Mô hình lúa - rươi đầu tiên tại Việt Nam
Trước khi nông nghiệp sinh thái hay nông nghiệp xanh trở thành xu hướng, khái niệm “lúa - rươi” vẫn còn rất xa lạ. Ở Kiến Thụy (Hải Phòng) và Tứ Kỳ (Hải Dương), tại những cánh đồng rươi khi ấy, cây lúa chỉ được trồng lấy lệ, chủ yếu phục vụ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Xuất phát từ nỗi trăn trở về thực phẩm bẩn và khao khát tìm một loại gạo thực sự sạch cho chính mình và cộng đồng, năm 2017, chị Phạm Thị Kiều Oanh quyết định khởi nghiệp với mô hình lúa - rươi. Thời điểm đó, tại Việt Nam, mô hình này chưa từng được thử nghiệm một cách bài bản.
“Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao không trồng các giống lúa tốt, để có gạo sạch cho chính mình và cho nhiều người khác, trong bối cảnh thực phẩm bẩn là vấn đề nhức nhối”, Nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần Sinh thái ruộng rươi (Rueco) chia sẻ về lý do khởi nghiệp.
Theo chị Oanh, rươi là loại sinh vật cực kỳ nhạy cảm với hóa chất, chỉ có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên thuần khiết, hoàn toàn không có phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Chính đặc điểm này khiến rươi trở thành “chứng nhận sống” cho những cánh đồng lúa được canh tác theo hướng sinh thái tự nhiên.
Để hiện thực hóa mô hình, chị Oanh một mình vào tận miền Nam tìm giống lúa ngon đem về trồng thử. Đồng thời, chị kiên trì thuyết phục bà con tại Kiến Thụy cùng canh tác lúa theo phương pháp mới. Vụ đầu tiên chỉ thu được khoảng 8 tấn lúa, nhưng đó là những hạt gạo mở đường cho một hướng đi hoàn toàn khác biệt. Chị thu mua và chủ động trả giá gấp đôi thị trường để khuyến khích bà con cùng chuyển đổi.
Chỉ canh tác 1 vụ mỗi năm (bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán và thu hoạch vào tháng 6), lúa - rươi cho năng suất không cao. Nhưng bù lại, hạt gạo có hương thơm đặc trưng, mềm dẻo, giá trị dinh dưỡng vượt trội, nhờ được nuôi dưỡng trong hệ sinh thái cộng sinh độc đáo: lúa che nắng cho rươi, rươi làm đất tơi xốp và màu mỡ.
Sau mùa thu hoạch, thân lúa và trấu được hoàn trả về ruộng làm nguồn thức ăn tự nhiên cho rươi tiếp tục sinh trưởng. Mô hình này không chỉ sản xuất gạo sạch, mà còn góp phần tái tạo đất, duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Cuối năm 2017, chị Oanh mang gạo ruộng rươi đi giới thiệu tại hội chợ nông sản Nhật Bản. Dù chưa thể xuất khẩu do sản lượng chưa đủ và rào cản thương mại của nước bạn, sản phẩm của Rueco vẫn được đón nhận nồng nhiệt. “Có một vị quản lý ăn thử cơm từ gạo ruộng rươi, thấy ngon quá, ông ấy lập tức gọi thêm nhiều người khác đến ăn cùng”, chị Oanh tự hào kể.
Phát triển hệ sản phẩm sinh thái và lành mạnh
Cùng với những hạt gạo ruộng rươi đầu tiên, Rueco từng bước mở rộng danh mục sản phẩm, từ rươi tươi đến các món chế biến như chả rươi, rươi kho, nem rươi… Các sản phẩm của Rueco hiện đã có mặt tại hơn 200 điểm bán, trong đó có nhiều chuỗi thực phẩm sạch uy tín như Sói Biển, Bác Tôm, Xanh Sẫm, Ecofood, Miền Xanh, Tâm Đạt, Homefood...
Không dừng lại ở đó, chị Oanh tiếp tục sứ mệnh kết nối sản xuất và tiêu dùng, nâng tầm nông sản bản địa, góp phần giữ gìn và lan tỏa văn hóa ẩm thực truyền thống. Rueco đang đồng hành cùng nhiều cộng đồng địa phương để phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn sinh thái, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con ổn định thu nhập.
Tiêu biểu là tại bản Bướt (Vân Hồ, Sơn La) - nơi chưa có điện vào thời điểm Rueco khảo sát, năm 2019. Nhận thấy tiềm năng từ môi trường nguyên sơ và có được sự đồng thuận của người dân, Rueco đã đồng hành cùng 59 hộ dân phát triển mô hình canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng quy trình, tuân thủ các quy định của sản xuất hữu cơ), với các giống bản địa như đậu xanh lòng vàng, đậu đen lòng xanh, vừng đen… Bên cạnh việc hỗ trợ tư vấn đóng gói sản phẩm và kết nối đầu ra, Rueco còn khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái, làm homestay, tạo thêm nguồn sinh kế bền vững.
Rueco cũng đồng hành cùng bà con Giộc Sâu (Trùng Khánh, Cao Bằng) trong dự án tăng cường sinh kế cho vùng bảo tồn loài vượn Cao Vít - một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới. Rueco hỗ trợ bà con duy trì vùng nguyên liệu gạo nếp Ong và gạo tẻ bản địa, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân sống được bằng nông nghiệp sinh thái, từ đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
“Muốn người dân yêu nông nghiệp, gắn bó với bản làng, thì trước hết, họ phải sống được từ đó. Nông nghiệp sinh thái không thể tách rời du lịch sinh thái và mô hình kinh tế cộng đồng”, chị Oanh chia sẻ.
Gìn giữ và lan tỏa ẩm thực truyền thống Việt Nam
Từ những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chị Oanh và đội ngũ Rueco tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm chế biến sẵn mang đậm hồn Việt như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, mật mía… Rueco còn hợp tác với các làng nghề truyền thống, cung cấp nguyên liệu sạch để làm ra các sản phẩm như chè lam, bánh gio, bánh tẻ, bánh giò, bánh gai… Như vậy, sản phẩm vừa giữ được phương pháp chế biến cổ truyền, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, chất lượng hiện đại.
Trong bối cảnh thực phẩm ngoại nhập ngày càng lấn át, Nhà sáng lập xác định rõ sứ mệnh của Rueco là trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc bảo tồn và lan tỏa giá trị ẩm thực truyền thống Việt Nam - thông qua hệ sinh thái sản phẩm nông nghiệp lành mạnh, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường.
“Trước kia, Rueco là đơn vị đi đầu trong chuỗi sản phẩm lúa - rươi. Giờ đây, chúng tôi tái định vị là doanh nghiệp dẫn đầu trong chế biến, phân phối các sản phẩm sinh thái. Mong muốn lớn nhất của tôi là Rueco có thể đưa thực phẩm sạch, thực phẩm lành đến với cộng đồng, bằng sự tử tế”, chị Phạm Thị Kiều Oanh khẳng định.
Nhung Bùi