Doanh nghiệp vật liệu, xây dựng sẵn sàng 'vào sóng'

Doanh nghiệp vật liệu, xây dựng sẵn sàng 'vào sóng'
3 giờ trướcBài gốc
Kết thúc quý cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành vật liệu xây dựng, đầu tư công dần cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong kết quả kinh doanh bên cạnh những kỳ vọng tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh khởi sắc
Dẫn đầu ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu trên 35.200 tỷ đồng và lãi ròng đạt trên 2.800 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2024, Hòa Phát đạt 140.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% chỉ tiêu năm.
Với lợi thế sở hữu đầy đủ chuỗi giá trị ngành thép, Hòa Phát hiện giữ vững vị trí dẫn đầu trong nước với thị phần khoảng 38% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng.
Kết quả kinh doanh của Hòa Phát được dự báo tiếp tục khởi sắc trong năm 2025 khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng với các dự án lớn như sân bay Long Thành và tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Công ty chứng khoán ACB (ACBS) nhận định nhu cầu thép xây dựng cho đầu tư công sẽ giúp Hòa Phát tối đa hóa công suất, dự kiến tăng sản lượng khoảng 10% so với năm 2024. Nhu cầu ổn định sẽ giúp duy trì giá thép và đảm bảo biên lợi nhuận của Hòa Phát.
Trong khi đó, sau cơn bĩ cực, hai ông lớn ngành xây dựng là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Coteccons đều ghi nhận kết quả tích cực trong quý cuối năm 2024.
Theo đó, Hòa Bình có lãi trong quý IV/2024 nhờ khoản thu nhập khác 45 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi đột biến do bán tài sản nên cả năm, công ty ghi nhận 852 tỷ đồng lãi sau thuế, cải thiện mạnh so với mức thua lỗ 1.115 tỷ đồng năm 2023.
Tương tự, Coteccons cũng có quý đầu tiên đạt lợi nhuận ba chữ số trở lại . Theo báo cáo tài chính quý II/2025 (kỳ báo cáo từ 1/10-31/12/2024), Coteccons ghi nhận doanh thu đạt gần 6.900 tỷ đồng và lãi ròng đạt 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 54% so với cùng kỳ.
Theo Coteccons, trong sáu tháng đầu năm tài chính 2025, công ty đạt giá trị hợp đồng ký mới đạt 16.800 tỷ đồng, nâng tổng giá trị giá trị hợp đồng chưa ghi nhận doanh thu (backlog) lên gần 35.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái mới của cựu Chủ tịch Coteccons - ông Nguyễn Bá Dương cũng đạt kỷ lục mới về doanh thu năm 2024.
Cụ thể, hệ sinh thái gồm gồm: Newtecons, Ricons, SOL E&C, BM Windows, BoHo Décor và DB công bố doanh thu 27.800 tỷ đồng, qua đó vượt kế hoạch đề ra và bỏ xa những đối thủ khác trong ngành xây dựng.
Trong tâm thư đầu năm 2025, ông Dương dự báo 2025 sẽ là năm vươn mình của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Ở giai đoạn chuyển tiếp mang tính bước ngoặc của đất nước cũng như thế giới, ông Dương nhấn mạnh cảm thấy luồng sinh khí mới đang len lỏi khắp xã hội.
Kế hoach phân bổ/giải ngân vốn cho bộ GTVT năm 2024-2025. Ảnh DSC.
Ở lĩnh vực giao thông, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, ghi nhận doanh thu 1.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, Đèo Cả thu về lãi ròng 106 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế cả năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng, tăng hơn 23%. Trong đó, đáng chú ý là doanh thu thu phí chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.914 tỷ đồng, tương ứng đóng góp 58% tổng doanh thu đã tăng khoảng 22% so với năm 2023. Mỗi ngày tương ứng doanh thu thu phí hơn 5 tỷ đồng.
Theo công ty chứng khoán DSC, mức tăng trưởng lũy kế hằng năm của Đèo Cả có thể đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 2020-2024 sẽ tiếp tục duy trì trong giai đoạn 2025 – 2030.
Kỳ vọng này đến từ làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam, dòng vốn FDI duy trì tăng trưởng, lượng khách quốc tế tăng trưởng 41% so với cùng kỳ, và đóng góp mới từ thu phí tại trạm Cam Lâm -Vĩnh Hảo.
Thêm nữa, Đèo Cả vẫn đang nghiên cứu đầu tư tại nhiều dự án mới với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, Đèo Cả đã hoàn thành, khai thác thu phí tại cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và bắt đầu triển khai xây dựng dự án mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Dư địa mảng xây lắp của Đèo Cả là rất lớn, đặc biệt với kinh nghiệm tại các dự án xuyên hầm, Đèo Cả sẽ là đơn vị trúng thầu tại các dự án thành phần (thuộc địa phần miền Trung) của tuyến tàu cao tốc Bắc Nam.
Hàng loạt "siêu dự án" hạ tầng trọng điểm được triển khai trong giai đoạn 2024-2026. Ảnh: ACBS.
Một “ông lớn” khác trong được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư công là Vinaconex.
Báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2024 của Vinaconex vừa công bố cho thấy, công ty mẹ Vinaconex đạt doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm doanh nghiệp đạt doanh thu gần 13.000 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 1.160 tỷ đồng, gần gấp ba lần so với kết quả năm 2023.
Theo ACBS, Vinaconex hiện có giá trị backlog lớn với hơn 17.000 tỷ đồng, hơn 2 lần doanh thu mảng xây lắp trong năm 2023 nhờ vào liên tục trúng thầu các dự án trọng điểm quốc gia như Sân bay Quốc tế Long Thành và Đường cao tốc Bắc - Nam.
Với chính sách đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ, Vinaconex sẽ có nhiều khả năng trúng các gói thầu mới nhờ vào kinh nghiệm và năng lực triển khai các dự án lớn.
Tạo đà tăng trưởng
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên trong kế hoạch năm 2025. Theo đó, giới đầu tư kỳ vọng phần lớn kế hoạch tăng trưởng sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công đầy tham vọng.
Trước đó, sau giai đoạn tăng trưởng tích cực trong năm 2023, đầu tư công năm 2024 rơi vào giai đoạn trầm lắng. Vốn thực hiện thuộc Ngân sách Nhà nước đạt 495.900 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ đạt 64,3% kế hoạch.
ACBS nhận thấy Chính phủ đang tập trung nguồn lực tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, song song với việc đẩy mạnh hoàn thiện các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt Bắc Nam, các tuyến đường vành đai tại Hà Nôi, TPHCM, …
Tổ chức này đánh giá nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do việc triển khai Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tạm dừng một số dự án để điều chỉnh. Ngoài ra, thiếu vật liệu và cát san lấp cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Còn nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ & thúc đẩy chi tiêu đầu tư công. Ảnh: ACBS.
Bước qua năm 2025, ngành đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, cùng với sự phục hồi tích cực của thị trường bất động sản.
Kỳ vọng bứt phá khả thi trong bối cảnh bức tranh về Ngân sách Nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện đang ở trạng thái tích cực, tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công.
Tỷ lệ nợ công/GDP giảm đều trong gần 10 năm qua, hiện ở mức 37% vào cuối năm 2024. Thâm hụt ngân sách/GDP đang duy trì ổn định quanh mức 4%.
Áp lực thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2024-2027 ở mức bình quân là 113.000 tỷ đồng/năm. Trong giai đoạn 2028-2033 là 211.000 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, lãi suất phát hành mới trong thời gian qua đang được duy trì ở mức tương đối thấp.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-san-sang-vao-song-d38901.html