân chuyển hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng được tiếp cận Quỹ phát triển xuất khẩu để bù đắp chi phí vận chuyển, đồng thời có chính sách miễn giảm phí hạ tầng cảng biển đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đề xuất.
Dưới góc nhìn tổng thể, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nhận xét, với TPHCM, hiện đang đóng góp tới 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và có tỷ trọng FDI đăng ký lên tới 17,5%, cần có cơ chế riêng hỗ trợ nhóm DN chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ. Nếu không được hỗ trợ đúng mức, sự suy giảm đơn hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của thành phố và cả nước.
Các chính sách hỗ trợ phải đi vào thực chất, bao gồm ưu tiên tín dụng cho các DN có năng lực đổi mới, đã đầu tư truy xuất nguồn gốc, xanh hóa chuỗi sản xuất và có định hướng xuất khẩu bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, hệ thống xúc tiến thương mại quốc gia phải được tăng cường cả về nhân lực lẫn mạng lưới hoạt động tại các thị trường chiến lược như Mỹ, EU, Trung Đông. Việc có đại diện thương mại thường trực sẽ giúp DN tiếp cận thông tin sớm, hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật và giảm độ trễ trong phản ứng chính sách. Bên cạnh đó, hợp tác công - tư phát triển logistics và hạ tầng thương mại số phải được thúc đẩy nhanh để giảm chi phí vận hành, vốn là điểm nghẽn lớn hiện nay.
MINH XUÂN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-tphcm-tim-huong-di-giua-thuong-chien-post795978.html