Long An đứng đầu về xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Long An đứng đầu về xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
7 giờ trướcBài gốc
Sản xuất đơn hàng đồ gỗ xuất khẩu tại CTCP INTERHOUSE LA (ILA) ở Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN
Long An là một trong những địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích cực hội nhập, nỗ lực thích ứng, linh hoạt chiến lược nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh và kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu.
*Đứng đầu xuất khẩu nhờ kết nối hiệu quả
Long An hiện có hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hàng hóa của các doanh nghiệp đã xuất khẩu đến hơn 130 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến, hàng nông thủy sản.
Với tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Long An đã có những dấu hiệu khởi sắc. Dự báo, năm 2024 trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,69%; nhập khẩu đạt 5,4 tỷ USD, tăng 25,58% so với năm trước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, việc thường xuyên tập trung theo dõi sát diễn biến của thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, các quy định, các thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước, đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để tận dụng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Long An đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường tiêu thụ mới, nhất là các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội gặp gỡ các nhà nhập khẩu, các hệ thống phân phối, phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, UBND tỉnh Long An đã các tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Long An với đại diện lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu; đại diện lãnh sự quán một số nước bạn và doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Long An. Hội nghị còn được kết nối đến các điểm cầu trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo thương vụ Việt Nam tại các nước: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia.
Trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030, UBND tỉnh Long An định hướng phát triển đa dạng các loại thị trường, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể; tập trung giữ vững các thị trường truyền thống, duy trì phát triển với các thị trường mà tỉnh Long An có hợp tác như Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, tăng cường xuất khẩu theo hợp đồng thương mại.
Long An duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao. Phát triển sản phẩm, thương hiệu sản phẩm hàng hóa dịch vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu từng loại thị trường. Ưu tiên phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ xanh, cơ hội đa dạng hóa cao (điện tử, cơ khí, chế tạo, tự động, phần mềm,…) làm nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn.
Với vị trí địa lý chiến lược, Long An giúp kết nối thông thương Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Long An còn là cửa ngõ quan trọng để thông thương giữa các địa phương Nam Bộ và là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Nhờ kết nối hiệu quả, Long An trở thành địa phương đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu, đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố về kim ngạch thương mại. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, chủ lực của tỉnh Long An đã đóng góp phần lớn vào thành công xuất khẩu của tỉnh bao gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, dệt may và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, tỉnh Long An đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp ở các nước vào tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương, xúc tiến xuất khẩu. Đến nay, tình hình thu hút đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Long An tiếp tục tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, cung ứng hàng hóa giữa nhà cung cấp tỉnh Long An với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại là hoạt động hết sức có ý nghĩa và thiết thực.
*Thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại
Sản xuất đơn hàng đồ gỗ xuất khẩu tại CTCP INTERHOUSE LA (ILA) ở Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Ảnh: Minh Hưng-TTXVN
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, để Long An nói riêng và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.
Từ điểm sáng Long An, Thứ trưởng Phan Thị Thắng mong muốn các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau bàn thảo giải pháp phát huy mặt mạnh, giảm thiểu mặt yếu nội tại, góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bộ Công thương cũng đề nghị các đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đề xuất các phương pháp, hướng tháo gỡ các vướng mắc đối với hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội thị trường trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, 2024 là năm tình hình thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa sự ổn định, phát triển của thương mại toàn cầu như thiên tai, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực làm tăng chi phí vận tải, áp lực từ hàng rào bảo hộ, rủi ro về tỷ giá và thanh toán quốc tế; gây đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống và suy giảm tổng cầu, tổng đầu tư của nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả rất tích cực, cho thấy triển vọng của hoạt động sản xuất, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và hầu hết các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, giày dép và hàng nông, thủy sản tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng tích cực của tổng kim ngạch thương mại.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Long An và các doanh nghiệp của tỉnh trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Long An, cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Nguyễn Văn Việt/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/long-an-dung-dau-ve-xuat-khau-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long/357177.html