Đối diện với thất vọng điểm số: 'Nguyện vọng' không mong chờ có thể mang đến thú vị bất ngờ

Đối diện với thất vọng điểm số: 'Nguyện vọng' không mong chờ có thể mang đến thú vị bất ngờ
một giờ trướcBài gốc
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước dòng trạng thái ngắn gọn nhưng khiến nhiều người nhói lòng: "Đọc mà rụng rời, bao giờ áp lực thi cử với một đứa trẻ 15 tuổi mới dừng lại". Phía sau câu hỏi ấy là câu chuyện đau lòng về một học sinh lớp 9 vừa thi vào lớp 10 - bạn đã chọn cách dừng lại mãi mãi chỉ vì thiếu 0.5 điểm vào ngôi trường nguyện vọng 1.
Đừng đánh đồng điểm số với giá trị bản thân Bài đăng đã chạm đến nỗi lòng của rất nhiều người. Bên dưới, bình luận không chỉ bày tỏ sự tiếc thương mà còn chia sẻ những câu chuyện đồng cảm về sức nặng ngàn tấn vô hình từ những kỳ vọng với điểm số thi cử.
Nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân.
ThS. Thanh Vân (chuyên ngành Xã hội học) nhận định: "Đối với học sinh thì các kỳ thi cuối cấp đều quan trọng, thành tích đó không chỉ là điểm mà còn là kỳ vọng của gia đình, xã hội". Khi cuộc sống học trò chủ yếu xoay quanh "cày bài", luyện thi, điểm số vô tình trở thành thước đo cho toàn bộ sự nỗ lực, thậm chí là giá trị của một người trẻ với "vũ trụ tâm hồn" phong phú.
Đáng lo ngại hơn, ThS. Thanh Vân cũng chỉ ra một thực tế rằng, trong xã hội hiện đại, khi những thông tin về các quyết định "yếu lòng" xuất hiện nhiều, nó có thể vô tình trở thành một "lựa chọn" tiêu cực trong phút giây tuyệt vọng của những người trẻ.
Gia đình lẽ ra phải là nơi trú ẩn an toàn nhất của teen nhưng đôi khi lại chính là nơi khởi nguồn của những áp lực.
Gia đình - "Trạm sạc" hay "trạm phát" áp lực?
Theo ThS. Thanh Vân: "Với độ tuổi vị thành niên, gia đình chính là nơi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến cảm xúc của các bạn - có thể là nguồn áp lực, nhưng cũng có thể trở thành nơi chữa lành hiệu quả nhất". Một sự quan tâm sai cách, một lời mắng mỏ vì điểm số không như ý, hay một sự im lặng đáng sợ đều có thể đẩy cảm xúc của một đứa trẻ đến bờ vực.
Sự đồng hành và thấu hiểu từ cha mẹ chính là "vắc xin" giúp con vững vàng trước áp lực.
Ngược lại, một hậu phương vững chắc sẽ là nguồn sức mạnh vô tận. "Yếu tố khác bên ngoài của đứa trẻ chỉ cần gia đình "kéo" lên được thì đứa trẻ có thể giải quyết được", ThS. Vân nhấn mạnh. Giáo dục đã thay đổi, và cách phụ huynh đồng hành cùng con cũng cần một cuộc "cách mạng".
Đâu đó đã có câu chuyện về một người mẹ không nói lời nào, chỉ lặng lẽ in ảnh thần tượng của con để cổ vũ con sau một ngày thi căng thẳng. Một hành động nhỏ, nhưng chứa đựng sự thấu hiểu và yêu thương. Đó mới chính là liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất.
"Mặc giáp" cho cảm xúc và nhìn về phía trước
Gửi đến những sĩ tử 2K7 vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và cả những teen 2K10 đang chuẩn bị bước vào hành trình mới:
Sự đồng cảm và sẻ chia từ người thân là vô cùng cần thiết. Nhưng quan trọng không kém, mỗi chúng mình cần học cách chủ động "mặc giáp" cho cảm xúc của mình. Chiếc "áo giáp" này được "dệt" nên từ sự thấu hiểu chính mình, từ việc nhận ra giá trị bản thân không nằm ở một vài con số.
Một ngôi trường danh tiếng không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Rất nhiều người tài năng đã tìm thấy đam mê và tỏa sáng ở những ngã rẽ không ai ngờ tới.
Hãy nhớ rằng, kỳ thi cuối cấp chỉ là một trạm trưởng thành trên hành trình cuộc đời. Cánh cửa này khép lại, sẽ có vô vàn những cánh cửa khác mở ra, dẫn đến những con đường bất ngờ và thú vị hơn cả mong đợi.
Thay vì chìm trong nỗi buồn, hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Dành thời gian cho những sở thích bị tạm gác lại, gặp gỡ bạn bè, hay đơn giản là một giấc ngủ thật sâu. Hãy tự hỏi mình: Ngoài việc học, mình còn có thế mạnh nào? Mình thực sự đam mê điều gì?
Kỳ thi đã kết thúc, phía trước là cả một mùa Hè rực rỡ và sau đó nữa là những hành trình mới để ngỏ. Một ngôi trường mới chưa có nhiều danh tiếng với điểm đầu vào hợp lý và những thầy cô nhiệt huyết đang khao khát đón những "tân binh" háo hức.
Điều chúng mình cần nhất chính là những trải nghiệm phong phú để bồi đắp nên hệ giá trị bản thân nên đừng vội giới hạn, đánh giá những cơ hội tưởng chừng lạ lẫm. Đừng để một bài thi định nghĩa cả tương lai. Bởi lẽ, chặng đường bạn đã đi qua mới chỉ là một chương ngắn trong cuốn sách cuộc đời của bạn.
Tôn Huy - Ảnh mang tính minh họa
Nguồn HHT : https://hoahoctro.tienphong.vn/doi-dien-voi-that-vong-diem-so-nguyen-vong-khong-mong-cho-co-the-mang-den-thu-vi-bat-ngo-post1757976.tpo