Cá cơm rửa sạch đưa vào lò lấp
Nghề truyền thống
Ven biển Nam Trung bộ có nhiều nghề gắn liền với đánh bắt hải sản như: nghề hấp cá cơm, làm nước mắm, chế biến, nuôi trồng hải sản... trong đó, có khu vực ven biển Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng nơi có tên trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước. Phần lớn các nghề này tự phát từ thời xa xưa, ông bà truyền lại cho con, cháu kế nghiệp và trở thành nghề truyền thống, trong đó, có nghề chế biến hấp cá cơm bán trong và nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Bảy Trưởng - chủ một cơ sở hấp cá cơm ở khu phố 14, phường Mũi Né chia sẻ, bà xây dựng cơ sở từ những năm 2000. Vì cá cơm chỉ có nhiều vào tháng 6 và 7 hàng năm, nhưng nhiều nhất là tháng 7. Khi vào mùa bà Trưởng đi thu mua cá cơm từ các ghe, thuyền đánh bắt mang về rửa, rồi đưa vào lò hấp, phơi 2 nắng cho khô trước khi bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc.
Sau khi hấp cá được đem ra phơi
Cơ sở bà Trưởng là 1 trong số 70 cơ sở hấp cá cơm ở ven biển Mũi Né, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Lan, một trong những lao động của cơ sở hấp cá cơm Bảy Trưởng nói: “Nhờ làm ở cơ sở hấp cá cơm này, tôi có tiền lo cho con cái học hành. Những năm gần đây, cá cơm ở biển ngày càng giảm, kéo theo thu nhập của bà cũng không cao, nhưng cơ sở tồn tại, thì bà vẫn có việc làm để trang trải cuộc sống”.
Phơi cá cơm
Bị nhiều điều tiếng
Nhưng ngoài những yếu tố tích cực, nghề hấp cá cơm ở Mũi Né đang chịu nhiều điều tiếng khi người dân, du khách thường xuyên phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường, vì gây hôi tanh, thu hút ruồi nhặng; xả thải nước bẩn sau chế biến ra môi trường. Điều này đã nêu nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương những năm qua. Trong đó, có cử tri kiến nghị ngành chức năng sớm xây dựng Cụm công nghiệp Mũi Né để di dời các cơ sở chế biến cá cơm ra khỏi khu dân cư.
Ông Võ Thanh Hải - Trưởng khu phố 14, phường Mũi Né cho biết: “Khu phố có khoảng 20 cơ sở hấp cá cơm, những năm qua các cơ sở tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, nhưng cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không chỉ cuộc sống người dân mà còn hình ảnh Mũi Né nói chung”.
Nhiều chủ cơ sở hấp cá cơm ở đây cũng nhận thấy vậy, nhưng không biết chuyển đi đâu, nhất là những cơ sở đi thuê đất, nên họ mong ngành chức năng quy hoạch khu chế biến hải sản tập trung để chuyển về đó hoạt động yên tâm hơn. Những mong mỏi ấy, trên thực tế ngành chức năng đã biết nên cũng có chủ trương quy hoạch cụm công nghiệp các ngành nghề chế biến hải sản trên địa bàn phường. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né, thì quy hoạch này nay đã dừng lại vì không còn phù hợp. Khi quy hoạch đang được ngành chức năng điều chỉnh thì vướng vào sáp nhập tỉnh, phường, xã. Trước mắt, địa phương tuyên truyền các cơ sở hấp cá cơm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trong quá trình hấp cá phải xả thải đúng nơi quy định.
Vấn đề này về lâu dài, rất mong các cấp, ngành quan tâm quy hoạch khu chế biến hải sản tập trung phù hợp, để tập trung đưa các cơ sở chế biến hải sản về một điểm đảm bảo môi trường. Có như vậy, nghề hấp cá cơm nói riêng và các nghề chế biến hải sản nói chung ở ven biển Mũi Né không còn điều tiếng. Qua đó, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các ngành, nghề, tạo công ăn việc làm người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Theo đồ án quy hoạch phân khu phường Mũi Né được phê duyệt tại Quyết định số 4161/QĐ – UBND, ngày 10/8/2022 của UBND TP. Phan Thiết trước đây, đã quy hoạch Cụm công nghiệp Mũi Né, với diện tích khoảng 23,73 ha tại khu phố 12, phường Mũi Né (khu vực gần Nghĩa trang Thiện Nghiệp – Mũi Né) để di dời các cơ sở chế biến cá cơm vào hoạt động. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, hiện quy hoạch này không còn phù hợp.
NINH CHINH