Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ kiều bào Việt kiều thành đạt, bền lòng với Tổ quốc. Chia sẻ trong buổi phỏng vấn, ông Bắc xúc động nói: “Ra đi để trở về. Dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, tôi luôn khẳng định: Tôi là người Việt Nam".
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: 'Tôi yêu đất nước Canada - nơi đã cưu mang tôi. Nhưng tình yêu lớn nhất của tôi vẫn dành cho Tổ quốc Việt Nam'.
Khát vọng hồi hương
Gần bốn thập kỷ trước, Nguyễn Hoài Bắc cũng như bao thanh niên thời ấy, khao khát tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp ở phương trời mới. Những năm 1980, khi đất nước còn ngổn ngang khó khăn, ông rời Việt Nam, mang theo hành trang chỉ vỏn vẹn hai chữ: "ý chí" và "nghị lực".
Chàng trai trẻ Nguyễn Hoài Bắc ngày ấy quyết định rời Việt Nam bằng đường biển sang trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong, Malaysia, trở thành một trong những “thuyền nhân” cuối cùng của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Sau gần 1 năm sống ở đó, đến năm 1988, ông được Chính phủ Canada tiếp nhận và đến sinh sống tại quốc gia này.
Bước chân lưu lạc ấy đã đưa ông tới Canada – xứ sở tuyết trắng lạnh giá. Những năm tháng đầu tiên, ông làm đủ nghề: rửa bát thuê, phát báo, lao động chân tay... để kiếm sống và học ngoại ngữ. Nhưng chính trong gian khó, một ý chí mới được tôi rèn: ý chí của người Việt Nam không khuất phục trước thử thách.
Sau này, khi đã là một doanh nhân thành đạt, Nguyễn Hoài Bắc vẫn thường nhắc lại:
"Tôi yêu đất nước Canada – nơi đã cưu mang tôi. Nhưng tình yêu lớn nhất của tôi vẫn dành cho Tổ quốc Việt Nam. Ra đi không phải để quên, mà để trưởng thành, rồi trở về cống hiến".
Năm 2020, Ông Nguyễn Hoài Bắc quay trở lại thăm trại tỵ nạn Bidong, Malaysia.
Doanh nhân nối nhịp cầu hai bờ đại dương
Khởi nghiệp từ nghề rửa chén thuê nơi tuyết giá, hơn ai hết, ông hiểu rõ giá trị của sức lao động và cố hương vẫn là nơi tìm về. Chỉ sau 3 năm nơi đất khách, vào năm 1991, ông thành lập Công ty A Dong Travel International, chuyên làm dịch vụ xuất nhập cảnh và nhập khẩu áo quần từ Việt Nam sang bán tại thị trường Canada.
Những năm 1990, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập, ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa những chiếc ô tô second-hand từ Canada và Mỹ về Việt Nam, góp phần làm sôi động thị trường xe hơi trong nước.
Với tầm nhìn xa, ông không chỉ gắn bó với lĩnh vực kinh doanh, mà còn đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục – lĩnh vực được ông coi là “nền tảng của quốc gia”.
Năm 2009, Trường Trung cấp nghề Việt Nam – Canada ra đời tại tỉnh Hải Dương, trở thành một biểu tượng của mô hình đào tạo nghề hiện đại, kết nối thực tiễn với nhu cầu thị trường lao động quốc tế. Ông Bắc bày tỏ:
"Tôi tin rằng: Con người là tài nguyên quý giá nhất. Nếu không chú trọng giáo dục, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào tương lai".
Sau thành công trong kinh doanh, Nguyễn Hoài Bắc dành nhiều tâm huyết đầu tư vào giáo dục. Trường Trung cấp nghề Việt Nam – Canada ra đời là minh chứng cho khát vọng nâng tầm thế hệ trẻ...
Chị Nguyễn Thị Huệ, con gái của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, cảm thấy may mắn khi được sống và lớn lên với khát vọng của bố, được bố truyền cảm hứng về việc người trẻ cần chinh phục đỉnh cao tri thức, có thành tựu, sự nghiệp, để rồi giúp ích cho quê hương, đất nước. Chị Huệ và chồng - PGS. Ts Nghiêm Mạnh Hiến - đang tham gia giảng dạy tại một trường đại học tại Hoa Kỳ.
“Ngay từ khi về Việt Nam đầu tư, bố tôi đã hướng tới lĩnh vực đào tạo nghề, với mong muốn đưa các thanh niên Việt Nam có ý chí, nghị lực ra nước ngoài để lao động. Điều này không chỉ là cơ hội mang lại nguồn ngoại tệ cho bản thân họ mà còn là cơ hội rất tốt để họ bước chân ra thế giới, tiếp cận với nước bạn, làm cho mình giàu có hơn về mặt ngôn ngữ, văn hóa, lối sống và kỹ năng.
Suốt nhiều năm, bố tôi luôn luôn đau đáu về việc làm thế nào để nâng cao nguồn lao động chất lượng. Chính vì vậy, khi có cơ hội tốt hơn, bố tôi đã thành lập trường Trung cấp nghề Việt Nam - Canada cũng với một mục đích đào tạo nghề xuất khẩu lao động cho các cháu học sinh”, chị Huệ chia sẻ.
Người gieo mầm tử tế
Không chỉ thành công trong kinh doanh, Nguyễn Hoài Bắc còn được biết đến như một doanh nhân giàu lòng nhân ái. Trong đại dịch COVID-19, ông đã cho địa phương mượn cơ sở vật chất làm khu cách ly tập trung, ủng hộ hàng tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Trong những mùa bão lũ, ông cũng luôn có mặt để sẻ chia, hỗ trợ đồng bào.
Hơn 25 năm về Việt Nam đầu tư, ông Bắc đã trực tiếp tạo ra hàng trăm việc làm, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ với thông điệp nhân văn: "Hãy học, hãy làm việc, hãy yêu đất nước mình bằng tất cả trái tim và khối óc".
Đặc biệt, trên lĩnh vực báo chí – truyền thông, ông Nguyễn Hoài Bắc còn ghi dấu ấn với vai trò cộng tác viên cho các cơ quan báo chí lớn như báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng. Ông từng hai lần đoạt Giải Búa liềm vàng với những bài viết phản biện sắc bén, đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng Đảng, chỉnh đốn chính quyền.
Kết nối những nhịp cầu đoàn kết
Giữa những biến thiên của thời đại, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc – từ một người "thuyền nhân" năm xưa – đã trở thành nhịp cầu bền vững nối liền Việt Nam với bạn bè năm châu.
Năm 2024, Ông đươc bầu là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X. Với vai trò này, ông Bắc không chỉ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng kiều bào, mà còn trực tiếp chung tay góp sức vào sự nghiệp chung của đất nước.
Ông Nguyễn Hoài Bắc phát biểu cảm xúc trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Trong cuộc trò chuyện, ông Bắc chia sẻ tâm huyết:
"Ngày nay, Việt Nam có hơn 6,5 triệu kiều bào sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta có một nguồn lực vô giá về chất xám, chất xanh. Tôi tin rằng: nếu có chính sách tốt, chúng ta có thể quy tụ nguồn lực này thành một sức mạnh to lớn cho công cuộc phát triển đất nước".
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới biến động, ông Bắc đánh giá cao đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những quyết sách mang tính chiến lược về tinh gọn bộ máy, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh lương thực, năng lượng.
Ông tin tưởng: "Tinh thần đoàn kết dân tộc là tài sản lớn nhất mà chúng ta có. Kiều bào, dù ở đâu, cũng là máu thịt của Tổ quốc. Phải thắt chặt tình đoàn kết, phải hòa hợp dân tộc, vì một Việt Nam trường tồn và phát triển".
50 năm thống nhất non sông, hành trình của đất nước và hành trình của những người con xa xứ như Nguyễn Hoài Bắc đã quyện vào nhau thành một khúc tráng ca bất tận. Câu nói "Ra đi để trở về" không chỉ là phương châm sống, mà còn là lời thề son sắt của những trái tim Việt Nam luôn hướng về cội nguồn.
Giữa nhịp sống hối hả hôm nay, vang vọng tháng Tư năm ấy như lời nhắc nhớ: Dù đi xa đến đâu, dù hội nhập sâu rộng tới đâu, những người Việt Nam chân chính vẫn luôn chung nhịp đập vì một đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Cẩm Lai