Ảnh minh họa Internet
1. Nhà em và nhà tôi cách nhau có một đồi sim. Thuở nhỏ chúng tôi chỉ gặp nhau khi mỗi mùa sim chín. Em và mấy đứa bạn trạc tuổi cứ mỗi buổi chiều, khi ánh nắng nhạt dần, thường lên đồi hái sim. Tôi ở bên này cứ một mình cũng mê thứ quả ngọt mà thiên nhiên hào phóng ban tặng. Chỉ có thế thôi, chúng tôi như những đứa trẻ ở hai thế giới khác biệt.
2. Rồi một ngày em bước đến bên tôi thực sự, giữa mênh mang nắng chiều, giữa một đồi hoa sim nở tím. Đó là một buổi chiều thứ bảy nhạt nắng, không hiểu sao tôi mơ hồ cảm thấy có điều gì đó cứ rạo rực trong tim mình. Tôi ôm cây đàn ghi ta bước ra khoảng sân sau nhà rồi bước lên giữa đồi sim. Gió chiều mát rượi. Nắng buông lơi thả xuống sườn đồi. Xa xa, rừng thông vi vu gió thổi. Cả cái gió hôm ấy sao cũng nhẹ nhàng hơn, lả lướt hơn ngày thường.
Tôi ngẫu hứng gảy khúc tình ca. Bản tình ca tôi chỉ dành cho tôi thưởng thức. Thế mà em như cơn gió thoảng, đến bên tôi. Thoáng chút ngỡ ngàng, tôi không hiểu do em bị tiếng đàn lôi cuốn hay cảm thương tôi chỉ có một mình mà đến. Sim đang mùa hoa, tôi như thấy mắt em ánh lên màu tím biếc, cuốn lấy tôi, cuốn lấy tiếng đàn và cả đồi hoa sim trong chiều cuối xuân đầu hạ.
Cả hai thoáng chút lúng túng, rồi em cất tiếng nhẹ nhàng như lời vọng từ một cõi huyền bí xa xôi nào: “Sao anh chỉ có một mình? Tiếng đàn của anh điêu luyện quá, như thể ngoài khả năng âm nhạc, còn chất chứa nỗi niềm? Có phải nhà anh ở dưới chân đồi?”. Em chỉ tay về phía ngôi nhà nhỏ lẫn trong vườn cây ăn quả của mẹ tôi. Tôi gật đầu xác nhận. “Còn em, em ở phía bên kia ư?”. Tôi chỉ tay về phía những ngôi nhà cao tầng, lưng tựa vào đồi sim, mặt hướng ra phía con sông êm đềm chảy. Em cười nhẹ, gật đầu. Cái gật đầu rất tiểu thư, lóng lánh đôi mắt sáng.
Em bảo đã đôi lần em nghe tiếng ghi ta của tôi, em khen tôi biết chọn những bản tình ca tuyệt diệu nhất, có độ lắng của cái chân thực mà sâu thẳm. Em nhận xét, mỗi khúc nhạc là một cõi hồn người. Nghe nhạc để hiểu người. Vì thế mà em đánh bạo đến đây để xem người đánh đàn là ai mà đã nhiều lần làm tim em thổn thức.
Lần đầu tiên được nghe một lời nhận xét như thế, tôi thấy như tìm được tri âm. Tôi mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng tôi cũng rất kén trong việc lựa chọn bản nào để thể hiện. Và trong niềm đam mê của mình không phải dễ gặp được một người có tài thẩm âm, nhất là với một tiểu thư xinh đẹp, đài các như em quả là một món quà mà thượng đế đã ban thưởng.
Em bẻ một nhánh lá cây, ngồi bệt xuống trước mặt tôi và nói: “Anh tiếp tục đi. Em đến đây vì tiếng đàn của anh đấy”. Đôi mắt trong veo của em nhìn tôi, rồi nhìn ngón tay tôi lướt trên phím đàn. Còn tôi, lúc ấy chỉ biết thể hiện hết mình để phổ hết cả tài nghệ và bản thể của mình vào bản nhạc. Và chúng tôi, cả hai dường như gạt cái bối rối về một bên. Rồi em cũng cất tiếng hát. Tiếng hát trong trẻo, cao vút đến nỗi mấy con chim nhỏ chiu chít bên đồi cũng ngừng tiếng líu lo, nghiêng nghiêng cái mỏ và mở tròn đôi mắt như tưởng có một đồng loại đặc biệt nào đang cất tiếng. Tôi cùng hát với em, để khích lệ em, để cổ vũ mình. Và nhất là để được có một lần trong đời thăng hoa tuyệt đối với âm nhạc.
Đồi thông ru mình trong gió, tiếng hát, điệu nhạc của hai tâm hồn trẻ cũng trong như thể tiếng của muôn trùng đang bắt đầu dậy lên trong ráng chiều.
Từ đấy chúng tôi hẹn nhau, cứ mỗi buổi chiều thứ Bảy lại gặp nhau trên đồi sim, kẻ đàn, người hát. Khi cao hứng lên chúng tôi cùng song ca. Đồi sim hoa nở mỗi lúc một nhiều, hình như nó có sự tiếp sức của âm nhạc mà trỗi dậy, tím ngắt một màu!
Lúc ấy em đang là sinh viên năm hai của một trường đại học trong thành phố. Chiều thứ bảy em về nhà, chiều chủ nhật em lại đi. Nhà cách trường hai chục cây số, tuần nào em cũng về. Hồi trước tôi cũng vậy. Bây giờ học xong, ra trường, tôi xin về dạy một trường gần nhà, để đỡ đần mẹ. Nhà chỉ có hai mẹ con. Nếu tôi đi xa thì tuổi già của mẹ sẽ đơn chiếc lắm.
Tôi mê Toán học nhưng cũng mê âm nhạc. Sau những giờ nghiên cứu và vật vã với những con số, tôi tìm đến với âm nhạc như để cân bằng cảm xúc. Âm nhạc xoa dịu tâm hồn một đứa trẻ mồ côi cha như tôi, đem đến cho tôi những xúc cảm phiêu diêu, thoát tục. Người ta bảo, âm nhạc có tác dụng chữa lành. Với tôi, điều đó thực sự đúng.
Một chiều thứ bảy như mọi chiều, tôi ôm cây đàn ghi ta lên phía đồi, đợi em. Hôm ấy cũng đang mùa hoa sim nở rộ. Từ xa, em bước tới, chiếc áo dài trắng nổi lên giữa cái màu biếc của lá, màu tím của hoa khiến tôi có cảm giác như một tiên thiên đang từ cõi trời mây đáp xuống. Em vác cây đàn trên vai đi giữa mênh mông trời đất trông càng đậm chất thiên khải. Tôi đứng dậy để đón em, như thể người ta đón một vì tinh tú đang mang đến cho mình thứ ánh sáng trong màn đêm lạnh.
Em cười, nụ cười tinh khôi như ánh nắng xuân buổi sớm, từ từ tiến về phía tôi, nhỏ nhẹ: “Hôm nay sinh nhật anh. Em tặng anh cây đàn ghi ta, chỉ mong anh thích. Đây là cây đàn em nhờ chú mua từ đất nước Tây Ban Nha, nhân chuyến công du của chú”.
Tôi giật mình, vì chính tôi cũng không có nhớ hôm nay là sinh nhật. Em cười bảo “Bất ngờ phải không? Chắc anh sẽ không thể lý giải vì sao em biết sinh nhật anh chứ gì”.
Tôi cười, xác nhận “Đúng vậy, anh không có thói quen làm sinh nhật. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ anh suốt ngày chỉ cuốc vườn, trồng rau, trồng cây ăn quả để đổi lấy tiền nuôi anh ăn học”. Tôi thành thật như thể một công dân lần đầu kê khai nhân thân để làm giấy căn cước.
Tôi ôm cây đàn vào lòng, xúc động không thể nào nói hết. Cây đàn thơm mùi gỗ và phảng phất mùi nước hoa của em. Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện cổ tích về anh chàng khó và cô công chúa mà anh được nghe mẹ kể từ ấu thơ. Phải chăng điều đó đang ứng nghiệm vào cuộc đời của tôi. Tôi lóng ngóng đến nỗi lời cảm ơn cũng không thành hình rõ. Tôi ngắt một chùm hoa sim cài lên mái tóc em khiến nàng công chúa của tôi càng thêm rạng rỡ.
Tôi ôm cây đàn mới lên, vừa đàn vừa hát. Tiếng đàn lảnh lót và êm ái đặc biệt. Tiếng hát thay cho niềm xúc động đang xoáy cuồn cuộn trong tôi: Anh còn nợ em/ con tim bối rối/ con tim bối rối/ Anh còn nợ em…”
Hôm ấy là lần đầu tiên tôi thấy mình hát hay như thế. Tôi gửi hết cả những xao động mãnh liệt trong hồn mình vào trong bài hát như thể tôi đang đứng trên cái sân khấu lớn nhất của đời mình. Và lần này thì em không hát theo tôi. Em ghé đầu vào vai tôi, nhẹ nhàng như một ngôi sao đi lạc đang tìm chỗ trú. Cứ thế, chúng tôi ngồi bên nhau lắng nghe tim mình thổn thức. Cho đến khi ánh trăng hạ tuần tỏa ánh sáng xuống đồi sim và đồi cây chỉ còn một màu đen thẫm.
Rồi, cây đàn buông lơi trên tay tôi, nhẹ nhàng rơi xuống nơi vạt cỏ nồng nàn thơm mùi hương nắng.
Tôi choàng tay qua lưng em, ôm lấy em, lóng ngóng như một chàng thực tập sinh ngày đầu lên bục giảng. Tôi muốn nói một cái gì đó thật hay về sự rung động của trái tim mình nhưng chẳng thể nói được thành lời. Một niềm hạnh phúc vỡ ra trong lồng ngực.
Đồi thông bên cạnh vi vút tiếng gió. Dưới thung sâu, tiếng đôi chim gù nhau tan vào lớp sương mỏng, lan xa, êm ái như tình khúc của muôn trùng. Tiếng dế đêm thâu tình tự… Tôi như lần đầu tiên cảm được cái huyền diệu của đồi sim trong đêm.
Em kể cho tôi nghe về gia cảnh. Tôi cũng không giấu em nỗi đau của một đứa con mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Tôi nói với em: “Hoàn cảnh của chúng ta khác nhau nhiều quá. Anh sợ!”. Em nhìn vào mắt tôi, trấn an: “Bố mẹ em thức thời lắm, anh đừng lo. Em cũng là con một nên bố mẹ luôn tôn trọng và ủng hộ những quyết định của em. Chỉ cần chúng ta hạnh phúc là bố mẹ cũng hạnh phúc, anh ạ”.
Tôi tin lời em nói. Và từ đấy cứ mỗi chiều thứ bảy hai chúng tôi lại lên đồi sim tung tăng như thể nơi ấy là cõi riêng của mình. Mùa trái chín, hai đứa ăn sim, miệng tím như màu sim tím, rồi nhìn nhau cười khoái chí. Mùa hoa lại ngắt những cánh hoa, ướp hình con bướm vào trong cuốn sổ em mang theo. Có lúc hai đứa nhổ cỏ gà, chơi chọi gà rồi cười. Đồi sim từ đấy bớt đi nhiều cái vẻ hoang sơ, u tịch.
Rồi bố mẹ em cũng biết chuyện của hai đứa. Thương hoàn cảnh tôi, họ xin phép chủ động sang nhà tôi chơi cho mẹ tôi bớt phần ái ngại. Đó là một sáng chủ nhật đẹp trời, bố mẹ em và cả em sang nhà tôi. Mẹ tôi hái mấy quả chín trong vườn và pha thêm một bình trà đãi khách. Cả hai chúng tôi lần đầu ra mắt phụ huynh nên khá bối rối. Nhất là tôi. Hình như tôi có một nỗi lo sợ vô hình nào đó mà không lý giải được.
Và rồi nỗi sợ đó cũng đến. Một tuần, sau ngày hai gia đình giáp mặt, em điện cho tôi và khóc, bảo rằng tuần sau em bay sang Tây Ban Nha du học theo diện ưu tiên của con em đại sứ quán. Vì chú của em đang làm đại sứ quán bên ấy. Bố và chú đã thu xếp xong xuôi đâu vào đấy cả rồi.
Chiều hôm ấy chúng tôi lại hẹn nhau lên đồi sim. Tôi biết nói gì bây giờ cũng vô nghĩa. Chúng tôi ôm nhau như thể sợ vuột mất báu vật của đời mình. Em khóc nhiều, dòng nước mắt nóng hổi thấm qua làn áo trước ngực tôi, nơi cánh tay tôi. Tôi ôm em và động viên: “Em ráng học tốt, bao lâu anh cũng chờ”.
Rồi, tôi ôm lấy cây đàn và cất tiếng hát: ”Anh còn nợ em/ công viên ghế đá/ và còn nợ em/ cuộc tình đã lỡ…” Thực tình là mượn lời bài hát để thay cho tiếng khóc biệt ly của một trang nam tử bớt phần ủy mị. Có điều có cuộc tình lỡ nào mà không đau. Tôi mượn lời bài hát để giấu nỗi đau. Thế mà nỗi đau còn khoét sâu thêm như thể có ngàn mũi dao đâm vào tim, tứa máu!
Đêm ấy khi đưa em về trước cổng nhà, tôi quay gót về phía nhà mình. Suốt đêm tôi không ngủ, nhìn ánh trăng trầm mặc thả ánh sáng xuống khu vườn lạnh lẽo, buồn tênh. Tôi cảm giác rùng mình, sợ những ngày vắng em dài đằng đẵng.
Ngày em đi, tôi không đưa tiễn. Bố mẹ em đưa em ra sân bay. Hôm ấy tôi có tiết dạy mà nào có dạy được gì. Ai đó nói rằng, tạo hóa hay trêu đùa con người. Nhưng tôi lại nghĩ, không lẽ đấng sáng thế lại chọn tôi và em làm phép thử để hiểu rõ hơn về nỗi đau của ái tình bị chia cắt.
Những ngày mới xa nhau, hôm nào chúng tôi cũng nhắn tin hoặc điện thoại, kể cho nhau nghe chuyện trên trời dưới biển. Nhờ vậy tôi cũng khuây khỏa đôi phần. Nhưng sau đó những tin nhắn ít đi, những cuộc trò chuyện thưa dần. Tôi linh cảm đến điều chẳng lành. Thỉnh thoảng tôi ghé sang nhà em vờ thăm hỏi hai bác, nhưng mục đích sâu xa hơn là dò thái độ của người lớn. Và tôi yên tâm trở về khi thấy bố mẹ em luôn ân cần. Đặc biệt nhiều lần còn gửi quà về cho mẹ tôi. Tôi nghĩ, vậy là không có gì không tốt, chỉ là em bận học thôi.
Tôi vẫn cứ đợi em, từ mùa sim bắt đầu ra hoa cho đến khi quả chín, cứ tuần hoàn hết mấy mùa như thế mà chẳng thấy em về.
Ba năm sau ngày em đi, mẹ em mất vì ung thư tuyến tụy. Em về, chúng tôi được gặp nhau. Em vẫn vậy, gần gũi và thân thương nhưng sao tôi vẫn nhận ra một sự rạn vỡ đang lẩn quất đâu đó giữa tôi với em. Lo xong đám tang cho mẹ em, bố em gọi tôi sang nhà và nói cho tôi nghe về xuất xứ của mình. Tôi khóc, bố cũng nấc lên trong nỗi đau, nỗi ân hận dày vò. Còn tôi thì nỗi vui sướng và niềm khổ đau cùng dâng lên, thắt ngặt.
Tôi trách em sao chẳng nói cho tôi hiểu mà âm thầm ra đi. Em bảo: ”Bố mới cho em hay sau khi em sang Tây Ban Nha được một thời gian. Em cũng thật sự sốc và không biết sẽ bắt đầu như thế nào. Bố dặn từ từ, đợi lúc nào hợp lý nhất mới cho anh hay”. Bấy giờ tôi mới hiểu việc cho em đi du học là giải pháp bảo toàn gia đình của bố.
Nghe em kể tôi mới biết tình yêu giữa bố mẹ tôi đẹp như một thiên tình sử. Nó chỉ có thể là câu chuyện trong tiểu thuyết chứ không phải ở đời thực. Chẳng trách từ ngày hai gia đình gặp nhau, mẹ luôn nhắc tôi phải dừng lại. Tôi hỏi lý do thì mẹ chỉ nói không hợp gia cảnh, và đôi khi mẹ cố giấu đi giọt nước mắt chực trào ra.
3. Thời học sinh phổ thông, họ học chung một lớp. Năm lớp 11, cả trường đi lao động trồng thông ở trên núi. Mẹ là cô lớp phó, học giỏi và xinh đẹp, bố là bí thư chi đoàn. Lúc ấy đang bắt đầu mùa hoa sim, những nụ hoa tròn tròn bé tí trông rất gợi cảm. Thỉnh thoảng có vài bông hoa nở sớm phô hết sắc tím trong nắng tháng hai. Cô gái xinh đẹp lần đầu biết về hoa sim đã mải mê hái những chùm hoa mang về ép vào bộ sưu tập những loài hoa yêu thích. Vì không để ý, một con rắn cuộn tròn trong bụi sim cắn vào tay. Lần đầu tiên thấy con rắn bằng xương bằng thịt nên cô gái ấy sợ quá mà ngất xỉu. Các bạn nữ xé khăn mùi soa buộc tay lại để nọc độc không theo máu mà đi vào cơ thể.Trong lúc mọi người bối rối thì chàng bí thư xốc cô gái lên lưng, cõng xuống trạm xá nằm dưới chân đồi.
Từ đó họ yêu nhau. Mỗi năm đến mùa sim, họ cùng nhau lên đồi ngắm hoa hoặc hái quả khi sim chín. Cái chính là họ tìm đến cái nơi cho họ một kỷ niệm đẹp nhất trong đời. Và họ gọi đó là “nơi bắt đầu”.
Tốt nghiệp cấp ba, chàng trai đi lính. Còn cô gái đi học cao đẳng sư phạm. Nhập học được một tháng, cô gái biết mình mang bầu. Không biết nhà trai nói gì trong lúc hai gia đình bàn bạc mà mẹ cô gái tự ái không cho cô đi lại với bên nhà trai nữa. Từ đó cô cũng bỏ học, ở lỳ trong nhà, không liên lạc với ai, không hề bước chân ra đường.
Cái thai ngày một lớn, cô gái xin bố mẹ cho ra ở riêng và xin bố mẹ mua mảnh đất, xây một ngôi nhà nhỏ ngay dưới chân đồi sim như để giữ lời hứa với chàng trai năm xưa rằng: Mỗi lần hoa sim nở, họ sẽ cùng về lại nơi đây, xem như đó là cõi riêng của họ.
Hàng ngày cô cuốc đất, làm vườn, trồng rau, trồng cây ăn trái. Chẳng mấy chốc mà ngôi nhà tỏa bóng mát, vườn tược sum suê hoa trái. Rồi cô sinh con. Ngày lâm bồn chỉ có mình bà ngoại, đỡ đẻ, chăm sóc.
Một mình nuôi con lớn lên. Mỗi khi con hỏi về bố, người mẹ ấy chỉ nói với con rằng: ”bố đi chài cá, lật thuyền chết đuối khi con chưa chào đời”. Từ bấy đến nay, đứa con ấy đinh ninh rằng mình mồ côi bố.
Chàng trai đi lính, trở về tìm cô gái mà chẳng biết cô ở đâu. Tìm đến hỏi thì mẹ cô gái bảo nó bỏ nhà đi biệt xứ. Bạn bè chẳng ai có thông tin gì về cô gái cả.
Chàng trai rời quân ngũ, tiếp tục đi học Kiểm lâm. Và bây giờ đang là hạt trưởng hạt kiểm lâm. Chờ mãi, tìm mãi không có tin tức gì về cô gái, gia đình bắt anh cưới vợ, rồi có con. Lấy cớ là người gác rừng, anh cũng làm nhà dưới chân đồi sim để mong có ngày cô gái trở về như đã hứa.
Trớ trêu là hai ngôi nhà nằm hai phía ngọn đồi mà họ không bao giờ gặp nhau. Người phụ nữ thấy con mình ngày một lớn lên, giống hệt bố nó. Cô cần mẫn lao động, chắt chiu để nuôi con ăn học nên người. Và lâu dần cô yên tâm về việc sống như thế là đủ, về già có con nâng đỡ.
Người đàn ông sau nhiều năm đi tìm, dò la thông tin không được, đã lấy vợ, sinh con và lao vào công việc. Có nhiều đêm, nhớ đến người yêu cũ, anh lững thững ra đứng dưới chân đồi, nhìn lên rồi mắt nhòe đi.
Từ ngày biết người yêu mình còn sống, lại ở sát bên cạnh, cách nhà mình chừng nửa cây số mà mình lại không hề biết, ông càng ân hận nhiều hơn. Một buổi chiều trên đường đi làm về, ông ghé thăm bà, xin bà tha thứ và mong bà tìm cách cho ông đi lại để cha con nhận nhau, đặc biệt là để đôi trẻ phải biết họ là anh em ruột. Nhưng bà không đồng ý cho đi lại. Còn việc nói với con bà thấy khó quá. Từ khi nó sinh ra tới giờ, nó luôn tin nó là đứa trẻ mồ côi cha. Bây giờ đính chính việc này quả không dễ dàng gì. Và bà bảo ông trao đổi với con gái để anh em nó giải quyết từ từ.
4. Hai anh em đi từ tình yêu lứa đôi chuyển sang tình anh em ruột thịt, lúc đầu có chút ngỡ ngàng. Nhưng rồi cũng nhanh chóng nhập cuộc vì điều may mắn nhất là chúng tôi chưa từng đi quá giới hạn. Ba bố con bàn nhau việc tổ chức, sắp xếp lại gia đình. Bây giờ chúng tôi không thể sống riêng rẽ được.
Tôi đem chuyện này bàn với mẹ. Ban đầu mẹ gạt đi. Mẹ bảo mẹ già rồi. Vả lại mẹ đã quen với nếp sống chỉ hai mẹ con. Giờ thay đổi là không thể được.
Khi hết tang mẹ của em, hai anh em chuẩn bị cho bố một màn cầu hôn lãng mạn nhất. Bố đồng ý. Chúng tôi đợi mùa hoa sim nở rộ và phân công nhiệm vụ từng người. Bố nhận trách nhiệm mua nhẫn cầu hôn. Em đặt một chiếc bánh gato. Còn tôi mua một bó hồng nhung mà số hoa bằng số tuổi của bố mẹ cộng lại.
Em bí mật may cho mẹ một bộ áo dài thiên thanh và thuê thợ quay phim, chụp ảnh và trang điểm. Mẹ lúc đầu còn vùng vằng, nhưng rồi cuối cùng cũng thuận theo sắp đặt của anh em tôi.
***
Tôi dắt mẹ lên đồi sim. Ở đó bố và em tôi cùng người thợ chụp hình đã có mặt. Một thảm đỏ trải trên đồi, xung quanh là một rừng nến lung linh. Mẹ tôi hôm ấy thật đẹp, thật trẻ. Mắt người ngấn lệ. Bố tôi bước lại gần, quỳ xuống trước mặt mẹ nói lời cầu hôn. Cả hai có chút ngập ngừng, bối rối. Rồi bố đứng dậy, ôm chặt lấy mẹ, lau nước mắt cho mẹ.
Tôi ôm cây đàn cất lên bài hát tôi từng dành cho em. Bây giờ lại thay bố nói lời xin lỗi mẹ. Em cùng hát với tôi. Hai anh em tôi một lần nữa đứng trên sân khấu của cuộc đời mình hát cho đời mình đẫm lệ: “anh còn nợ em/ dòng xưa bến cũ/ dòng xưa bến cũ/ con sông êm đềm. Anh còn nợ em/ chim về núi nhạn…”.
Nước mắt mẹ chan hòa trong niềm hạnh phúc đến muộn. Và đồi hoa sim vẫn tím ngắt một màu.
Đêm ấy bố mẹ và hai anh em tôi ngồi trên thảm, ngắm trăng. Bố mẹ nói những gì, chúng tôi không biết. Còn hai anh em tôi có câu chuyện của riêng mình. Em ngồi bên tôi, còn gần gũi hơn xưa, hai tay em ôm lấy cánh tay tôi, đầu ép vào tay tôi như gửi cả tình yêu ruột thịt và cả niềm cảm thông không bến bờ.
Truyện ngắn của Lê Nguyễn