Doanh nghiệp Việt có nên lo lắng trước làn sóng Temu?

Doanh nghiệp Việt có nên lo lắng trước làn sóng Temu?
4 giờ trướcBài gốc
Gã khổng lồ đã đến.
Temu - công ty chị em với sàn thương mại điện tử giá rẻ Pinduoduo từ Trung Quốc, cuối cùng đã bước chân vào Việt Nam. Đây là điểm dừng chân thứ hai của họ tại Đông Nam Á, sau Philippines.
Điều này xảy ra dù trước đó nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược giá rẻ của Temu sẽ không hiệu quả ở Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam vốn đã có nhiều lựa chọn khác để mua hàng Trung Quốc giá rẻ, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Đối thủ của Temu tại Việt Nam là Shopee - một sàn thương mại điện tử thuộc SEA của Singapore. Từ lâu, Shopee Việt Nam cũng chứng kiến làn sóng đổ bộ của các cửa hàng quốc tế mà chủ yếu đến từ Trung Quốc, bán thẳng sản phẩm qua biên giới với phí giao hàng rất rẻ.
Tuy nhiên, so sánh thị trường hiện diện có thể thấy Temu ấn tượng hơn khi hoạt động tại 38 quốc gia, và con số này ở Shopee chỉ là 11.
Temu đã vào Việt Nam và bước đầu tạo ra được làn sóng trên thị trường thương mại điện tử. (Ảnh: Getty).
Ông Jianggan Li, Nhà sáng lập kiêm CEO Momentum Works, xếp Temu cùng nhóm với Shein và TikTok Shop. Ông gọi họ là những “kẻ nổi loạn” đang làm đảo lộn thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
“Mặc dù trong ngắn hạn, số lượng sản phẩm trên Temu trùng với Shopee và Lazada chưa nhiều, nhưng các đối thủ thương mại điện tử truyền thống vẫn phải đối mặt với thách thức lớn,” ông chia sẻ với Tech in Asia.
“Những công ty này không chỉ táo bạo mà còn có nguồn vốn dồi dào từ các thị trường khác để tiếp tục cạnh tranh. Shopee, đặc biệt, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu và phòng thủ”, ông nói.
Cùng quan điểm, ông Angus Mackintosh, Người sáng lập CrossASEAN Research, nhận định trong ngắn hạn, tác động của Temu lên thương mại điện tử tại một trong những thị trường như Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. “Tôi nghĩ còn quá sớm để khẳng định. Cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ thành công”, ông nói.
Vị chuyên gia lấy ví dụ về Shein - một mô hình tương tự khác của Temu nhưng chuyên về thời trang. Shein rất thành công tại Mỹ nhưng đã thất bại khi bước vào Indonesia - một quốc gia có bối cảnh thị trường tương đồng với Việt Nam.
Do đó, Temu cũng có thể gặp phải các vấn đề tương tự, khi cơ quan chức năng đã để mắt tới và việc những gã khổng lồ Trung Quốc cạnh tranh với các doanh nghiệp nhỏ lẻ địa phương bằng hàng hóa giá rẻ là điều có thể sớm thấy trong ngày một ngày hai.
Về điểm này, chiều 23/10, tại buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đang đánh giá tác động của việc Temu mở rộng kinh doanh sang Việt Nam.
Trong khi đó, với vai trò là một doanh nghiệp sản xuất, đồng thời đang kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, ông Lê Hải Vũ, CEO Velasboost kiêm Tổng Giám đốc dự án Made.vn, cho rằng, sự thâm nhập của các nhà bán hàng Trung Quốc vào Việt Nam không phải là hiện tượng mới.
Chủ doanh nghiệp này đánh giá Temu sẽ tác động nhiều nhất đến người bán nhỏ lẻ cung cấp sản phẩm rẻ hoặc những mặt hàng không yêu cầu thương hiệu rõ ràng. Điều này phản ánh mô hình kinh doanh của Temu, vốn nổi bật với những sản phẩm dễ mua và chiến lược giá thấp, nhằm vào người tiêu dùng nhạy cảm với chi phí.
Ông Vũ dự báo Temu sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp đang kinh doanh trong phân khúc giá rẻ.
Do đó, các nhà bán hàng Việt cần quay lại với kinh doanh bài bản và dài hạn, thay vì phụ thuộc vào các xu hướng ngắn hạn. Đồng thời nên dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, dẫu chỉ tham gia một công đoạn nhỏ, theo nhà sáng lập Velasboost.
Có quan điểm thận trọng hơn, ông Sheji Ho - Đồng sáng lập và cựu Giám đốc marketing aCommerce lưu ý các doanh nghiệp D2C (Direct-to-Consumer, bán trực tiếp tới tay khách hàng không qua trung gian), mô hình tích hợp thương mại điện tử và các công ty khởi nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng.
Ông cho biết những doanh nghiệp này thường cạnh tranh trong cùng các danh mục sản phẩm, với nhiều mặt hàng cũng được sản xuất tại Trung Quốc - phân khúc mà Temu đang tập trung. Vị lãnh đạo nhận định, kinh tế khó khăn sẽ khiến người tiêu dùng chi tiêu theo hai hướng: một là mua hàng giá rẻ, hai là chọn hàng cao cấp.
Các sản phẩm giá siêu rẻ là một lợi điểm cạnh tranh của Temu. Bằng cách kết nối trực tiếp với các nhà bán buôn khắp Trung Quốc, Temu có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với đối thủ.
Họ tận dụng chi phí sản xuất cực thấp của các nhà máy tại Trung Quốc. Temu còn có lợi thế từ mạng lưới nhà máy và chuỗi cung ứng khổng lồ của Pinduoduo, cho phép bán sản phẩm với giá chỉ cao hơn một chút so với giá sỉ.
Thậm chí Temu còn áp dụng chiến lược “bán lỗ” khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Điều này có nghĩa là công ty chấp nhận không có lợi nhuận ngay lập tức, nhưng vẫn giữ giá thấp để thu hút khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu.
Công ty quản lý tài sản Sanford C. Bernstein ước tính rằng, mặc dù Temu đã đạt doanh thu khoảng 13 tỷ USD toàn cầu trong năm 2023 nhưng công ty này có thể vẫn lỗ khoảng 3,65 tỷ USD.
Trong khi đó, các đối thủ trên thị trường như Lazada hay Shopee đã bắt đầu xuất hiện những đồng lãi đầu tiên sau nhiều năm miệt mài “đốt tiền”.
Theo Metric, hiện Shopee vẫn là sàn thương mại điện tử có thị phần cao nhất Việt Nam xét theo doanh thu, ở mức 67,9%. Xếp thứ hai là TikTok Shop - một sàn thương mại cũng đến từ Trung Quốc, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 7,6% thị phần và 1,3% thị phần.
Rộng ra, tại khu vực Đông Nam Á, theo Momentum Works, TikTok Shop dự kiến sẽ chiếm 13,2% thị phần thương mại điện tử trong năm nay, trong khi Shopee sẽ dẫn đầu với 46,5%. Temu không được ghi nhận trong báo cáo này.
Temu dự kiến sẽ mở rộng sang nhiều thị trường khác ở Đông Nam Á trong năm nay.
Đức Huy
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-viet-co-nen-lo-lang-truoc-lan-song-temu.html