Đổi thay từ Chương trình 1719 ở một huyện miền núi

Đổi thay từ Chương trình 1719 ở một huyện miền núi
3 giờ trướcBài gốc
Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS huyện Như Thanh năm 2024 thuộc Chương trình 1719.
Phát huy tiềm năng lợi thế địa phương
Huyện Như Thanh có 14 xã, thị trấn với 159 thôn, khu phố, trong đó có 2 xã đặc biệt khó khăn và 17 thôn đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) nói chung và vùng đồng bào dân tộc, miền núi nói riêng. Huyện Như Thanh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy, khai thác các lợi thế của địa phương. Là huyện miền núi có diện tích đất lâm nghiệp rộng thuận lợi để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Nơi đây có các di tích, danh lam thắng tích để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh như: Vườn Quốc gia Bến En, Lò cao kháng chiến Hải Vân, các đền Phủ Na, Phủ Sung, Đức Ông Khe Rồng... Đặc biệt, Như Thanh là vùng phụ cận Khu Kinh tế Nghi Sơn thuộc vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ, là đầu mối trung chuyển quan trọng, có điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và cơ hội việc làm cho Nhân dân trong huyện. Từ những tiềm năng lợi thế và được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án nhằm phát triển KT-XH góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Như Thanh phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.
Hiện, trên địa bàn huyện Như Thanh đang thực hiện 9/10 dự án theo Chương trình 1719 của Thủ tướng Chính phủ thuộc nguồn vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển, với tổng kinh phí được Trung ương hỗ trợ trên 60 tỷ 309 triệu đồng. Chương trình 1719 đã thực hiện toàn diện, “bao trùm”, đi sâu vào các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong 3 năm từ năm 2021-2023 trên địa bàn huyện đã thực hiện 42 công trình với tổng kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ là 37 tỷ 363 triệu đồng, trong đó có 11 công trình đường giao thông, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, 21 nhà văn hóa thôn; 5 trường học, 2 công trình tràn giao thông; 1 công trình đường điện chiếu sáng. Các công trình cơ bản đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Ngoài ra, các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình 1719 đã và đang được huyện Như Thanh tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, từ năm 2021-2023, Chương trình 1719 đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 622 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ; tổ chức 13 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 455 học viên; tổ chức 29 lớp tập huấn truyền thông hướng nghiệp tại các xã, thị trấn và các trường THCS trên địa bàn huyện; tổ chức 1 hội thi thể thao truyền thống, thành lập 10 đội văn nghệ thôn; trang bị tủ sách cho 2 trung tâm văn hóa xã. Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức 9 lớp tập huấn về công tác y tế - dân số - dinh dưỡng cho 472 lượt người tham dự, mở 36 hội nghị truyền thông cho 2.400 lượt người, tuyên truyền cổ động về tuần lễ làm mẹ an toàn, viết 14 tin bài và phát thanh trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã; in ấn 2.947 tờ rơi cấp phát cho Nhân dân, tư vấn trực tiếp cho 203 phụ nữ nuôi con nhỏ và đang mang thai, góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Như Thanh phối hợp với các xã thành lập và hỗ trợ các trang thiết bị cho 15 tổ truyền thông cộng đồng; 3 mô hình địa chỉ tin cậy tại 3 xã; ra mắt và hướng dẫn 4 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi cho học sinh 4 trường THCS trên địa bàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Trong những năm qua, UBND huyện Như Thanh đã tổ chức 6 hội thi tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) tại các trường THCS, THPT; thành lập 2 mô hình tuyên truyền TH&HNCHT tại 2 xã Thanh Tân và Thanh Kỳ. Vì thế, đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp HNCHT; tình trạng tảo hôn giảm đáng kể ở vùng đồng bào DTTS. Tổ chức 30 lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các trưởng thôn, bí thư, người có uy tín, người đồng bào DTTS tại 12 xã vùng đồng bào DTTS&MN. Hiện nay, huyện Như Thanh cũng đang triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc Chương trình 1719. Trong đó, năm 2023, trên địa bàn thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với tổng kinh phí 2 tỷ 313 triệu đồng cho 181 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Dự án đã phát huy hiệu quả góp phần để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo có thêm nguồn thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện hiệu quả Chương trình 1719
Ông Phạm Văn Sang, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Như Thanh, cho biết: Để triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG, huyện Như Thanh đã thành lập ban chỉ đạo các chương trình MTQG do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện chương trình MTQG, trong đó có Chương trình 1719. Năm 2024, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 23/4/2024, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 4/5/2024 về việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 năm 2024, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình. Phòng đã chủ trì và phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin; Phòng Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Trung tâm Y tế huyện tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch để tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc lĩnh vực các phòng, đơn vị phụ trách đảm bảo tiến độ chương trình năm 2024. Phòng Dân tộc đã phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được phân bổ đợt 1 và đợt 2 năm 2024 đảm bảo tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của tỉnh; tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 13 công trình đầu tư giai đoạn 2024-2025 báo cáo tỉnh phân bổ nguồn vốn để tổ chức thực hiện trong năm 2024. Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình MTQG, các chính sách dân tộc năm 2024 đảm bảo đúng quy định.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Trong những năm qua, tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy. Huyện Như Thanh luôn được đánh giá là tốp đầu trong các lĩnh vực giảm nghèo nhanh (năm 2021 là 11,8%, đến năm 2023 là 3,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS&MN năm 2021 là 14,08%, đến năm 2023 là 4,17%). Công tác XDNTM đạt nhiều thành quả cao, huyện Như Thanh phấn đấu năm 2024 về đích huyện NTM. Chất lượng giáo dục luôn được tỉnh đánh giá là 1 trong 3 huyện dẫn đầu 11 huyện miền núi; chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân đang từng bước nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Đạt được kết quả trên, trước hết là sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của từng địa phương một cách đầy đủ, sát thực tế.
Những kết quả đạt được của huyện Như Thanh cũng chính là những kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc, đặc biệt thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình 1719 - một chương trình có ý nghĩa quan trọng trong đồng bào DTTS&MN. Thông qua hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, đồng bào DTTS đã có nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình cảm và niềm tin của đồng bào DTTS đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. Đồng bào các DTTS đón nhận chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước bằng sự đồng thuận, từ đó cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, tích cực chủ động hơn trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp hơn cho cộng đồng. Cùng với phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, trật tự an toàn xã hội thì việc gìn giữ phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm giữ gìn, tiêu biểu như: lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - tín ngưỡng sinh hoạt của người Thái xã Xuân Phúc; lễ hội Sết Boóc Mạy của dân tộc Thái xã Cán Khê được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2023.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-thay-tu-chuong-trinh-1719-o-mot-huyen-mien-nui-33137.htm