Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tạm 'thở phào' khi có 90 ngày hoãn thuế

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tạm 'thở phào' khi có 90 ngày hoãn thuế
17 giờ trướcBài gốc
90 ngày hoãn thuế tạo cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng đang đình trệ
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tránh được cú sốc chi phí đột ngột. Điều này tạo điều kiện cho việc duy trì hợp đồng đã ký, khơi thông đơn hàng mới và ổn định giá cả trên thị trường. Trong bối cảnh đầu năm 2025, khi ngành cá tra đang nỗ lực phục hồi sau thời kỳ sụt giảm đơn hàng, đây là tín hiệu “giải tỏa” rất kịp thời.
Theo hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), việc Mỹ hoãn thuế 90 ngày mang lại tâm lý tích cực hơn cho thị trường. Có thể coi đây là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%.
Việc hoãn áp thuế 90 ngày cũng tạo cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng đang bị đình trệ trước hạn áp thuế 9/4, tránh rủi ro hàng hóa tồn kho kéo dài.
Nhận định về triển vọng nhóm ngành thủy sản thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng việc hoãn thuế 90 ngày từ Mỹ đã giúp giảm áp lực lên các ngành thủy sản. Với việc duy trì mức thuế đối ứng đồng bộ lên sản phẩm thủy sản của các nước 10% và Trung Quốc lên 125% thì ngành cá tra hưởng lợi mạnh mẽ khi chiếm 11% thị phần của cá rô phi và không phải chia sẻ bớt thị phần cho cá Minh Thái Mỹ khi mức giá cá tra tương đương cá Minh Thái Mỹ.
Cụ thể, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày tạo điều kiện thuận lợi rõ rệt cho ngành cá tra Việt Nam. Trong thời gian này, cá tra sẽ chiếm thị phần cá rô phi do giá rô phi cao hơn cá tra đến 118% khi mức thuế Việt Nam thấp hơn Trung Quốc.
Doanh nghiệp cá tra "thở phào" khi Mỹ tạm hoãn thuế trong 90 ngày. Ảnh: Tiền Phong.
Cho diễn biến kế tiếp sau 90 ngày, VDSC có 2 kịch bản chính. Kịch bản 1, nếu mức thuế hiện hành tiếp tục được duy trì sau giai đoạn hoãn, cụ thể là 10% với các quốc gia khác và 125% với Trung Quốc thì sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam có thể tăng 35% trong năm 2026 nếu so với năm 2024.
Nguyên nhân đến từ việc cá tra có thể thay thế gần hết sản lượng của cá rô phi và chia sẻ một phần sản lượng với cá minh thái Mỹ nhờ mức giá tương đương.
Trong kịch bản 2 tiêu cực hơn, nếu Mỹ không thay đổi mức thuế đối ứng sau 90 ngày, tức giữ nguyên thuế suất 46% đối với Việt Nam, sản lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm nhẹ khoảng 10% (tương đương 104 nghìn tấn/năm). Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ việc chia sẻ sản lượng cho cá minh thái tại thị trường Mỹ trong khi vẫn chiếm thị phần cá rô phi khi nguồn cung cá minh thái tại thị trường Mỹ hạn chế trong ngắn hạn.
Trong kịch bản này, 104 nghìn tấn là mức tiêu cực nhất vì tổng sản lượng đánh bắt cá Minh Thái tại Mỹ là 1,2 triệu tấn/năm và người dân không hấp thụ được hết cá Minh Thái thì mới xuất khẩu 103 nghìn tấn. Vì vậy, khả năng cá Minh Thái được tiêu thụ hết trong nội địa không quá cao.
Nếu mức tiêu thụ cá fillet của người dân Mỹ không thay đổi và không có sự dịch chuyển đáng kể sang thịt lợn hoặc gà thì tổng lượng cá fillet nhập khẩu vào Mỹ được dự báo giảm xuống còn 700 nghìn tấn, phản ánh khả năng người Mỹ sẽ tiêu thụ toàn bộ lượng cá minh thái xuất khẩu năm 2024.
Giả định tiêu cực với trường hợp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm và coi giá là ưu tiên hàng đầu thay vì mùi vị và chất dinh dưỡng. Trong trường hợp này, người dân có thể chuyển sang tiêu thụ thịt gia cầm và thịt lợn thay cá, tổng lượng cá fillet nhập khẩu có thể giảm sâu, tối đa về mức 465 nghìn tấn nhưng sản lượng cá tra vẫn duy trì ở 104 nghìn tấn do việc chuyển đổi hết qua sản phẩm thịt lợn và gà là không thể.
Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008–2009, Mỹ cũng nhập đến 650 nghìn tấn cá fillet. Ngoài ra, trong năm 2024, Mỹ vẫn nhập khẩu 565 nghìn tấn cá fillet với giá trung bình trên 5 USD/kg, cho thấy yếu tố khẩu vị vẫn đóng vai trò quan trọng trong hành vi tiêu dùng.
Thị phần cá đắt tiền như cá hồi sẽ giảm trước cá tra và cá Minh Thái. Theo giả định tiêu cực này, mọi người sẽ quan tâm về giá nhiều hơn mùi vị nên mới chấp nhận chuyển sang ăn thịt gà và heo thay vì cá. Từ đó, sản lượng tiêu thụ cá đắt tiền như cá hồi sẽ giảm trước cá tra và cá minh thái Mỹ vì giá sau thuế ở mức thấp nhất trong các loại cá.
Tổng hợp 2 giả định trên, VDSC cho rằng bất kể mức thuế được duy trì hay không, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ duy trì ở mức tối thiểu 104 nghìn tấn nhờ lợi thế giá so với cá rô phi và toàn bộ cá minh thái đã được chuyển sang tiêu dùng nội địa.
Ảnh: VDSC.
Rủi ro vẫn hiện hữu
Việc Tổng thống Donald Trump tạm hoãn thuế đối với Việt Nam mặc dù tạo ra nhiều cơ hội cho toàn ngành, tuy nhiên Vasep cảnh báo doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những rủi ro vẫn đang hiện hữu. Theo hiệp hội, đây là thời điểm để các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài.
Hiệp hội cảnh báo thuế đối ứng mới chỉ được hoãn, chưa bị gỡ bỏ hoàn toàn, điều này có nghĩa rằng không có gì đảm bảo chắc chắn trong tương lai, Mỹ sẽ gỡ bỏ hoặc ít nhất giảm thuế đối với Việt Nam. Chính sách thương mại dưới thời ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, có thể đảo chiều chỉ trong một đêm và tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Thị trường xuất khẩu cá tra không phải là ngoại lệ.
Với nền kinh tế có độ mở cao và còn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế như Việt Nam, mọi biến động về thuế quan từ Mỹ đều có thể gây ra hiệu ứng domino, tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó có xuất khẩu thủy sản và cá tra, Vasep lưu ý thêm.
“Ngay lúc này doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông,...
Tuy nhiên, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường này, người tiêu dùng tại Mỹ đã phần nào quen với hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi - một loài cá thịt trắng có nhiều điểm tương đồng với cá tra Việt Nam, lớn nhất thế giới và lớn nhất cho Mỹ, nhưng đang phải chịu mức thuế kỷ lục. Vậy, sẽ là một cơ hội cho cá tra Việt Nam nếu như cá rô phi Trung Quốc vào Mỹ quá đắt đỏ, và nếu như Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về thuế”, Vasep nhận định.
Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn tại Tiền Giang cho biết, thị trường Mỹ có yêu cầu khá khắt khe về kích cỡ, cân nặng cá xuất khẩu. Do đó, cá đã đến mùa thu hoạch mà không được bán, chỉ nuôi thêm 10-15 ngày là kích thước đã thay đổi, không chỉ tốn chi phí thức ăn, mà lứa cá đó cũng đã rất khó để xuất bán.
“Việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày khiến doanh nghiệp tạm thời “thở phào” để đẩy lượng cá hiện tại, nhưng thời gian tới thì không biết như thế nào, doanh nghiệp cùng nhiều đơn vị khác cũng đang rất băn khoăn xem có nên thả lứa mới hay không”, đại diện doanh nghiệp bày tỏ.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-ca-tra-tam-tho-phao-khi-co-90-ngay-hoan-thue.html