Quy mô cộng đồng DN tại ba địa phương chiếm khoảng 25% GDP cả nước. Đây không còn là “một thành phố” theo nghĩa quen thuộc, mà là không gian kinh tế liên vùng, nơi mọi cơ hội và thử thách được chia sẻ trên nền tảng thị trường và hạ tầng chung.
Một đội ngũ tinh, mạnh
Theo bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT Công ty BluSaigon, sự cộng hưởng của ba lực lượng doanh nhân đã hình thành nên một cộng đồng kinh doanh quy mô lớn chưa từng có, quy tụ đầy đủ thế mạnh đặc thù.
DN TP.HCM nổi bật với bản lĩnh thị trường, kinh nghiệm hội nhập quốc tế, năng lực quản trị hiện đại và khả năng dẫn dắt đổi mới sáng tạo. DN Bình Dương sở hữu nền công nghiệp bài bản, kỷ luật vận hành cao, đặc biệt giỏi triển khai chuỗi cung ứng và sản xuất quy mô lớn, ngày càng chủ động làm chủ công nghệ lõi. Trong khi đó, đội ngũ DN Bà Rịa - Vũng Tàu tuy không đông về số lượng, nhưng lại nắm giữ vai trò chiến lược về cảng biển nước sâu, logistics, năng lượng và các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu, những trụ cột không thể thay thế của nền kinh tế mở.
Hợp nhất ba thế mạnh này, cộng đồng doanh nhân TP.HCM mới không chỉ sở hữu năng lực sản xuất - phân phối - tiêu thụ khép kín, mà còn hình thành hệ sinh thái dịch vụ hậu cần, tài chính, công nghệ kết nối trực tiếp với các trung tâm thương mại lớn trong khu vực. Nhiều tập đoàn đa ngành đã chuẩn bị kế hoạch mở rộng, sáp nhập chi nhánh liên tỉnh, tận dụng quy mô thị trường chung để tối ưu chi phí, tăng tốc độ đổi mới sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
“Khi ba lực lượng hợp nhất, một chân dung doanh nhân TP.HCM mới đang dần hình thành: những ‘công dân đô thị lớn’ không chỉ giỏi kinh doanh, mà còn nhận thức sâu sắc trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ gìn giữ bản sắc đô thị. Họ không dừng lại ở vai trò đóng thuế hay làm từ thiện, mà đang chuyển mình trở thành những người đồng kiến tạo, cùng chính quyền tham gia cải tạo không gian công cộng, phát triển hạ tầng xã hội, bảo tồn di sản và thúc đẩy văn hóa tiến bộ”, bà Quyên nói.
Trong đội ngũ ấy, thế hệ doanh nhân trẻ đang nổi lên như một lực lượng đầy tiềm năng. Đây không chỉ là lớp F2 của các gia đình kinh doanh lâu năm, mà còn là những du học sinh trở về, những nhà sáng lập startup công nghệ, sản xuất xanh, logistics thông minh. Họ chủ động thiết kế mô hình phát triển khác biệt, tích hợp ESG, công nghệ số và chuẩn mực toàn cầu ngay từ đầu. Đồng thời, họ sở hữu lợi thế vượt trội: nền tảng tài chính và thị trường được thừa hưởng từ thế hệ đi trước, cộng với tốc độ tiếp cận nhanh các công cụ quản trị hiện đại như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tiêu chuẩn bền vững.
Một cộng đồng doanh nghiệp quy mô chưa từng có đang hình thành
Cơ chế đặc thù để chinh phục tầm nhìn quốc gia
Đội ngũ doanh nhân TP.HCM mới đang đứng trước một cơ hội lịch sử. Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác lập mục tiêu đến năm 2030: khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng, phấn đấu đóng góp 60 - 65% GDP, hình thành ít nhất 2 triệu doanh DN đội ngũ đông đảo, xây dựng được những DN tinh, mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt chuỗi giá trị toàn cầu. Với thế mạnh về tài chính, logistics, công nghệ và quan hệ quốc tế, doanh nhân TP.HCM chính là lực lượng đi đầu để hiện thực hóa mục tiêu “hội nhập chủ động và hiệu quả”.
Nhưng hành trình này sẽ không tự đến nếu thiếu điều kiện thực thi cụ thể. Theo ông Vũ Minh Khang - Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển bền vững Mekong, trước hết, cần một “bệ đỡ chính sách” đủ mạnh và đủ khác biệt. TP.HCM mới cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn về quy hoạch vùng, phân cấp phê duyệt đầu tư, cơ chế sandbox công nghệ. Nếu chỉ vận hành theo cơ chế hành chính thông thường, không gian phát triển liên vùng sẽ không bao giờ đạt được đà bứt phá. Đồng thời, khơi thông pháp luật để thực thi đổi mới sáng tạo. Theo PGS-TS Từ Diệp Công Thành - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (ĐHQG TP.HCM), cần áp dụng cơ chế sandbox đặc thù cho TP.HCM về trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, dữ liệu số, kèm ưu đãi tài chính rõ ràng cho dự án có tầm ảnh hưởng dài hạn.
Thứ ba, phát triển một hành lang logistics và chuỗi cung ứng liên vùng. Đây là lợi thế không nơi nào có: cảng nước sâu, công nghiệp, dịch vụ tài chính… Đề xuất hình thành Khu kinh tế logistics - sản xuất Đông Nam Bộ, tạo hành lang xuất nhập khẩu riêng, kết nối cảng - ICD - khu công nghiệp, kèm cơ chế xúc tiến thương mại và thương hiệu vùng để DN vươn ra ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông.
Ông Trần Quang Bửu - Chủ tịch Melody Group cho rằng, muốn viễn cảnh TP.HCM trở thành trung tâm logistics hiện đại của khu vực trở thành hiện thực, mỗi DN phải tự xác định rõ mình đang ở đâu, cần làm gì trước khi kỳ vọng mình sẽ được gì. “Chúng tôi không trông chờ hạ tầng hay chính sách thay đổi ngay lập tức. Sự biến động buộc DN phải không ngừng thích nghi, tự nâng cấp, đảm bảo dịch vụ vận hành suôn sẻ và hiệu quả. Cơ hội lớn cũng chính là thách thức lớn để DN TP.HCM mới khẳng định năng lực cạnh tranh”, ông Bửu nhấn mạnh.
Không quên ươm tạo các “đại bàng Việt Nam” từ chính TP.HCM mới. Đây là lúc thử nghiệm cơ chế “trọng điểm nuôi đại bàng”: lộ trình ưu đãi vượt trội cho DN hội tụ 3 tiêu chí: đổi mới sáng tạo, xuất khẩu, đầu tư R&D. Đồng thời, thành lập Quỹ đầu tư chiến lược vùng, đóng vai trò vốn mồi và bảo lãnh dài hạn cho DN tiên phong vươn ra toàn cầu.
Từ một đội ngũ đa dạng và ngày càng chuyên nghiệp, đến một tầm nhìn lớn mang khát vọng vươn mình ra khu vực, doanh nhân TP.HCM mới không chỉ có sứ mệnh phát triển DN của mình, mà còn là lực lượng tiên phong kiến tạo tương lai kinh tế tự cường. Chỉ khi đoàn kết trong lý tưởng phát triển, chia sẻ giá trị hành động, và được hậu thuẫn bằng cơ chế đặc thù đủ mạnh, đội ngũ ấy mới có thể chinh phục mục tiêu lớn nhất: xây dựng một trung tâm kinh tế - đổi mới sáng tạo - nhân văn hàng đầu khu vực.
Hạo Hiển