Không phải ngẫu nhiên mà đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ví là miền đất của sông nước. Những nhánh sông lớn nhỏ chằng chịt như mạch máu của một cơ thể sống. Hệ thống sông ngòi này không chỉ vận chuyển phù sa, nước ngọt và nguồn sống cho cả vùng, mà còn mang theo một nhịp điệu riêng biệt - nhịp của thủy triều.
Từ bao đời nay, người dân ĐBSCL sống thuận theo một nhịp điệu riêng biệt - nhịp của thủy triều. Ảnh: N.K
Từ bao đời nay, người dân ĐBSCL sống thuận theo nhịp điệu ấy. Sản xuất, sinh hoạt, đi lại, cả đời sống văn hóa và tâm linh đều dựa vào con nước: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém… Từ ngữ của người xưa không phải chỉ để gọi tên, mà là một hệ thống kiến thức thực hành, là lịch tự nhiên để giúp con người hòa nhịp cùng dòng sông.
Thay vì tiếp tục gọi mơ hồ là “triều cường” mang tính cảm giác - như một hiện tượng bất thường - hãy nói lại cho đúng: “nước rong”, “nước ròng”, “nước kém”. Bởi khi mất từ đúng, ta sẽ mất luôn khả năng quan sát, dự báo và sống thuận theo thiên nhiên.
Thế nhưng ngày nay, khi truyền thông hiện đại và các văn bản hành chính bắt đầu thống nhất dùng cụm từ “triều cường” cho mọi hiện tượng nước dâng cao, thì cả một kho tàng ngôn ngữ và tri thức dân gian đang dần bị quên lãng.
Ngôn ngữ thủy triều của ông bà: khoa học, chính xác và thực tiễn
Trong ký ức của nhiều người lớn tuổi ở miền Tây, mỗi con nước đều có một tính cách riêng. “Nước lớn”, “nước ròng” là khi nước dâng lên, hạ xuống theo chu kỳ trong ngày, xảy ra hai lần mỗi 24 giờ. Nước lớn hôm sau trễ hơn so với hôm trước khoảng 45 phút.
Trong khi đó, “nước rong” là nước lên cao nhất trong tháng, thường rơi vào ngày rằm và ngày 30 Âm lịch. Đợt này thường kéo dài 3-5 ngày. “Nước kém” là những ngày nước thấp, giữa tháng. “Nước kém” là giai đoạn triều yếu nhất, thường vào mùng 8-9 hoặc 23-24 Âm lịch.
Đây không chỉ là từ ngữ, mà là bản đồ sinh thái và lịch thủy văn truyền miệng. Nó giúp người dân biết lúc nào thì thả lưới, đi chài, khi nào thì lấy nước vào ruộng vườn, đi ghe thuận dòng theo con nước.
Một ví dụ rất cụ thể: Thành phố Cần Thơ hàng năm thường bị ngập sâu vào “kỳ nước rong” ngày rằm và kỳ 30 tháng 8 và tháng 9 Âm lịch. Nếu dùng đúng ngôn ngữ truyền thống, người dân biết rất rõ: nước lên hai lần/ngày, kéo dài khoảng 2-3 giờ mỗi lần, và đợt ngập sẽ hết sau vài ngày. Nhưng nếu chỉ gọi là “triều cường”, thì tất cả thông tin quý giá đó biến mất.
Từ “triều cường” - một từ mơ hồ
Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, cụm từ “triều cường” xuất hiện với tần suất dày đặc trên truyền thông. Bất cứ khi nào một đoạn đường ở Cần Thơ, Vĩnh Long hay Ngã Bảy ngập nước, các bản tin thời sự đều đồng loạt đưa tin: “Do triều cường”. Cụm từ này dần trở nên quen thuộc, đến mức nhiều người mặc nhiên cho rằng đó là cách gọi đúng và duy nhất khi thấy nước lên cao.
Ông bà ta nói “sáng nay nước ròng, chiều nước mới lớn”, đó không phải là câu nói chơi. Đó là bản đồ sống, là lịch thủy văn, là cẩm nang an cư, và là tiếng nói của sự hiểu biết thiên nhiên sâu sắc mà không một thiết bị hiện đại nào có thể thay thế.
Tuy nhiên, “triều cường” lại là một cụm từ rất tối nghĩa nếu đặt trong ngữ cảnh sống thực tế của người dân ĐBSCL. Nó không cho biết nước lên do đâu, lúc nào trong ngày, trong tháng, sẽ kéo dài bao lâu, ngập mấy lần mỗi ngày. Nó chỉ mang tính cảm giác - như một hiện tượng bất thường - chứ không giúp người ta đọc hiểu quy luật thủy triều như “con nước rong rằm”, “con nước rong 30”.
Đây chính là điểm mấu chốt: khi mất từ đúng, ta mất luôn khả năng quan sát, dự báo và sống thuận theo thiên nhiên.
Con nước lớn ròng trong tim người miền Tây
Nhịp thủy triều không chỉ chi phối môi trường sống mà còn định hình sinh thái và văn hóa của cả vùng đất miền Tây. Mỗi ngày, nước lớn kéo vào mang theo cá tôm tìm mồi ở mé sông, theo mương mà len lỏi vào ruộng vườn sinh sôi.
Người dân miền Tây vốn quen canh theo con nước: nước lớn thì thả lú, giăng lưới, đặt nò, giở nắp ống bọng lấy nước vô ruộng vườn; nước ròng thì đi chài, sửa lại bờ bao ngạn.
Việc đi lại, giao lưu, thăm hỏi nhau nơi miệt vườn đều lựa theo con nước. Ông bà xưa thường nói: “Chừng nào nước lớn tao chèo ghe qua” - chứ đâu có hứa giờ giấc rập khuôn như nơi phố thị. Tình cảm con người cũng theo nhịp nước ấy: thương nhau, chờ nhau, xa nhau - đều lấy con nước lớn ròng dòng sông làm mốc.
Văn hóa miền Tây vì thế mà đầy chất nước. Thơ ca, vọng cổ… đều gắn với hình ảnh con sông và con nước. Trong những câu ca dao, những bài thơ tình quê, nước lớn nước ròng trở thành ẩn dụ cho nhịp trái tim, cho sự đợi chờ, lưu luyến. Chỉ có “nước rong”, “nước ròng”, “con nước đầu mùa” mới có thể chứa đựng được cái mềm mại, u hoài, đậm đà của hồn quê. Chẳng ai làm thơ tình mà dùng từ “triều cường”, nghe xa lạ, khô khốc. Vì vậy, nếu đánh mất ngôn ngữ con nước, ta không chỉ mất đi công cụ sinh tồn mà còn mất cả cái chất tình, chất thơ, chất người đã làm nên bản sắc miền Tây.
Khi mất từ ngữ, ta mất luôn khả năng dự báo và thích ứng
Việc dùng từ “triều cường” thay cho các tên gọi truyền thống đang khiến cộng đồng bị tước mất khả năng tự quan sát và hành động. Lớp trẻ lớn lên ngày nay, nhất là ở đô thị, không còn khái niệm “nước rong tháng chín” hay “nước kém mùng tám”. Khi thành phố ngập, họ cũng không biết khi nào ngập khi nào rút.
Nghiêm trọng hơn, nếu các nhà quy hoạch, kỹ sư đô thị hay chuyên viên môi trường cũng không hiểu về nhịp nước, thì các thiết kế chống ngập, xây cống, làm bờ bao… rất dễ rơi vào tình trạng “chạy theo nước” mà không đón đầu được nhịp nước. Đó là lý do nhiều nơi chống ngập mãi mà vẫn ngập.
Khôi phục ngôn ngữ nước - để sống thuận thiên và bền vững
Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL nhấn mạnh cần thích ứng với quy luật tự nhiên, thay vì cố gắng kiểm soát hoặc áp đặt lên nó.
Muốn thuận thiên, trước hết phải hiểu thiên nhiên đang nói gì. Mà để hiểu được, ta cần có ngôn ngữ phù hợp. Việc khôi phục lại các thuật ngữ thủy triều truyền thống là bước đầu tiên trong hành trình đó.
Tôi đề xuất ba hướng cụ thể: Thứ nhất, chính sách quản lý và truyền thông cần được điều chỉnh để khôi phục lại khả năng “nghe tiếng nước” của cộng đồng. Các bản tin dự báo khí tượng tại vùng ĐBSCL cần bổ sung hoặc thay thế cụm từ “triều cường” bằng cách diễn đạt chính xác hơn, ví dụ: “Nước rong rằm tháng 9 Âm lịch dâng cao, có thể gây ngập vào sáng sớm và chiều tối”. Một thông báo như vậy sẽ mang lại thông tin rõ ràng và hữu ích hơn rất nhiều, giúp người dân biết và ứng phó kịp thời.
Thứ hai, học sinh cần được dạy rằng “nước rong” không phải là điều lạ lẫm, mà là một phần của nhịp sống quê hương. Chỉ khi đó, thế hệ trẻ mới thấy mình là một phần của dòng chảy tự nhiên, chứ không phải những người xa lạ bị động sống giữa nước. Thứ ba, các nhà báo, nhà làm truyền thông cũng nên sử dụng đúng ngôn ngữ của người dân bản địa, thay vì vay mượn từ ngữ chung chung, lạnh lùng. Trong một môi trường sống mà từng đợt nước lên xuống mang ý nghĩa sống còn, từ ngữ không nên là thứ đánh tráo cảm nhận, mà phải là công cụ dẫn đường.
Nói lại tiếng nước - nghe lại nhịp đất
Chúng ta không thể sống bền vững trên một vùng đất nếu không hiểu được nhịp đập của nó. ĐBSCL là một cơ thể sống, và con nước là mạch máu, là hơi thở. Để sống hài hòa với nơi này, ta cần nghe lại tiếng nước bằng chính ngôn ngữ mà ông bà đã để lại.
Tri thức bản địa là vốn quý không thể tái tạo nếu đánh mất. Những từ như “nước rong”, “nước ròng”, “nước kém” không chỉ là từ ngữ, mà là biểu tượng của sự hiểu biết sâu sắc, lâu đời và thực tiễn - thứ mà mọi mô hình phát triển hiện đại nên học hỏi, chứ không cần phải thay thế.
Việc làm mờ tri thức bản địa này không chỉ gây lúng túng trong ứng phó, mà còn cản trở việc quy hoạch đô thị, nông nghiệp và giao thông ở đồng bằng. Nếu không hiểu nhịp nước, làm sao xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả? Nếu không đọc được chu kỳ rong nước kém, làm sao chọn thời điểm xuống giống hay nuôi thủy sản hợp lý?
Và như thế, trong lúc nhiều người còn mải gọi “triều cường”, thì những người già miền Tây vẫn nói nhỏ nhẹ với nhau: “Tới rằm rồi, nước còn rong dữ lắm. Nhớ chằng xuồng cho chắc nhe con”.
Khi ông bà ta nói “sáng nay nước ròng, chiều nước mới lớn”, đó không phải là câu nói chơi. Đó là bản đồ sống, là lịch thủy văn, là cẩm nang an cư, và là tiếng nói của sự hiểu biết thiên nhiên sâu sắc mà không một thiết bị hiện đại nào có thể thay thế.
Vì vậy, thay vì tiếp tục gọi mơ hồ là “triều cường”, hãy nói lại cho đúng: “nước rong”, “nước ròng”, “nước kém”. Hãy để những đứa trẻ ở Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre hay Sóc Trăng lớn lên trong sự thân thuộc với tiếng nước - như cách ông bà chúng từng sống. Và khi đó, dù sống giữa thời đại của biến đổi khí hậu và bê tông hóa, con người ĐBSCL vẫn giữ được một điều quý giá: khả năng sống thuận thiên, hòa nhịp cùng sông nước, chứ không phải chống lại nó trong vô vọng.
Nguyễn Hữu Thiện