Đứng ở góc độ là một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu (XK) đồ gỗ, ông Bill Nguyễn, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Cainver, cho biết một trong những mối bận tâm mà công ty phải đối diện là tỷ giá có thể thay đổi trong khi chính sách áp thuế đối ứng cao của Mỹ khiến cho bản thân DN luôn thấp thỏm.
Vừa giảm giá vừa lo mất đơn hàng
Không chỉ vậy, theo ông Bill Nguyễn, bản thân các DN sản xuất và XK đang lo từng đồng vốn, còn những bạn hàng lớn của công ty lại đang đàm phán đơn hàng để giảm giá. Bởi vì việc áp dụng thuế đối ứng buộc họ phải giảm giá và thay đổi phương thức thanh toán (thay vì trả trước như lâu nay thì sẽ chuyển sang mua hàng trả chậm từ 90 đến 120 ngày).
Điều mà các nhà XK của Việt Nam thấp thỏm là những nhà thu mua ở Mỹ sẽ đàm phán giảm giá đơn hàng và có kế hoạch tìm nguồn hàng tương ứng ở quốc gia khác có mức thuế đối ứng thấp hơn.
“Về chuyện này bản thân DN lại không có kỹ năng đàm phán hoặc thiếu kỹ năng đàm phán. Trong khi đó, phía ngân hàng nước ngoài chào bán cho DN các gói dịch vụ để giảm thiểu rủi ro, còn ngân hàng trong nước lại không thấy ai chào mời”, ông Bill Nguyễn nói.
Hơn thế nữa, như chia sẻ của vị giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Cainver, những bạn hàng lớn khi tìm cách đàm phán lại đơn hàng là họ đã có kế hoạch tìm kiếm các nguồn hàng tương ứng ở các quốc gia có mức thuế đối ứng của Mỹ thấp hơn như Mexico, Ấn Độ, Bangladesh…
“Nếu như DN và ngân hàng cùng trên một con tàu kinh tế nhưng ngược hướng với nhau thì không khéo sẽ mất đơn hàng và có thể lần này là mất hẳn. Đối với mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng cho Việt Nam, nếu các DN không duy trì được sản xuất, chắc chắn sẽ mất đơn hàng và mất lớn. Một khi đơn hàng mất đi sẽ khó quay trở lại”, ông Bill Nguyễn bày tỏ băn khoăn.
Do đó, đứng về phía các DN xuất khẩu, để tháo gỡ phần nào khó khăn, vị giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Cainver đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần ổn định tỷ giá. Bởi lẽ, việc XK của Việt Nam sang Mỹ dù có đạt gần 120 tỷ USD như hồi năm rồi nhưng phải hiểu bản chất vẫn là kinh tế gia công, từ mặt hàng may mặc, da giày cho đến đồ gỗ đều phải mua nguyên vật liệu từ nước ngoài, sau đó sử dụng lao động giá rẻ để gia công sản xuất rồi XK.
Mặt khác, ông Bill Nguyễn nói rõ trong quyền được chọn để mua ngoại tệ, điều rõ ràng là các ngân hàng trong nước vẫn chưa chủ động tiếp cận các DN xuất khẩu. Trong khi đó, điều chắc chắn là thuế đối ứng sẽ áp dụng. Vấn đề đặt ra là mức áp thuế là bao nhiêu, có thể thấp hơn mức đưa ra ban đầu là 46% hay không? Tuy nhiên, đơn hàng sẽ phải chuyển sang một quốc gia khác có mức thuế thấp hơn khi mà điều kiện sản xuất của quốc gia đó giống với Việt Nam.
“Cho nên bản thân DN phải chuẩn bị một lượng tiền mặt để có thể “sống sót” được trong thời gian tới. Và Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng trong nước liệu có chính sách nào hỗ trợ hay không?”, ông Bill Nguyễn đặt dấu hỏi.
Bên cạnh mối băn khoăn từ phía DN nêu trên, xét về vấn đề tỷ giá, trong dự báo mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng chính sách thuế quan nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực lên tỷ giá USD/VND. Các biện pháp áp thuế mới có thể gây tác động gián tiếp đến dòng vốn ngoại tệ vào Việt Nam từ kênh XK.
Nhất là trong giai đoạn nửa sau của năm, sự sụt giảm của hoạt động XK và giải ngân dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tác động bất lợi rõ nét hơn đến tỷ giá. Hai yếu tố cần được đánh giá và theo dõi sau khi có quyết định cuối cùng. Thứ nhất là mức thuế đối ứng cho Việt Nam là bao nhiêu để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến kim ngạch XK sang Mỹ.
Thứ hai là thuế đối ứng của Việt Nam so với các nước đối thủ sẽ tác động như thế nào đến sự chuyển dịch của doanh nghiệp FDI trong dài hạn. Áp lực lên tỷ giá vẫn là một yếu tố cần theo dõi sát sao trong các tháng tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều biến động khó lường.
Kiên định với ổn định tỷ giá
Cũng theo dự báo của KBSV, xuất khẩu có thể tăng trong quý 2/2025 sau đó sụt giảm nhanh chóng trong hai quý còn lại của năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN nhập khẩu Mỹ thường lên đơn hàng trước từ 3–6 tháng. Vì vậy mức sụt giảm việc đặt hàng trong quý 2/2025 sẽ dẫn đến khả năng XN Việt Nam có thể sụt giảm mạnh vào hai quý cuối của năm 2025.
Phía KBSV cũng đưa ra hai kịch bản. Ở kịch bản 1, mức thuế đối ứng với Việt Nam giảm xuống 30 – 40% XK của Việt Nam có thể giảm từ 10–15% trong 2025. Dù vậy, XK các mặt hàng như điện thoại, máy tính xách tay, linh kiện bán dẫn…có thể được duy trì trong ngắn hạn, nhờ việc được loại ra khỏi danh sách áp thuế đối ứng.
Với kịch bản 2, mức thuế đối ứng với Việt Nam giảm xuống 2x%. Mức thuế này tương đồng hoặc chênh lệch không quá với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Bangladesh, Malaysia, KBSV cho rằng hoạt động XK dù vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng tác động sẽ phần nào được kiểm soát. Mức sụt giảm XK sẽ khoảng 5-8%.
Theo giới phân tích, triển vọng tỷ giá trong thời gian tới được đánh giá sẽ có diễn biến tương đối phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất định từ bên ngoài, nhất là trước rủi ro “bão” thuế quan. Dự báo biên độ dao động của tỷ giá USD/VND trong quý 2/2025 có thể tăng xấp xỉ 4% so với cuối năm 2024. Và nếu căng thẳng thương mại kéo dài làm suy giảm nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam, tỷ giá vẫn có thể đối mặt với áp lực tăng trong các quý còn lại của năm.
Để giảm thiểu phần nào thiệt thòi về mặt đơn hàng cho các DN xuất khẩu trong thời gian tới, có thể thấy việc ổn định tỷ giá là rất quan trọng. Trong cuộc đối thoại vào hạ tuần tháng 4/2025 với các DN xuất khẩu tại Tp.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, đã khẳng định việc kiên định điều hành tỷ giá để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho DN nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cả vấn đề “nghệ thuật” để làm sao vừa ổn định về mặt tỷ giá và vừa có mức lãi suất thấp để hỗ trợ DN.
Trên thực tế, theo ông Lệnh, lãi suất thấp lại liên quan đến vấn đề tỷ giá và thị trường ngoại hối. Và mỗi lần biến động hoặc tác động khách quan từ thị trường thế giới, với nền kinh tế mở như Việt Nam lại đòi hỏi câu chuyện về tỷ giá. Nhưng ở góc độ quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định việc ổn định tỷ giá.
“Đương nhiên là việc ổn định tỷ giá phải phù hợp với khách quan. Chẳng hạn như USD tăng giá hay các đồng tiền mạnh khác mất giá thì không có lý do gì Việt Nam lại không có sự điều chỉnh linh hoạt. Điều quan trọng là ổn định tỷ giá sao cho hợp lý và hỗ trợ cho DN, nhưng cũng phải hài hòa lợi ích chung”, ông Lệnh chia sẻ.
Thế Vinh