Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay không chỉ ghi nhận những con số doanh thu, lợi nhuận đa chiều từ phía các doanh nghiệp niêm yết mà sức nóng còn đến từ câu chuyện thuế quan 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt.
Từ ngành gỗ, thủy sản đến dệt may, thậm chí những ngành được coi là ít ảnh hưởng như ngân hàng, bất động sản, hiếm doanh nghiệp nào thoát khỏi những áp lực nhất định từ chính sách thuế bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngành xuất khẩu: Lằn ranh giữa thách thức và cơ hội
Ngành xuất khẩu, vốn là một trong những huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam, đang đứng trước những tác động trực tiếp từ thuế quan Mỹ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, không ngần ngại chỉ ra: “Nếu Mỹ áp thuế 46%, khoảng 55-56% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.”
Với thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại chiếm 20% toàn thị trường, Vietcombank dự báo các khách hàng trong ngành điện tử, gỗ, thủy sản, và nhựa sẽ chịu tổn thương nặng.
Ông Tùng nhấn mạnh “chính sách thuế tác động mạnh đến Vietcombank, mạnh hơn các ngân hàng khác” do danh mục khách hàng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng “chùn bước”. Trong ngành thủy sản, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn, khẳng định: “Thuế nhập khẩu là trách nhiệm của bên mua tại Mỹ, nên chúng tôi không rút lui khỏi thị trường này.”
Với 46% thị phần xuất khẩu cá tra sang Mỹ, bà Khanh tin rằng ngay cả trong kịch bản thuế 46%, người tiêu dùng Mỹ vẫn có thể chấp nhận.
Tổng giám đốc Nguyễn Ngô Vi Tâm bổ sung: “Chúng tôi không bi quan, ngược lại vẫn kỳ vọng vượt mục tiêu trong kịch bản cơ bản”, đồng thời nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam khi ít có đối thủ thay thế.
Ở một góc nhìn khác, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, trấn an cổ đông: “Thế giới là bình thông nhau, mọi thứ chỉ là tạm thời. Biến động hiện nay sẽ chấm dứt rất nhanh.”
Theo bà Liên, dù thuế nhập khẩu sữa từ Mỹ giảm về 0%, sản phẩm nội địa vẫn giữ lợi thế nhờ tính tươi mới và logistics. Thị trường nội địa là “chỗ dựa” vững chắc, khiến Vinamilk gần như không nao núng trước cơn bão thuế quan.
Trong khi đó, với chọn lối đi thận trọng của “ông trùm” ngành thép, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ: “Chúng tôi chuyển sang trạng thái phòng thủ sau ngày 2/4/2025, nhưng nếu đàm phán thuế quan thành công, đây là cơ hội tăng trưởng.”
Hòa Phát đã giảm tỷ trọng xuất khẩu xuống dưới 20%, chia nhỏ thị trường sang 40 quốc gia, với Mỹ chỉ chiếm 1%, như một tấm khiên chắn trước biến động.
Trái chiều áp lực ở vận tải biển và khu công nghiệp
Nếu các ngành xuất khẩu là “chiến trường” chính, vận tải biển cũng không thoát khỏi những cơn sóng ngầm.
Ông Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT Vosco, đánh giá: “Chính sách thuế quan trước mắt chỉ gây khó khăn cho đội tàu container lớn trên tuyến Mỹ - Trung Quốc, nên Vosco chưa chịu tác động lớn.”
Tuy nhiên, ông Long nhìn thấy tia sáng trong bóng tối khi “Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu ngũ cốc, than từ Indonesia, Nam Phi, hoặc thương mại hai chiều với Ấn Độ sẽ gia tăng, giúp tàu hàng khô có cả chiều đi lẫn về.”
Vosco đã linh hoạt điều hướng tàu sang Tây Phi, tập trung vận chuyển quặng và nông sản – những mặt hàng được dự báo sẽ “nóng” trong thời gian tới. Nhưng ông Long cũng cảnh báo “sự sụt giảm sản xuất và tiêu dùng có thể khiến nhu cầu xuất nhập khẩu suy giảm, ảnh hưởng ngành tàu biển.”
Bên cạnh “chiến trường” vận tải biển, các khu công nghiệp cũng đang cảm nhận sức ép từ thuế quan.
“Nhiều nhà đầu tư đã tạm dừng kế hoạch khảo sát và đầu tư vào Việt Nam để chờ mức thuế chính thức”, ông Phạm Đỗ Huy Cường, Tổng giám đốc An Phát Holdings bày tỏ lo ngại.
Với mảng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 7% doanh thu, An Phát đang gấp rút mở rộng sang các thị trường thay thế để giảm phụ thuộc.
Tương tự, tại khu công nghiệp Long Hậu, Tổng giám đốc Trần Hồng Sơn cho biết “có tới 22 doanh nghiệp thuê đất đang bị ảnh hưởng, đặc biệt là những đơn vị xuất khẩu sang Mỹ.” Công ty đang hỗ trợ khách hàng tìm thị trường mới và tối ưu chi phí.
Ông Đặng Chinh Trung, Tổng giám đốc IDICO, bổ sung rằng “thuế quan làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam, nhưng các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp giảm thiểu tác động và thúc đẩy thu hút đầu tư.” Dù khó khăn, các khu công nghiệp vẫn đang tìm cách giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành bán lẻ và công nghệ, dù không phải tâm bão, cũng cảm nhận được những “cơn gió lạnh”. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, thẳng thắn: “Chúng tôi không quá lạc quan về thuế quan, nhưng sẽ tập trung vào thị trường nội địa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.”
Ngược lại,ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld lại tỏ ra lạc quan hơn khi chia sẻ: “Thuế quan không ảnh hưởng trực tiếp do chúng tôi dựa vào sức cầu nội địa. Chúng tôi sẽ bổ sung các ngành hàng mới như ô tô và dịch vụ sửa chữa.”
Ngành ngân hàng tự tin trước gió bão
Nếu các ngành sản xuất và vận tải đang chật vật tìm lối đi, ngành ngân hàng lại như ngọn hải đăng giữa cơn bão. “Ông lớn” đầu ngành Vietcombank, dù chịu tác động lớn, vẫn tỏ ra bình tĩnh trước những bất định về các chính sách thương mại.
Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với khách hàng, đưa ra hai giải pháp: đa dạng hóa thị trường và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp gặp khó.”
Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng tỏ ra bình tĩnh trước những bất định về các chính sách thương mại. Ảnh: VCB
Ngân hàng còn tham gia các dự án lớn, như tài trợ Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing, nhằm cân bằng xuất nhập khẩu với Mỹ.
VietinBank cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT, khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua Hội đồng cố vấn kinh tế và xây dựng các kịch bản dự phòng.” Ngân hàng đang bám sát các dự án đầu tư công lớn, làm việc với các chủ đầu tư trong và ngoài nước để tiếp cận các cơ hội quy mô, đồng thời tập trung tăng trưởng tín dụng chọn lọc.
BIDV, với 15% tổng dư nợ (khoảng 300.000 tỷ đồng) chịu ảnh hưởng từ thuế quan, cũng đã sẵn sàng. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo để nghiên cứu từng khó khăn của doanh nghiệp và cùng tháo gỡ. Tác động dù có nhưng không quá lớn.” Các ngành bị ảnh hưởng bao gồm thép, chất dẻo, thủy sản, và logistics.
MB giữ sự lạc quan với kế hoạch tham vọng. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT, tuyên bố: “Chúng tôi dự trù các kịch bản khó khăn, với tăng trưởng tín dụng 24–25%, doanh thu tăng 20–25% và lợi nhuận tăng 10%, dù áp lực nợ xấu gia tăng.”
Với dư nợ liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 0,6%, MB tự tin đồng hành cùng khách hàng.
MSB và TPBank cũng không nao núng. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, trấn an: “Tỷ lệ rủi ro từ thuế quan chỉ khoảng 2,34%, thấp hơn mức kiểm soát 3% của Ngân hàng Nhà nước.”
ACB, với cơ cấu tín dụng tập trung vào khách hàng cá nhân (hơn 60%) và SME (gần 30%), cũng tự tin trước cuộc thương chiến.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc, khẳng định ngân hàng chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi biến động, từ kinh tế toàn cầu phục hồi chậm đến chiến tranh thương mại.
“Chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, đầu tư nước ngoài, và tiêu dùng, nhưng ACB giữ kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16–18%”, ông Phát nhấn mạnh.
Dũng Phạm