Doanh nhân, nhà khoa học được ký hợp đồng làm công chức không tính vào biên chế

Doanh nhân, nhà khoa học được ký hợp đồng làm công chức không tính vào biên chế
8 giờ trướcBài gốc
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 173/2025 quy định các trường hợp được ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức.
Quy định mới cho phép linh hoạt ký kết hợp đồng trong một số công việc đặc thù, nhưng đồng thời cũng đặt ra các nguyên tắc, giới hạn rõ ràng nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý công vụ.
Mở rộng phạm vi ký hợp đồng để thu hút nhân tài
Theo Nghị định 173/2025, ba nhóm công việc được phép ký hợp đồng bao gồm:
Công việc lãnh đạo, quản lý mang tính chiến lược, cấp bách, không thường xuyên như xây dựng chính sách, chiến lược phát triển công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia, cải cách thể chế...
Công việc chuyên môn, nghiệp vụ mang tính đặc thù, yêu cầu trình độ cao hoặc thời vụ như phát triển hệ thống dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công, vận hành nền tảng số quốc gia, an ninh thông tin...
Công việc chuyên môn hoặc hỗ trợ phục vụ mà nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được, phục vụ nội bộ cơ quan theo yêu cầu công tác.
Đối tượng nào được ký hợp đồng?
Nghị định quy định cụ thể các đối tượng đủ điều kiện ký hợp đồng, trong đó có các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, luật gia, luật sư có chuyên môn phù hợp; người có kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ tương tự; tổ chức hoặc cá nhân có đủ năng lực thực hiện các công việc hỗ trợ không thuộc quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, người ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức sẽ không được tính vào biên chế của cơ quan, tổ chức.
Người ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức sẽ không được tính vào biên chế của cơ quan, tổ chức. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Nghị định quy định rõ: Hợp đồng phải có văn bản hoặc ký điện tử theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử; thời hạn hợp đồng lao động không vượt quá 24 tháng; không ký hợp đồng không xác định thời hạn; hợp đồng dịch vụ tuân thủ theo quy định dân sự; hợp đồng lao động áp dụng theo Luật Lao động.
Việc xác định thời hạn phải căn cứ vào tính chất nhiệm vụ, nhu cầu nhân lực, điều kiện tài chính và năng lực thực hiện của cơ quan.
Những trường hợp không được ký hợp đồng
Chính phủ quy định nghiêm ngặt các đối tượng và công việc không được ký hợp đồng.
Đối tượng bị loại trừ: Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác; người bị cấm hành nghề, đang bị điều tra, chấp hành hình phạt; người có quan hệ thân nhân với người có thẩm quyền ký hợp đồng.
Loại công việc không được ký hợp đồng: Công việc quản lý nhà nước thường xuyên, liên tục; nhiệm vụ vượt ngoài chức năng, thẩm quyền của đơn vị; công việc có thể phát sinh xung đột lợi ích; các nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ bí mật nhà nước.
Với các trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh, quốc phòng, việc ký hợp đồng chỉ được thực hiện khi có ý kiến đồng thuận từ Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng.
Phân cấp thẩm quyền ký kết
Thẩm quyền ký hợp đồng được phân cấp. Theo đó, đối với công việc chiến lược, hỗ trợ nội bộ: Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc người được phân cấp.
Đối với công việc chuyên môn đặc thù: Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức ký kết sau khi được phê duyệt chủ trương.
Nghị định 173/2025 có hiệu lực từ ngày 1/7, được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống công vụ linh hoạt hơn trong việc huy động chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc liêm chính, khách quan và đúng quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ.
Vũ Điệp
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/doanh-nhan-nha-khoa-hoc-duoc-ky-hop-dong-lam-cong-chuc-khong-tinh-vao-bien-che-2417752.html