Tạo cảm giác gần gũi, dễ nhớ
TPHCM hiện có 4.861 khu phố, ấp. Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, 168 xã, phường, đặc khu của TPHCM đang lấy ý kiến cử tri là đại diện hộ gia đình về phương án đổi tên các khu phố, ấp. Nguyên nhân là sau hợp nhất, số lượng khu phố, ấp tại các phường, xã có sự thay đổi. Một số khu phố, ấp trùng tên, số thứ tự không liền mạch, gây khó khăn trong công tác quản lý và tra cứu hành chính. Sở Nội vụ TPHCM đã đề nghị UBND xã, phường, đặc khu hoàn thành đổi tên khu phố, ấp trước ngày 31-7 và báo cáo về đơn vị trước ngày 5-8.
Cán bộ khu phố phường Bình Dương (TPHCM) đến tận nhà người dân phát phiếu lấy ý kiến về việc đổi tên khu phố
Phường Bình Dương hiện có 20 khu phố, trong đó 16 khu phố cần đổi tên. Anh Nguyễn Văn Phương (khu phố 2, phường Phú Mỹ cũ) cho biết: “Khu phố nơi tôi sinh sống dự kiến đổi tên thành khu phố Cây Đa. Việc đổi tên là hợp lý, vì hiện phường có 20 khu phố, mà có tới 3, 4 khu phố cùng mang tên khu phố 1, khu phố 2. Đặt tên mới cho khu phố theo đặc điểm địa lý, lịch sử hay văn hóa địa phương như Cây Đa, Hàm An, An Mỹ... tạo cảm giác gần gũi, dễ nhớ làm người dân chúng tôi cảm thấy phấn khởi”.
Tại phường Vĩnh Tân, anh Hồ Minh Quân (khu phố 1 cũ), cho hay, trên địa bàn phường có tới 2 khu phố 1, 2 khu phố 2 và 2 khu phố 3. Các khu phố trùng tên dễ gây nhầm lẫn trong các hoạt động kinh doanh, đăng ký địa chỉ học cho con… “Đổi tên giúp không trùng lắp, dễ đọc, dễ nhớ, tôi hoàn toàn ủng hộ”, anh Tân bày tỏ. Tương tự, bà Nguyễn Thị Ba, 80 tuổi, sinh sống tại khu phố 3, phường Phú Lợi, chia sẻ: “Tôi sống ở đây từ khi vùng đất này còn là một xóm nhỏ, lưa thưa vài nóc nhà. Tên khu phố này đã quen thuộc, gắn liền với giấy tờ tùy thân của cả gia đình tôi; nay đổi sang tên khác, tôi có chút tiếc nuối, hoài niệm với những kỷ niệm của dòng họ, xóm làng. Đổi tên là cần thiết, nhưng địa phương cần cân nhắc các yếu tố văn hóa, lịch sử, cộng đồng để việc đặt tên khu phố không rời xa gốc gác”.
Trong khi đó, một số người dân ở phường Thủ Dầu Một lo ngại việc đổi tên sẽ khiến các loại giấy tờ liên quan như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh, giấy phép đăng ký kinh doanh... không đồng bộ, phát sinh các thủ tục. Anh Nguyễn Văn Lộc, phường Thủ Dầu Một, băn khoăn: “Tôi mới làm giấy đăng ký hộ kinh doanh, nay được khu phố thông báo lấy ý kiến đổi tên khu phố mới, tôi lo lắng không biết có phải chỉnh sửa địa chỉ trên giấy phép và các thủ tục khai báo thuế có bị rắc rối hay không?”.
Không áp đặt tên, gây xáo trộn đời sống
Theo UBND các xã, phường, việc đổi tên khu phố không gây ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của các giấy tờ đã được cấp. Bà Nguyễn Thu Cúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thủ Dầu Một, cho biết, người dân không cần thay đổi thông tin địa chỉ, trừ khi có nhu cầu làm lại hoặc cập nhật hồ sơ. Việc đổi tên khu phố sẽ được cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống quản lý hành chính công.
Việc đổi tên khu phố được thực hiện chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ TPHCM, nhằm đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, hạn chế tối đa những xáo trộn không cần thiết trong đời sống và quản lý. Việc lấy ý kiến đang diễn ra công khai, minh bạch, có phiếu xin ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình theo đúng trình tự. “Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Với những khu phố chưa thống nhất tên mới, phường tiếp tục lấy ý kiến đến khi đạt được sự đồng thuận cao”, bà Nguyễn Thu Cúc nhấn mạnh.
Bà Từ Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Dương, thông tin: “Phường Bình Dương được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường Hòa Phú, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Chánh. Sau khi rà soát, phường có 16 khu phố bị trùng tên. Để thuận lợi trong quản lý hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ sở, UBND phường Bình Dương đã xây dựng phương án đổi tên khu phố.
Hiện phường đã gửi 10.500 phiếu đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình. Ngoài ra, địa phương tiến hành đăng tải trên trang thông tin điện tử, trang fanpage của phường, niêm yết tại trụ sở UBND, các điểm sinh hoạt cộng đồng và tuyên truyền, phổ biến đến người dân tại khu phố trong thời gian tổ chức lấy ý kiến. Hiện đa số người dân đều thống nhất, đồng tình, nhất là đối với việc đổi tên một số khu phố sang tên địa danh xưa trước đây”.
KIM HÀ