Gia đình ông Phạm Thanh Phong
Khoảng 10 năm gần đây, trên Quốc lộ 20 đoạn qua Bảo Lộc, hàng ngày có khoảng 3 đến 5 xe tải nhỏ chở măng cụt giống từ 5 đến 10 năm tuổi vận chuyển lên đèo để trồng trên đất Bảo Lộc và Bảo Lâm. Điều ấy đã minh chứng loại cây này thích hợp với cao nguyên B’Lao.
Chị Ngô Thị Quán là bạn thân của tôi ở Lộc Tiến. Nhân ngày Người cao tuổi, chị mời đến nhà chiêu đãi rượu Sâm panh (Champagne) của Pháp được sản xuất ở B’Lao. Chị cho biết, đây là món rượu của cô Như Trinh - con gái anh Thanh Phong ở Đại Lào chế biến từ quả măng cụt. Nhân thấy hiện tượng mới, chúng tôi đi tìm hiểu rượu và người làm ra loại rượu bản địa kỳ lạ này.
Tiếp đón chúng tôi tại một khu vườn là một gia đình dân làm vườn người miền Tây được sống giữa 2 mẫu cây trái thuộc Thôn 7, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc. Chủ vườn là vợ chồng ông Phạm Thanh Phong, 70 tuổi, quê gốc ở Tiền Giang nhưng định cư tại đây từ năm 1995.
Khu vườn anh Phong tuy nằm trên đường mang tên Đinh Công Tráng nhưng là nơi dân cư thưa thớt, chủ yếu là các khu cây trái của dân Bến Tre và Tiền Giang đã định cư vào cuối thế kỷ trước. Hai mẫu vườn xanh thẫm của anh Phong trồng 3 loại cây chính là chôm chôm, sầu riêng loại Musakin (loại sầu riêng đặc sản cao cấp xứ Cai Lậy, Tiền Giang loại hạt lép, giá bán 180 ngàn đồng/kg) và măng cụt quả to, da đen bóng - là cây ăn trái chủ lực hiện nay của gia đình ông. Điều khác biệt ở vườn này là mô hình trồng cây ăn quả theo phiên bản Nam Bộ. Có nghĩa là toàn bộ khu đất của ông đều lên líp cao hơn mặt nước 0,5 m rộng 4 m chạy dài, bên cạnh là những con mương nhân tạo quanh năm đầy nước cung cấp cho cây mà không cần phải tưới vào mùa khô như dân B’Lao thường làm.
Mã hiệu măng cụt của Bảo Lộc
Do được thông báo trước nên anh chị Phong chuẩn bị 3 đĩa trái cây lớn để mời khách như sầu riêng Musakin, chôm chôm Thái, và măng cụt Bảo Lộc cuối mùa. Nhìn thành quả lao động và tấm lòng chân thành nồng ấm chào đón của cả nhà ông chủ vườn, chúng tôi rất xúc động. Khi được hỏi tại sao chọn Bảo Lộc làm quê hương thứ hai của đời mình, anh Phong nhấp ly rượu măng cụt, rồi trải lòng: “Đầu năm 1995, gia đình đi du lịch ở Đà Lạt, nhân tiện ghé thăm nhà bà con ở ngã ba B’Lao Chré Đại Lào. Nhận thấy khí hậu Bảo Lộc mát mẻ trong lành và còn khá nhiều đất hoang nên gia đình quyết định về đây lập nghiệp cuối đời. Hồi ấy, tại đây rất hoang vắng, gia đình ăn chay trường với rau tự trồng cũng sống được qua ngày. Tuy nhiên, lúc đó gia đình dồn hết vốn liếng để mua đất lập vườn nên cuộc sống hàng ngày rất kham khổ, thậm chí không biết sẽ tồn tại thế nào cho giấc mơ cuối đời”. Chị Phong nghe chồng kể những gian khó thời xa vắng, nước mắt chảy ra, chị lấy tay trần quệt nước mắt, nói thật lòng mình: “Thời ấy, hôm nào mua được chai xì dầu để ăn, cả nhà vui như tết, có khi biết chắc là ngày mai ăn xì dầu, đêm ấy không ngủ được, tưởng tượng giọt xì dầu ngày mai vừa ngọt vừa mặn thơm lừng. Thật tình nói chẳng ai tin mà cũng không dám tâm sự cùng ai để trút nỗi lòng của người xa xứ. Anh biết, hằng ngày cúi mặt đào mương đổ đất lên bờ để làm rảnh, nhiều lúc đói, trèo lên bờ nằm dài nhìn bầu trời xanh qua kẻ lá mà nước mắt chảy dài...”.
Anh Phong chân tình mời chúng tôi thưởng thức món măng cụt cuối mùa và sầu riêng Musakin loại đặc sản của vườn anh hiện nay. Loại sầu riêng này múi to, dày cơm, hạt lép béo ngậy, thơm lừng, vị ngọt đậm đà. Ông chủ cho biết, giá bán lúc cao điểm lên tới 180 ngàn đồng/kg, sầu riêng Musakin ở Bảo Lộc mang về Sài Gòn được khách hàng rất ưa chuộng. Anh cho biết, những năm đầu, gia đình chỉ trồng chôm chôm và sầu riêng để có cái ăn, cho đến năm 2000 bắt đầu trồng măng cụt theo truyền thống vét mương làm rãnh như ở quê, vì loại cây này thích nghi nơi ẩm ướt. Anh trồng 1 mẫu 120 cây, thực ra trồng để nuôi sống tuổi già chứ lâu lắm mới có ăn. “Lâu là bao nhiêu năm?” - tôi hỏi. “Khoảng 20 năm hơn mới có huê lợi” - anh trả lời.
Nhìn vườn măng cụt xòe cánh như ô dù xanh tươi chạy dài theo mương nước tự đào, trong tâm thức tôi hình tượng sự chờ đợi của đời người dài 20 năm cảm thấy lòng mình quặn thắt trân trọng cho một đời người. Vườn măng cụt anh Phong vào năm 2018 cành mới bật ra chữ V có nghĩa bắt đầu ra bói. Anh Phong tiếp tục: “Ngày đầu tiên thưởng thức thành quả của mình, cả nhà quây quần hau háu nhìn múi măng cụt trắng mịn, to chắc, vỏ mỏng, căng mịn. Măng cụt ở đây cơm dày, rất mềm, độ chua ngọt rất thanh khác hẳn với Cái Bè quê tôi, như tỷ lệ hư hao thấp, ít mủ kết thành nhựa cứng cả bên trong lẫn bên ngoài. Cái thuận lợi nhất là cây măng cụt ở Bảo Lộc không phụ thuộc vào thời tiết như ở quê năm được, năm mất. Đó là nỗi mừng và niềm vui lớn của người xa xứ, điều đó được xác định rõ nhất là vào năm 2022, măng cụt ra trái rộ hết vườn, chất lượng càng ngày càng ngon hơn. Sự kiện ấy đã minh chứng rõ ràng là khí hậu và thổ nhưỡng ở Bảo Lộc rất thích hợp với loại cây này.” Năm 2023 anh thu hoạch được 5 tấn chuyển về Sài Gòn và Phú Quốc với giá 65 ngàn/kg được khách hàng vui vẻ đón nhận như một đặc sản tiềm năng mới từ Bảo Lộc về. Năm 2024, số lượng cao hơn năm trước, đã mang huê lợi chính thức loại cây này. Cũng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng qua giới thiệu của xã Đại Lào đã đến xem và cấp phát tem chứng nhận mã vùng măng cụt Bảo Lộc khi xuất đi các nơi. Để minh chứng, anh Phong mang ra 2 quả măng cụt, một của Bảo Lộc và một của miền Tây cho tôi xem, rồi phân tích: “Hai quả này khác nhau ở chỗ măng cụt Bảo Lộc trái to hơn, đen bóng hơn và ăn ngọt chua thanh hơn, cơm to và mềm hơn, không còn nghi ngờ gì nữa, gia đình tôi và bà con làm vườn ở Bảo Lộc ai cũng mừng. Mới đây VTV1 vừa phát đi bài phóng sự măng cụt Bảo Lộc ngon nhất Việt Nam ông ạ!”. Anh Phong cười vui trong niềm tự hào quê mới của mình. Đang câu chuyện rôm rã, con gái ông Phong là Phạm Như Trinh mang ra 1 lít rượu măng cụt do chính cô làm. Rượu măng cụt nước trong vàng, thơm như Sâm panh của Pháp. Chưa hết, cô Trinh còn mang ra 2 bọc múi sầu riêng nhà loại Musakin chưa chín, chuyên dùng để chiên xào ăn chay hay thả vào nồi lẩu trong các tiệc tùng. Cô cho biết: “Đây cũng là đặc sản thơm béo ngậy, chuyên bỏ mối cho các tiệm cơm chay hay quán nhậu”. Nhìn đôi tay nhanh nhẹn, miệng cười vui vẻ của cô Trinh, tôi hỏi anh Phong: “Anh chị đã già, thế ai đã trèo hái măng cụt và sầu riêng hàng năm?”. Anh Phong chỉ cô con gái: “Nó hái chớ ai, là con gái nhưng leo trèo còn hơn khỉ, không có nó, chắc tụi này khổ lắm, mình già rồi làm sao leo trèo được”.
Chia tay gia đình “măng cụt” ở Đại Lào, tôi cứ nhớ những giọt nước mắt lăn tròn của bà chủ mơ ngày mai được ăn cơm xì dầu trong những năm đầu gian khổ. Khi ra đến cổng, anh Phong bắt tay chúng tôi thì thầm: “Khi nào măng cụt và sầu riêng vào chính vụ, tôi sẽ “hú” mời hai bạn vào nhà uống rượu Sâm panh Bảo Lộc và ăn cơm chay với sầu riêng Musakin xào. Đời người xa xứ có được thành quả nuôi sống mình, góp được phần nhỏ tạo thêm thương hiệu và đánh thức tiềm năng loại măng cụt ở Bảo Lộc, đó là hạnh phúc của đời người ở quê mới, mấy ông ơi!”.
Ký sự: TRẦN ĐẠI