'Lộc trời' rớt giá

'Lộc trời' rớt giá
3 giờ trướcBài gốc
Công phu nghề săn “lộc trời”
Hai ngày qua, những thửa ruộng rươi tại thôn Kim Ngân, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng thật náo nhiệt. Từ tờ mờ sáng, bà con đã có mặt ở ruộng để chờ đón “lộc trời”. Trên những tuyến đường thảm bê tông chạy ra các khu ruộng rươi, thương lái đã chờ sẵn.
Một mẻ rươi được nông dân xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đánh giá là có chất lượng tốt trong vụ rươi tháng 10 Âm lịch.
Vừa kiểm tra săm - dụng cụ thu hoạch rươi, bà Phạm Thị Mịn (SN 1957) hồ hởi cho biết: Hàng năm, chính vụ thu hoạch rươi bắt đầu từ ngày 20/9 Âm lịch theo dân gian “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm”. Tính theo con nước (mỗi con nước kéo dài trong 14 ngày), rươi lác đác nổi từ 4-5 hôm trước. Đến chính ngày thu hoạch (20/9 Âm lịch và 5/10 Âm lịch), rươi nổi nhiều. Sau đó, cứ cách 1 con nước, rươi lại về. Mỗi năm, người làm nghề rươi ở Vĩnh An thu hoạch được khoảng 4 lần rươi về rộ.
Kế cạnh ruộng rươi của bà Mịn, ông Nguyễn Văn Viết (SN 1970) vừa vớt rươi từ săm lên chậu vừa nhẩm tính: “Trung bình, mỗi sào rươi thu hoạch được khoảng 60-70kg/vụ, mức giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/kg tùy vào cỡ rươi. Năm nay, rươi không được giá. Thương lái đến thu mua tại ruộng chỉ trả khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm trước khoảng 50.000 - 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phấn khởi vì so với làm ruộng, nghề rươi vẫn đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần”.
Ông Nguyễn Văn Viết (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) kiểm tra săm trước khi vớt rươi.
Tại các thửa ruộng, những hộ làm nghề rươi thường xây các cửa đập nhỏ đưa nước từ sông vào ruộng. Khi rươi nổi lên sẽ tháo nước để rươi chảy vào săm. Khi vớt lên, rươi sẽ được đổ vào túi lưới cho ráo nước. Sau khi nhặt hết tạp chất, rươi được rửa sạch, đóng vào các hộp nhựa loại 0,5kg, loại 1kg để sẵn sàng giao cho khách.
Theo thống kê, diện tích nuôi rươi ở Hải Phòng khoảng 1.200 ha, phân bố chủ yếu ở 4 huyện An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy và Vĩnh Bảo, trong đó nhiều nhất là dọc các sông của 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Tại Hải Dương, diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi có khoảng 881ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn.
Khi vớt lên, rươi sẽ được Dương Đức Trung (xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đổ vào túi lưới cho ráo nước.
Huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) xưa nay vốn nổi tiếng khắp miền Bắc với chất lượng rươi đồng đều, con to, chín đỏ, béo ngậy. Những ngày này, cảnh thu mua rươi cũng tấp nập không kém. Anh Dương Đức Trung (SN 1988, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ) cho biết đã làm nghề nuôi và thu mua rươi được hơn chục năm. Gia đình anh Trung hiện đang canh tác 20 mẫu ruộng rươi, chia làm 2 khu vực có vị trí địa lý gần nhau: Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) và huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).
Rươi được phân loại theo kích cỡ để đóng hộp.
“Việc chăm rươi rất cầu kỳ. Môi trường sống của rươi phải cực kỳ sạch, nước ra vào thường xuyên và không nhiễm chất độc, không có thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Muốn rươi phát triển tốt, công phu nhất phải kể đến khâu làm đất. Đất phải cày, bừa kỹ để tạo độ tơi xốp, có thể cải tạo thêm bằng phân gà ủ mục đồng thời phải thường xuyên dọn cỏ sạch sẽ”, anh Trung chia sẻ.
Thành viên các cơ sở thu mua rươi vệ sinh vật dụng đựng rươi, đảm bảo các vật dụng không được dính nước mặn.
Cũng giống như anh Trung, nhiều chủ cửa hàng thu mua rươi tại Tứ Kỳ chia sẻ, chất lượng rươi năm nay không đồng đều, đẹp mã như năm trước; giá thu mua cũng giảm.
Tìm hướng ổn định đầu ra
Nhiều năm trở lại đây, rươi không còn là thức ăn bình dân mà đã trở thành đặc sản với mức giá không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để ăn hàng ngày. Với giá trị kinh tế mà rươi mang lại, nông dân các vùng bãi ven sông của Hải Phòng, Hải Dương đã gắn bó lâu dài với nghề. Nhà ít canh tác vài sào, nhà nhiều canh tác vài chục mẫu ruộng rươi. Có vụ, những đầm rươi rộng thu hàng chục tấn rươi, mang lợi cho chủ đầm hàng tỷ đồng.
Sau khi nhặt hết tạp chất, rươi được rửa sạch, đóng vào các hộp nhựa loại 0,5kg, loại 1kg để sẵn sàng giao cho khách.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng), nghề rươi chưa hẳn là một nghề “hái ra tiền” bởi còn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, đặc biệt là thiên nhiên, thời tiết. Rươi sau thu hoạch có thể sống đến 4-6 ngày. Tuy nhiên, việc bảo quản rươi cần hết sức thận trọng vì rươi rất dễ bị vỡ. Rươi cũng có thể cấp đông dùng dần, nhưng chất lượng không bằng tươi sống.
Trong quá trình thu mua, vật dụng đựng rươi phải sạch, không được dính nước mặn. Người nông dân và thương lái vận chuyển, thu mua rươi phải nhẹ nhàng, không đổ xô bồ như cá, tôm hay các loại hải sản khác.
Nhiều người dân các vùng lân cận đến tận ruộng rươi tại thôn Kim Ngân, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng để mua rươi làm quà biếu.
Ông Lương Văn Giá, chủ một ruộng rươi tại xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cho biết: “Dù theo nghề rươi hàng chục năm nay, thế nhưng không chủ động được giá đầu ra cho sản phẩm. Thương lái đến thu mua trả giá bao nhiêu, chúng tôi bán bấy nhiêu. Nhiều lúc biết giá thấp nhưng vẫn phải ngậm ngùi giao hàng”.
Người dân bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm rươi.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xem xét chuyển đổi diện tích đất cấy lúa năng suất thấp sang mô hình kết hợp lúa - rươi theo quy định. Người dân bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm rươi để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con gắn bó lâu dài với nghề.
Phương Thanh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/loc-troi-rot-gia-10293949.html