Áp lực của thị trường lao động trước chính sách thuế quan của Mỹ

Áp lực của thị trường lao động trước chính sách thuế quan của Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Dệt may được đánh giá là một trong những ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: T.L
Chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được dự báo có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ… Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa dẫn đến tình trạng người lao động bị ngừng việc hoặc mất việc làm.
Nguy cơ doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động
Trước nguy cơ Mỹ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường lao động việc làm trong thời gian tới.
Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, ông Trần Lam Sơn, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Minh, cho rằng việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu có thể dẫn đến nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có mối liên kết chặt chẽ với thị trường Mỹ.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất các nhóm, mặt hàng xuất khẩu liên quan đến máy vi tính điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo sự tác động tiêu cực về mặt lao động. Đây là sáu nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 nên sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Sơn cho rằng khi Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn, giá các hàng hóa từ Việt Nam bán tại Mỹ trở nên đắt đỏ, làm giảm sức cạnh tranh so với hàng từ các nước khác hoặc hàng nội địa Mỹ. Điều này khiến đơn hàng sụt giảm. Khi đơn hàng giảm, doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm doanh thu, giảm quy mô sản xuất; từ đó dẫn đến cắt giảm lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp tập trung lao động phổ thông.
Không những vậy, các ngành phụ trợ như logistics, cung cấp dịch vụ và chuỗi cung ứng cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc giảm sút trong hoạt động xuất khẩu và sản xuất. Điều này có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy như việc mất việc làm hoặc giảm cơ hội việc làm cho người lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là các ngành như đồ gỗ. Ảnh: Minh Anh
Nói về hậu quả dây chuyền nếu Mỹ thực thi chính sách đánh thuế 46%, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết việc này có thể khiến đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm từ 20 đến 30%.
Từ đó kéo theo tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng cửa; cắt giảm lao động quy mô lớn ở các địa phương công nghiệp vệ tinh quanh TPHCM như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai...Hệ lụy kéo theo là suy giảm kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may - vốn chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và gần 20% của TPHCM.
“Ngành dệt may vốn đã cạnh tranh khốc liệt về giá và thuế 46% như một cú sốc với hầu hết doanh nghiệp trong nước, đe dọa hàng triệu việc làm của công nhân”, ông Việt chia sẻ.
Báo cáo đánh giá tác động về việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Sở Công Thương TPHCM cũng chỉ ra, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh thua lỗ. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang Mỹ dự kiến sụt giảm trong quí 2 và 3. Trường hợp mức thuế không thay đổi, các đối tác Mỹ có thể sẽ hoãn hoặc hủy đơn hàng từ doanh nghiệp TPHCM vì lo ngại thuế làm giá tăng cao.
Bên cạnh đó, trong dài hạn, từ những tác động trực diện đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động có thể sẽ để lại tác động về mặt xã hội - kinh tế khi lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của TPHCM.
Tìm cơ hội từ thách thức áp lực thuế quan
Trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động và rào cản thuế quan của Mỹ đang "treo lơ lửng", một số chuyên gia cho rằng đây cũng là cơ hội để họ cơ cấu lại các ngành hàng, cải thiện năng lực thích ứng và sản xuất, đặc biệt trong thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, ngoài Mỹ, thị trường nào doanh nghiệp đang khai thác tốt thì sẽ tiếp tục mở rộng hoặc quay về thị trường nội địa với hướng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu phát triển thị trường ngách, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do.
Ông Việt cho biết, doanh nghiệp cũng có thể giới thiệu thêm các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đến một vài thị trường truyền thống đang có, dù giá không đạt như mong muốn nhưng có thể giảm bớt rủi ro. Các doanh nghiệp cần xây dựng thêm kế hoạch để tiếp tục mở rộng sang thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nga…
Để tình hình xuất khẩu sang Mỹ khả quan hơn, các doanh nghiệp trong ngành cần đảm bảo về xuất xứ hàng hóa và có sự trợ lực từ Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ ngành dệt may, da giày.
Một số doanh nghiệp cho biết, hiện họ vẫn trong quá trình tìm kiếm giải pháp để đối phó với thuế đối ứng của Mỹ. Dù có một số nỗ lực chuyển hướng thị trường và giảm chi phí, nhưng nhiều công ty vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng và đang chờ đợi thông tin thêm từ Chính phủ hoặc thị trường. Việc mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và các khu vực khác là hướng đi chủ yếu, nhưng vấn đề giảm chi phí và tăng năng suất sản xuất vẫn là thách thức lớn.
Trước những nguy cơ từ việc áp thuế đối ứng của Mỹ, đại diện một số doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần cung cấp hỗ trợ tài chính như các gói vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập, và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhanh chóng cho các đơn hàng bị ảnh hưởng bởi thuế tăng, khuyến khích ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời gian trả nợ hoặc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất miễn thuế hoặc giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và hỗ trợ tài chính cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khác. Doanh nghiệp đề nghị đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí logistics và vận chuyển, giúp giảm giá thành sản phẩm khi xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần đánh giá lại và nắm rõ thị trường lao động, hỗ trợ chuyển người lao động của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn sang doanh nghiệp không hoặc ít bị ảnh hưởng.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Đối với giải pháp ứng phó hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công thương TPHCM đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ tiêu thụ một phần sản phẩm (đặc biệt là hàng tiêu dùng như dệt may, thực phẩm) bị tồn kho do xuất khẩu khó khăn.
Việc này giúp doanh nghiệp có doanh thu tạm thời, vừa giữ được hoạt động sản xuất và việc làm cho lao động. Mặc dù thị trường nội địa không thể thay thế hoàn toàn xuất khẩu Mỹ, mỗi 1% thị phần nội địa tăng thêm cũng giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.
Minh Thảo
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/ap-luc-cua-thi-truong-lao-dong-truoc-chinh-sach-thue-quan-cua-my/