Theo VASEP, tháng 11, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã không duy trì được đà tăng trưởng nhanh trước đó. Cụ thể, giá trị xuất khẩu trong tháng này chỉ cao hơn gần 4% so với cùng kỳ, đạt gần 82 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 903 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến với đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2024 chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.
Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam, cá ngừ đóng hộp giảm 8% so với cùng kỳ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm.
Cũng trong tháng 11 này, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như EU, Israel, Nga, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ mặc dù vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.
Còn tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản sau khi tăng trưởng cao liên tục trong tháng 9 và 10 đã đảo chiều giảm 6% trong tháng 11. Tuy nhiên nhờ sự tăng trưởng của những tháng trước đó nên tính lũy kế 11 tháng đầu năm xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ.
Theo các DN, hiện tại nhu cầu tại các thị trường vẫn đang cao, tuy nhiên những khó khăn về nguyên liệu và thủ tục xuất khẩu đang kìm hãm hoạt động xuất khẩu. Do đó, DN rất mong Chính phủ sớm điều chỉnh quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn (50cm) theo quy định của nghị định số 37/2024/NĐ-CP, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu trong năm tới.
Đức Mạnh