Theo nội dung ký kết, hai dự án trọng điểm sẽ được triển khai tại TP.HCM, bao gồm: Nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu quy mô lớn nhất Đông Nam Á với mức đầu tư dự kiến 5 tỷ USD; cùng Nhà máy sản xuất linh kiện động cơ ứng dụng công nghệ Hydrogen nhằm giảm thiểu khí thải độc hại, với tổng vốn đầu tư giai đoạn một khoảng 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một thỏa thuận khác cũng được ký kết liên quan đến việc khảo sát đầu tư xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam) đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), với số vốn đầu tư dự kiến từ 500 đến 700 triệu USD.
Các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài muốn triển khai 2 dự án lớn tổng vốn 6 tỷ USD ở TP.HCM. Ảnh: Thảo Liên
Dự án này được kỳ vọng sẽ vận chuyển khoảng 25 - 30 triệu tấn xăng và dầu diesel mỗi năm, góp phần quan trọng trong việc tăng cường năng lực logistics và đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực.
Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn KOGI, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, các thỏa thuận ký kết là kết quả của quá trình làm việc và đàm phán kéo dài suốt 6 tháng với các đối tác từ Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Oman và Nhật Bản.
Ông nhấn mạnh: “Chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Trung Đông vào tháng 10 năm 2024 đã tạo tiền đề cho các cơ hội hợp tác mang tính chiến lược giữa Việt Nam và khu vực này. Các dự án sẽ được triển khai ngay khi nhận được phê duyệt từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Đại diện phía Nhật Bản, ông Tetsunobu Ishihama - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mazda Oil cho biết công nghệ Hydrogen được sử dụng trong nhà máy sản xuất linh kiện là sáng chế của ông Nguyễn Hồng Huệ và đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các chuyên gia từ Mazda Oil và đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Honda để hiện thực hóa dự án ngay tại Việt Nam” ông khẳng định.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng và hứa hẹn, nhất là trong lĩnh vực dầu khí nếu như có hệ thống hạ tầng kết nối trong khu vực
Dự án lọc dầu và chuỗi logistics liên quan cũng sẽ giúp Việt Nam trực tiếp nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, tinh chế tại chỗ và cung cấp các sản phẩm dầu thiết yếu phục vụ nền kinh tế trong nước, từ đó hình thành nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp năng lượng quốc gia.
Tại buổi lễ, nguyên Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, ông Yoshiaki Harada, đã bày tỏ kỳ vọng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế trong việc hợp tác phát triển bền vững cùng Việt Nam.
TH