Nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng trưởng khá

Nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng trưởng khá
5 giờ trướcBài gốc
Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Tây Ban Nha thời gian qua tiếp tục phát triển ổn định, nhất là trong hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa.
Việt Nam duy trì thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn vào Tây Ban Nha
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Tây Ban Nha đạt trên 4,71 tỷ USD tăng 19,5%, trong đó xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD tăng 21,0%, nhập khẩu trên 0,71 tỷ USD tăng 14,2%, xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 3,29 tỷ USD. Đây tiếp tục là mức tăng trưởng xuất nhập khẩu khả quan.
Việt Nam luôn duy trì là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc và Ấn Độ, xếp trên tất cả các nước châu Á còn lại và các quốc gia ASEAN khác. Con số này đưa Tây Ban Nha trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam trong EU. Về phần mình, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha trong ASEAN.
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, quan hệ thương mại giữa Tây Ban Nha và Việt Nam trong quý I/2025 tiếp tục phát triển tích cực trên nền tảng của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2025, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Tây Ban Nha gồm điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, hải sản, cà phê và đồ nội thất. Trong đó, ngoại trừ điện thoại và linh kiện, giày dép các loại, những mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đều ghi nhận tăng trưởng khá.
(Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha)
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Tây Ban Nha chủ yếu là thiết bị máy móc, dược phẩm, hóa chất, thực phẩm và các sản phẩm từ thịt.
(Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha)
Triển vọng và thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha thời gian tới
Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam của Thủ tướng Pedro Sánchez từ ngày 8 - 10 tháng 4 vừa qua, hai nước đã thảo luận nhiều giải pháp cụ thể về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng của nhau.
Thủ tướng Pedro Sánchez bày tỏ mong muốn Tây Ban Nha trở thành đối tác tích cực trong quá trình hiện đại hóa đất nước và mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2050.
Mặc dù có sự phát triển tích cực trong quan hệ thương mại nhưng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước, cụ thể: kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Tây Ban Nha chỉ chiếm 0,7% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Tây Ban Nha và 0,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn, đứng thứ 46/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Do đó cả hai nước cần cùng nhau biến tiềm năng thành hiện thực, dựa trên cơ sở tin cậy, tôn trọng và tìm kiếm lợi ích chung, và sự hợp tác này còn nằm trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ giữa EU và ASEAN.
Hàng dệt may Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá sang thị trường Tây Ban Nha những tháng đầu năm nay.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, nhìn chung hai nền kinh tế có nhiều lợi thế mang tính bổ sung cho nhau. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha có thế mạnh trong các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông - đặc biệt là đường sắt đô thị - những lĩnh vực mà họ có thể đóng góp nhiều cho các dự án chiến lược của Việt Nam. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tìm kiếm đối tác thương mại mới là chiến lược cơ bản đối với Tây Ban Nha trong bối cảnh toàn cầu đặc trưng bởi các căng thẳng thương mại và địa chính trị. Việt Nam, với nền kinh tế năng động và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á đang là một lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Tây Ban Nha.
Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha trong thời gian tới gặp khó khăn và thách thức nhiều hơn trước bởi các yếu tố, bao gồm:
Bối cảnh sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng lớn khi EU và Tây Ban Nha ưu tiên thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định FTA giữa EU với Mexico và các nước khối Mercosur ngay trong năm nay; đã nối lại đàm phán các hiệp định FTA với các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines. Các FTA của EU-New Zealand, của EU-Khu vực các nước Trung Mỹ (bao gồm Panama, Guatemala, Costa Rica, El Salvador, Honduras, và Nicaragua) và của EU với Chile và Kenya đều sẽ sớm có hiệu lực thực hiện;
Các biện pháp áp thuế bổ sung của Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với các hàng hóa nhập khẩu từ EU và Tây Ban Nha, sẽ làm hạn chế luồng hàng hóa tái xuất khẩu từ EU và làm giảm cơ hội nhập khẩu hàng hóa dưới dạng nguyên liệu thô phục vụ sản xuất, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ;
Các nước đối thủ chính, nhất là đối với hàng thủy sản, rau quả, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ đến từ châu Mỹ La tinh và Bắc Phi - nơi có các ưu thế vượt trội về địa lý, chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa và sẵn có mối quan hệ truyền thống đặc biệt với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đông đảo.
"Dựa trên các chỉ số kinh tế và xu hướng thương mại hiện tại, có thể thấy quan hệ thương mại giữa Tây Ban Nha và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những quý tiếp theo của năm 2025", Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha nhận định.
Việt Hằng
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/nhieu-mat-hang-chu-luc-xuat-khau-sang-tay-ban-nha-tang-truong-kha-139896.htm