Doanh nhân kiều bào nối nhịp cầu Việt-Mỹ

Doanh nhân kiều bào nối nhịp cầu Việt-Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Những chia sẻ và đóng góp thiết thực của họ tại Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ IV vừa qua đã thể hiện khát vọng được chung tay phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh và hội nhập sâu rộng hơn.
Ông Nguyễn Duy Lân, đồng sáng lập công ty Veramine (Mỹ) phát biểu tại phiên thảo luận về giải pháp an toàn và bảo vệ tài sản số tại Diễn đàn Tài sản số 2024. (Nguồn: BTC)
Việt Nam có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng
Sau 8 năm làm việc tại Microsoft Research ở Mỹ, TS. Nguyễn Duy Lân cùng một số đồng nghiệp đã quyết định nghỉ việc tại đây để khởi nghiệp và sáng lập Công ty Veramine chuyên làm sản phẩm an ninh mạng cao cấp.
Veramine được thành lập vào năm 2016 bởi những chuyên gia bảo mật chủ chốt. Công ty đảm nhận công việc ứng phó, vá lỗi và cập nhật về bảo mật cho tất cả các sản phẩm của Microsoft.
Đến nay, họ đã có những hợp đồng hàng năm với những cơ quan an ninh mạng quan trọng nhất của Mỹ như Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ, Không quân Mỹ…
Khi công ty đi vào ổn định, TS. Nguyễn Duy Lân có thêm nhiều thời gian về nước để tham gia vào các chương trình, dự án liên quan đến an ninh mạng.
Năm 2018, anh đã tham gia đoàn 100 trí thức Việt Nam ở nước ngoài về nước thăm và làm việc với các cơ quan và doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như có mặt tại chương trình Xuân Quê hương được tổ chức hàng năm.
Đặc biệt, Công ty Veramine đã hợp tác với nhiều cơ quan quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ...
Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã đồng hành và có những đóng góp hoàn toàn miễn phí tại Việt Nam, bao gồm việc cung cấp sản phẩm an ninh mạng của Veramine, những khóa đào tạo nhân lực ANM chất lượng cao cho những cơ quan, tập đoàn và ngân hàng lớn.
Đáng chú ý, chúng tôi đã phát hiện xử lý và viết báo cáo về những cuộc tấn công mạng tại Việt Nam cho các tập đoàn lớn và vơ quan, trong đó có những hệ thống rất quan trọng của Đảng và Nhà nước”.
Chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ số ở quê hương, TS. Nguyễn Duy Lân cũng luôn khát vọng Việt Nam có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Theo anh, để làm được điều này Chính phủ phải định hướng đầu tư phát triển từng bước để nền công nghiệp an ninh mạng trở nên mạnh mẽ, cũng như liên tục nghiên cứu, đề ra và điều chỉnh những chính sách luật lệ vừa trực tiếp bảo vệ không gian mạng vừa tạo nền tảng phát triển cho công nghiệp an ninh mạng.
Về nguồn lực con người, TS. Nguyễn Duy Lân đưa ra chiến lược đào tạo theo hai hướng: phổ cập kiến thức an toàn thông tin cơ bản cho tất cả người dùng đại trà nhân dân và đào tạo chuyên gia bảo mật có trình độ cao, để đảm nhiệm những công việc nhiệm vụ quan trọng và khó khăn.
Anh nhấn mạnh: “Giống như câu chuyện nên cho “cần câu” hơn là cho “con cá”, rất cần những cơ chế cho các chuyên gia bảo mật có thể sống và làm việc với điều kiện tốt để tập trung cống hiến cho công nghệ an ninh mạng; cũng cần tạo lộ trình phát triển sự nghiệp cho những người làm kỹ thuật để họ được công nhận và đánh giá cao từ xã hội”.
Doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên và các cộng sự. (Ảnh: NVCC)
Tâm nguyện làm “người xây cầu”
Là một người khiếm thị nhưng doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên từng làm việc cho các công ty lớn thuộc danh sách Fortune 100, từng phục vụ dưới ba đời Tổng thống Mỹ tại các cơ quan như Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về an ninh thế giới, Quỹ Giáo dục Việt Nam và Thượng viện Mỹ.
Với tâm nguyện làm “người xây cầu” giữa Việt Nam và Mỹ, gần 20 năm nay, ông Kiên sinh sống và làm việc chủ yếu tại Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư và hoạt động từ thiện trong lĩnh vực giáo dục.
Khi trở về nước và nhìn rõ sự khao khát kiến thức, học vấn của người Việt từ thành thị đến thôn quê, ông đã tự nhủ quãng đời còn lại sẽ làm hết sức mình để đóng góp được cho nền giáo dục ở Việt Nam.
Năm 2008, doanh nhân Phạm Đức Trung Kiên và cộng sự chính thức thành lập Viet Nam Foundation (VNF) - một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu đem đến cho học sinh Việt nguồn học liệu hoàn toàn miễn phí, chất lượng quốc tế.
VNF đã thực hiện được nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục trong nước, trong đó có việc thuyết phục được nhà sáng lập Sal Khan ở Mỹ đưa nền tảng học Khan Acdemy vào Việt Nam.
Cá nhân ông luôn cùng các cộng sự tìm kiếm những nội dung học tập tốt nhất từ nước ngoài, mang về miễn phí cho người dùng. Họ có thể mang về trong nước những chương trình bằng tiếng Anh, nhưng sau đó đã Việt hóa nội dung để giúp thầy cô, học sinh, phụ huynh làm sao sử dụng những tài liệu này trong học tập.
Bên cạnh việc quan tâm đến giáo dục, ông Kiên hiện cũng là cố vấn cấp cao cho quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới TPG Capital, luôn khẳng định và giới thiệu Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng phát triển.
Doanh nhân Daniel Nguyễn Hoài Tiến (thứ hai từ phải) đồng hành với nông dân Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Niềm tin vào thương hiệu thuần Việt
Sinh ra tại quận Cam, California, chàng trai người Mỹ gốc Việt Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã đến thành phố New Orleans để lập nghiệp, làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng.
Những năm gần đây, anh đã trở về đầu tư kinh doanh và phát triển thương hiệu ở quê hương, hiện là Giám đốc Sông Cái Distillery - một thương hiệu rượu cao cấp của Việt Nam đã vươn đến các thị trường như Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Hong Kong (Trung Quốc)...
Anh chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi phát triển một thương hiệu thuần Việt. Yếu tố nguyên liệu thuần Việt ở đây không chỉ đến từ việc nguyên liệu được trồng hoàn toàn tại Việt Nam, mà bao gồm tất cả những yếu tố tạo nên sản phẩm đều thuần Việt - từ các giống lúa, hoa quả, thảo mộc quý như nếp Cái Hoa Vàng, bưởi Diễn, Mắc Khén, đến những nét văn hóa thuần Việt trên bao bì sản phẩm như tranh Hàng Trống và đặc biệt là chính tên thương hiệu cũng thuần Việt”.
Đặc biệt, Sông Cái luôn gắn bó với bà con dân tộc thiểu số, không chỉ để canh tác các nông sản bản địa mà để phát huy kiến thức bản địa trong giai đoạn sơ chế nông sản và các kiến thức về cách kết hợp mùi vị.
Công ty cũng đặt hàng Học viện Nông nghiệp Việt Nam để đầu tư vào vườn ươm giống bản địa để bảo tồn và duy trì lượng giống phục vụ mục đích sản xuất và phục hồi đa dạng sinh thái.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến cho biết lý do công ty của anh tập trung vào những giống nông sản quý thuần Việt là để làm nên một thương hiệu đậm chất Việt không chỉ sản xuất tại Việt Nam, do người Việt Nam làm ra, mà còn là sản phẩm phản ánh đặc điểm thổ nhưỡng và bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Giống bản địa dù năng suất không bằng giống công nghiệp nhưng bù lại bằng giá trị chất lượng mùi vị và yêu tố văn hóa.
Doanh nhân trẻ quê gốc Quảng Bình nhắn nhủ: “Nhờ thương hiệu có cá tính rõ ràng và độc đáo, chúng tôi có điểm nhấn và sự khác biệt trên thị trường quốc tế. Khi các thương hiệu trong nước phát triển sẽ giúp phát triển thương hiệu quốc gia, cũng như giúp Việt Nam có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lối đi của tôi và Sông Cái có thể là ngoại lệ ở Việt Nam nhưng có thể được coi là ví dụ thực tiễn về cách chúng ta có thể đưa thương hiệu Việt ra thị trường thế giới”.
HÀ ANH
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/doanh-nhan-kieu-bao-noi-nhip-cau-viet-my-287041.html