Hát bội - nét văn hóa tinh thần xứ biển.
Hát bội gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hóa đình làng. Đây là nét đặc trưng văn hóa tinh thần của người dân lao động ở các vạn chài ven biển. Hát bội thường diễn ra trong các kỳ lễ hội, hát bội được trình diễn để dâng cúng thần Thành hoàng bổn cảnh của làng sau là giúp vui cho bà con nông dân sau những ngày lao động.
Hát bội thường diễn ra vào các kỳ tế lễ ở các vạn (làng) chài.
Hát bội truyền vào Nam bộ khoảng thế kỷ XVIII và XIX, với nhiều hình thức như hát xây chầu, hát thưởng, hát giàn, hát chặp. Nhóm tuồng hát gồm tuồng văn và tuồng võ, tuồng nho và tuồng thầy, tuồng truyện và tuồng đồ. Về điệu thức có nói lối, xướng, bạch; hát khách; hát nam; hát chúc mừng; ngâm, thán, oán...
Bộ phận âm thanh phục vụ vở diễn.
Thập niên 80 thế kỷ XX, không chỉ tá túc ở những mái đình, len lỏi trên những ghe hát bội khắp miền sông nước, hát bội phát triển khá thịnh vượng. Đất sống của hát bội, trông chờ và bám trụ được ở đình làng, nơi đã cưu mang hát bội từ ngàn xưa. Các gánh hát hay đoàn hát bội, giờ cũng rày đây mai đó sống dựa vào các kỳ cúng đình lễ hội.
“Mỗi lần có gánh hát về hát ở các đình, các vạn là cả xóm kéo nhau đi xem. Mê lắm! Cứ nghe tiếng trống chầu vang vọng, là thúc giục” – bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ.
Điểm đặc biệt của hát bội, chính là nghệ thuật vẽ mặt, y trang, bổ sung những điệu hát mới nhằm nhuận sắc cho nghệ thuật múa hát theo tuồng tích đã có từ trước đó. Điểm nhấn của nghệ thuật hát bội chính là cách vẽ mặt theo từng nhân vật trên sân khấu, trong những lời ca vũ đạo đến mê mẩn. Nhưng “phấn son” nào giữ được mấy, khi từng lớp nghệ sĩ rời đi theo tháng năm, mà người trẻ chẳng thể mặn mòi tìm đến.
Vẽ mặt - nét đặc trưng của hát bội.
“Giờ cũng không còn được như ngày trước, giờ chỉ những nơi nào có kinh phí, mời về hát cúng đình thì mới có show diễn. Bình thường anh chị em cũng làm thêm đủ thứ nghề”- Nghệ sĩ hát bội - gánh hát Phước Bình chia sẻ.
“Hát bội là nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nó gắn với những ngôi chùa, mái đình, những lễ hội cúng kỳ yên, chừng nào vẫn còn đình chùa, những lễ hội truyền thống này thì hát bội vẫn còn” - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đình Phú Lâm (xã Tuyên Quang) cho biết.
Quang Nhân