Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
9 giờ trướcBài gốc
Nhờ ứng dụng công nghệ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Ảnh: Lăng Khoa
Những thách thức
Ông Nguyễn Hữu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Hữu Huệ (đường Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng), nhận định: Trong thời đại kỷ nguyên số, nếu không chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tụt hậu.
Nhận định của ông Huệ là rất có cơ sở khi các doanh nghiệp đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi không nắm bắt các xu hướng thị trường để đề ra phương án kinh doanh thúc phù hợp. Trong đó, thụt lùi với công nghệ số chính là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với thất bại.
Ngoài ra, nếu không kịp thời vận hành theo hướng hiện đại, các thông tin dữ liệu khách hàng, tài chính, đối thủ, ngành… chỉ được thống kê theo cách truyền thống trên sổ sách, dẫn đến tiêu tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp, dễ xảy ra sai sót, thất lạc, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cũng như khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp số trên thị trường.
Nhân viên Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của dây chuyền chế biến sâu tinh quặng xuất khẩu.
Đồng thời, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khó tiếp cận với khách hàng mới nếu không sử dụng các nền tảng số. Theo đó, dữ liệu khách hàng cần được thu thập, phân tích, lưu trữ để tăng sự thấu hiểu giữa doanh nghiệp - khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Được, chủ một khách sạn lớn ở phường Bắc Kạn, cho biết: Tôi kinh doanh dịch vụ này hơn 20 năm rồi. Trước đây, việc cạnh tranh ít hơn nên lượng khách đến với chúng tôi nhiều hơn, nhất là vào mùa du lịch, lễ hội. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, việc cạnh tranh trở nên “khốc liệt” hơn khi nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn ngày càng phát triển. Do đó, để thu hút được khách hàng, chúng tôi buộc phải đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, các loại hình dịch vụ, giá thuê phòng… của khách sạn trên các nền tảng mạng xã hội.
Cũng theo chia sẻ của ông Được, để bắt nhịp với thời đại kỷ nguyên số, ông phải ứng dụng một số phần mềm quản lý về nhân sự, doanh thu… vào phục vụ hoạt động của khách sạn. Dù phát sinh thêm chi phí, đặc biệt là quá trình sử dụng phần mềm phát sinh nhiều vướng mắc do nhân viên chưa sử dụng thành thạo công nghệ nhưng với nhiều nỗ lực, đến nay, các phần mềm đã hoạt động thông suốt, mang lại hiệu quả tích cực khi giảm nhân công lao động, tăng hiệu quả kinh doanh.
Xu hướng tất yếu
Trên thực tế, kỷ nguyên số đang mở ra cho các doanh nghiệp Thái Nguyên nhiều cơ hội khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua hàng trực tuyến (online) và sử dụng các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn.
Chị Nguyễn Thanh Hương, phường Phan Đình Phùng, cho hay: Thay vì đến các chợ truyền thống để mua thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm… hiện nay tôi chỉ mua hàng trực tuyến. Chỉ cần biết địa chỉ của những cửa hàng uy tín, việc mua hàng không chỉ đảm bảo về chất lượng, giá cả mà còn giúp tôi tiết kiệm được thời gian.
Với sự thay đổi này, kỷ nguyên số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi tiết kiệm được chi phí hoạt động, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, quản lý thông tin và khai thác tài nguyên tốt hơn. Đặc biệt, tối ưu hóa hoạt động tác nghiệp trong, ngoài phòng ban; tăng sự hiệu quả, minh bạch trong hệ thống quản trị doanh nghiệp, giúp cải thiện năng suất của nhân viên và toàn doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, điều hành hoạt động cho đại diện các doanh nghiệp thành viên (tháng 6-2025).
Đáng nói, kỷ nguyên số cũng làm tăng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi nhuận, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn. Với nhiều tiện ích, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là quá trình tất yếu của xã hội, là xu hướng tất yếu của mỗi tổ chức, đơn vị kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Theo con số riêng chúng tôi nắm được, đến nay, có khoảng 70 đến 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số theo nhiều hình thức khác nhau. Có trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số để hình thành doanh nghiệp thông minh (đạt gần 5% số DNNVV) với 3.000 sản phẩm thông minh được cập nhật trên sàn thương mại điện tử, trong đó có các sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP.
Ứng dụng công nghệ số đã góp phần giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhờ đó không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Riêng năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có trên 230 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Gia Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mấm: Để thích ứng với kỷ nguyên số, chúng tôi mong tỉnh tổ chức nhiều hơn nữa những lớp tập huấn về ứng dụng các phần mềm trong quản lý bán hàng, kinh doanh online…
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ bằng việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh đã ban hành chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 06). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối cung - cầu lao động, đổi mới và nâng cao hiệu quả của Trung tâm dịch vụ hành chính công và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư bình đẳng, minh bạch.
Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham khảo, trải nghiệm giải pháp số về nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng các đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, như: Đề án hỗ trợ quản lý hoạt động cụm công nghiệp trực tuyến tỉnh Thái Nguyên; phần mềm khảo sát mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng giải pháp tiếp thị đa kênh (omichanel - maketting) 11 bộ giải pháp; đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng…
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Giám đốc Sở Tài chính: Trong thời đại kỷ nguyên số, việc tôn vinh các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên tiếp tục được quan tâm nhiều hơn.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho biết: Các hợp tác xã rất tích cực tham gia những chương trình, lớp tập huấn kinh doanh trực tuyến (online). Qua đó, việc tiếp thị các mặt hàng của các hợp tác xã thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc triển khai sàn thương mại điện tử; đưa công nghệ số vào quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Cùng với việc duy trì các hình thức hỗ trợ này, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “vươn mình” mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp từng bước làm chủ công nghệ, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiện đại dựa trên nền tảng số để tạo ra sản phẩm vươn tầm quốc tế có nguồn gốc, xuất xứ made in Thái Nguyên.
Tùng Lâm
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/doanh-nghiep-trong-ky-nguyen-so-4b518e1/