Ký ức Ngày Độc lập và câu chuyện hồi sinh ngọn đồi hoang của người cựu chiến binh

Ký ức Ngày Độc lập và câu chuyện hồi sinh ngọn đồi hoang của người cựu chiến binh
5 giờ trướcBài gốc
Ngày nhập ngũ là ngày sinh con gái
Một ngày tháng Tư, phóng viên Báo Công lý tìm về thôn Đồng Danh gặp mặt và trò chuyện với cựu chiến binh Chu Văn Sâm (SN 1948, trú thôn Đồng Danh, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Trong cuộc trò chuyện, ông Sâm cho biết, ông sinh ra và trưởng thành tại mảnh đất Hưng Yên và là con thứ 3 trong một gia đình có 5 người con. Ông Sâm là người con trai duy nhất trong nhà.
Cựu chiến binh Chu Văn Sâm.
Thuở thiếu thời, cũng như bao người thanh niên khác, ông Sâm cùng người thân sản xuất nông nghiệp để vừa chu cấp cho gia đình, vừa cùng với bà con thôn xóm chi viện lương thực, nhu yếu phẩm cho đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam.
“Ngày đó, vì là con trai duy nhất trong nhà, đồng thời bố mẹ già cả, đau ốm, tôi không thuộc diện được gọi nhập ngũ. Năm 1971, trước tình hình bất lợi của ta ở chiến trường miền Nam, Đảng và Nhà nước một lần nữa kêu gọi các thanh niên yêu nước lên đường nhập ngũ, bổ sung quân lực cho tiền tuyến. Lúc đấy, bố mẹ tôi ốm nặng, vợ lại bầu sắp sinh cháu thứ hai, nhưng tôi vẫn quyết định lên đường nhập ngũ”, ông Sâm kể.
“Tôi vẫn nhớ như in ngày 28/5/1971, vợ tôi đau đẻ và được đưa đến trạm xá. Tôi chỉ kịp đi qua nhìn con gái thứ hai mới sinh rồi vội vã ra điểm tập kết để đi huấn luyện. Lúc đó, tôi còn chẳng dám vào gặp vợ, chẳng dám vào bế con vì nếu để vợ tôi nhìn thấy, bà ấy lại khóc”, ông Sâm nhớ lại.
Sau khi nhập ngũ, ông Sâm được phân vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 trực thuộc Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3. Sau 6 tháng huấn luyện tại miền Bắc, tháng 12/1971, ông Sâm cùng các đồng đội được chuyển vào chiến trường miền Nam để trực tiếp tham gia chiến đấu.
Theo hồi ức của cựu chiến binh Chu Văn Sâm, hai từ “khốc liệt” là không đủ để diễn tả mặt trận giải phóng miền Nam thời đó. Sau khi tập kết và hành quân vào Nam để bổ sung quân lực cho mặt trận, sự tàn khốc của chiến tranh được thể hiện ngay khi bước sang bờ bên kia của vĩ tuyến 17, đặt chân vào bờ phía Nam của sông Hiền Lương.
Tháng 3/1972, Đại đội 10 tham gia đánh cao điểm thuộc chiến dịch Xuân Hè tại thị xã Kon Tum. Trận đánh diễn ra căng thẳng, khốc liệt khi ba cánh quân của ta buộc phải tiến công chiếm đóng một cao điểm do một tiểu đoàn Ngụy cố thủ. Đây là trận đánh đầu tiên và cũng là trận đánh ác liệt nhất mà ông Sâm trực tiếp tham gia.
“Chúng ta chia quân 3 hướng để đánh chiếm cao điểm theo hợp đồng binh chủng gồm xe tăng, bộ binh, pháo binh. Trong khi đó, địch có xe tăng, pháo binh và được sự hỗ trợ của không quân. Thậm chí ở chiến trường Quảng Trị, địch còn có tàu sân bay hỗ trợ nã pháo vào đất liền.
Hai ngày đầu tiên, Đại đội của tôi từ 110 người thì chỉ còn 10 người sống sót và có thể chiến đấu. Sau khi tiến công 2 ngày không thành, đêm ngày thứ hai và rạng sáng ngày thứ ba, chúng tôi được lệnh đóng quân dưới đồi để chờ rạng sáng hôm sau tổng tiến công. Suốt đêm đó, không quân của địch quần thảo trên bầu trời, nã bom, đạn nhằm tiêu diệt quân ta”, ông Sâm nhớ lại.
Rạng sáng ngày thứ ba, nhận lệnh tổng tiến công, toàn bộ ba cánh quân của ta vừa đánh, vừa vượt các chướng ngại vật như cây đổ, đất đá lăn, hào chông bẫy của địch. Bước tiến lớn nhất là pháo binh của ta đã kéo được lên đồi đối diện để bắn thủng hàng phòng ngự của địch trên cao điểm.
“Vượt qua nhiều chướng ngại vật và mưa đạn, tôi cùng đồng chí Phó Chính ủy Đại đội 10 leo được vào thông hào của địch. Khi nhìn ở trong hầm lô cốt, tôi thấy qua khe hầm lố nhố mũ sắt, tôi đã ném lựu đạn vào trong.
Khi lựu đạn nổ, trong quá trình áp sát, bất ngờ 1 quả lựu đạn của địch ném ra, phát nổ khiến tôi trúng mảnh đạn thấu phổi từ sau lưng, đồng chí Phó Chính ủy cũng bị thương ở tay. Lúc đó, tôi chỉ kịp nói với anh ấy “Em trúng đạn rồi, chắc em chết. Anh quay lại đi!” rồi lấy quả lựu đạn bên hông, giữ chốt để sẵn sàng chết chứ không để địch bắt được.
Lúc đó, tôi mất máu nhiều, chỉ kịp nghe anh ấy nói: “Tao cũng bị thương rồi, đau quá, chắc không đi được”. Thế rồi sau đó, tôi ngất lịm đi”, ông Sâm kể lại phút sinh tử.
Sau khi tỉnh lại, ông Sâm phát hiện mình đang trong lều cứu thương dã chiến. Ông được các đồng đội thông báo chúng ta đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong đó bắt sống 400 tên. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng khốc liệt khi hàng trăm chiến sĩ của ta đã hi sinh.
Do mất sức chiến đấu, ông Sâm được đưa đến Bệnh viện Quân y để điều trị. Sau 8 tháng điều trị tại bệnh viện, ông Sâm quay trở lại đơn vị, Đại đội 10 bây giờ hoàn toàn là người mới.
Ký ức Ngày Độc lập
Sau khi trở về đơn vị, do là “lính cũ” và đã từng bị thương, ông Sâm được rút về làm vị trí phụ trách bố trí quân lực theo chỉ đạo của chỉ huy tiểu đoàn. Cùng với Tiểu đoàn 9, ông Sâm tiếp tục tham gia chiến dịch Tây Nguyên vào tháng 3/1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 4/1975.
Đây là thời điểm quân ta liên tiếp nhận tin chiến thắng trên khắp các mặt trận. Trong đó, Tiểu đoàn 9 nhiều lần được chỉ đạo đón đánh, cắt đường lui của các Sư đoàn địch rút lui, tháo chạy khỏi Tây Nguyên.
Tháng 4/1975, Sư đoàn 320A nhận lệnh tiến đánh phía Tây Bắc Sài Gòn, phá tan căn cứ Đồng Dù của địch. Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 320A phối hợp cùng các mũi tiến công đánh vào dinh Độc Lập.
“Đó là ngày đặc biệt của cuộc đời tôi. Đúng 11h30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập. Sau khi kíp xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A tiến vào dinh lúc 12h30 trưa cùng ngày. Tôi là một trong những người lính có mặt tại giờ phút thiêng liêng đó.
Suốt đêm ấy, khi đứng trên tầng 2 của tòa nhà bên cạnh dinh Độc Lập, tôi vẫn không thể tin được là mình đã “từ cõi chết trở về”. Hàng đoàn người diễu hành với lá cờ Đảng và cờ Mặt trận giải phóng miền Nam, hô vang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đêm ấy là đêm mà Sài Gòn không ngủ", ông Sâm xúc động kể.
Hồi sinh ngọn đồi hoang
Cựu chiến binh Chu Văn Sâm sau nhiều năm tham gia kháng chiến đã giành được nhiều huy chương cao quý, trong đó có 2 Huy chương Chiến sĩ Giải phóng hạng 2 - 3; 1 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; 1 Huy chương Kháng chiến và được hưởng chế độ phục viên cho cựu chiến binh từng chịu chất độc màu da cam.
Hiện nay, mô hình trại chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Sâm cũng là một trong những điển hình cho phát triển kinh tế ở địa phương, với quy mô hơn 50 con bò và bê sữa, trong đó có hơn 40 con bò đang khai thác sữa. Sản lượng trại bò của gia đình ông Sâm cho ra khoảng 500 lít sữa/ngày.
Theo lời ông Sâm, cơ duyên khiến ông rời quê hương để tìm đến đồi hoang ở thôn Đồng Danh rất tình cờ. Năm 2000, khi ông đang kinh doanh máy ủi, máy xúc để làm đường ở Hà Nội thì nhận được lời mời của một người bạn để về ủi, xúc đất ở nhà riêng của người này ở xã Phú Thành. Khi tới Phú Thành, ông Sâm phát hiện cả một ngọn đồi trù phú đang bỏ hoang, thế là ông quyết định sẽ mua vài héc ta đất tại đây để trồng chọt, chăn nuôi.
“Lúc ấy tôi đã 52 tuổi, cũng muốn có một cuộc sống bình yên với gia đình sau nhiều năm bôn ba ở chiến trường và đi làm kinh tế. Vì vậy, tôi về bàn với vợ con, sau đó bán hết nhà cửa, đất đai, máy ủi, máy xúc ở Hưng Yên để về thôn Đồng Danh mua đất, dựng nhà, làm nông nghiệp. Rất may mắn, vợ con tôi ủng hộ.
Khi về thôn Đồng Danh, gia đình chúng tôi thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, trồng các loại cây ăn quả, nuôi lợn, gà, vịt, đào ao nuôi cá… Năm 2016, trong khi đi tham quan một số cơ sở kinh tế mới, tôi phát hiện mô hình chăn nuôi bò sữa để cung ứng sữa cho Công ty Vinamilk. Thấy mô hình này hay, ổn định, nên tôi đã động viên cả vợ và con cùng học tập”, ông Sâm chia sẻ cơ duyên làm trại bò sữa.
Năm 2018, trại chăn nuôi bò sữa của hộ gia đình ông Sâm chính thức được thành lập, với quy mô ban đầu là 7 con bò sữa và 9 con bê. Sau 7 năm vận hành, phát triển, đến nay, trại bò sữa của gia đình ông đã đi vào ổn định với thu nhập bình quân 60 triệu đồng/tháng và tạo công ăn, việc làm cho hàng chục người quanh khu vực.
Ông Nguyễn Vinh Thắng - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phú Thành cho biết, hiện xã Phú Thành có tổng số 500 hội viên, trong đó ông Sâm là tấm gương tiên tiến về phát triển kinh tế.
Nhìn người cựu chiến binh tuổi đã gần bát tuần với mái tóc bạc trắng, ít ai có thể nghĩ dù ở tuổi này, ông Sâm vẫn cùng gia đình cố gắng phát triển kinh tế, làm giàu cho địa phương. Có thể nói, đối với người lính cụ Hồ như ông Sâm, dù ở trong những năm tháng chiến tranh gian khó hay ở trong những ngày tháng hòa bình, độc lập, họ không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng và vẫn kiên định với lý tưởng của mình. Họ là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Đức Sơn
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/ky-uc-ngay-doc-lap-va-cau-chuyen-hoi-sinh-ngon-doi-hoang-cua-nguoi-cuu-chien-binh-477243.html