Ngày 13-3 theo giờ địa phương, tại trụ sở Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ ở thủ đô Washington D.C, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chứng kiến Lễ ký thỏa thuận thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Mỹ.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo GS. thách thức của Việt Nam lúc này là gì?
GS.TS VŨ MINH KHƯƠNG: - Quyết định của Tổng thống Donald Trump là một phần trong chiến lược điều chỉnh thương mại tổng thể của nước Mỹ, nhằm đảm bảo sự cân bằng và công bằng trong quan hệ thương mại song phương. Các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam, sẽ cần điều chỉnh chính sách để giảm mức thặng dư này theo lộ trình hợp lý. Trong vấn đề này chúng ta hiện đang đối diện với 2 thách thức chính.
Thứ nhất, Việt Nam chưa có Hiệp định Thương mại tự do song phương với Mỹ, trong khi lại hưởng mức thuế ưu đãi với nhiều đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Điều này có thể khiến Chính quyền Mỹ nhìn nhận quan hệ thương mại với Việt Nam là chưa thực sự cân bằng.
Vì vậy, chúng ta cần chủ động thể hiện thiện chí, cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ một cách toàn diện.
Thứ hai, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hiện ở mức rất cao, với kim ngạch xuất khẩu vượt 100 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ còn khá khiêm tốn. Để tạo sự cân bằng, Việt Nam cần đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và nông sản, nhằm tạo ra lợi ích song phương và củng cố niềm tin từ đối tác.
- Vậy Việt Nam cần những giải pháp, chiến lược nào để ứng phó với vấn đề này, thưa ông?
- Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đàm phán, vì mức thuế này còn là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại. Chúng ta đã và cần tiếp tục thể hiện thiện chí hợp tác, bằng cách thành lập nhóm chuyên trách đàm phán và nghiên cứu kỹ lưỡng các cơ sở pháp lý, kinh tế để đưa ra những đề xuất hợp lý. Lần này chúng ta cần cải cách có tính cấu trúc, nghĩa là thực sự mở cửa và tạo điều kiện rõ ràng để Mỹ thấy được thiện chí của Việt Nam.
Và theo tôi, giải pháp quan trọng là gặp gỡ và đối thoại ngay với các đối tác Mỹ. Cần chủ động làm việc với các cơ quan hữu quan, đại diện thương mại của họ, để hiểu rõ họ mong muốn gì nhằm xác định phương án điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cởi mở.
Đây là điểm Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp Mỹ có niềm tin đầu tư lâu dài. Chúng ta cần coi Mỹ như một đối tác thương mại đặc biệt. Dù chưa có Hiệp định Thương mại tự do, nhưng Việt Nam có thể chủ động áp dụng các chính sách ưu đãi tương tự, để thể hiện sự trân trọng đối với thị trường này.
Một việc quan trọng không kém, đó là tận dụng mạng lưới bạn bè và đối tác của Mỹ. Các công ty luật, hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn, có thể đóng vai trò cầu nối quan trọng trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, các kênh đối thoại quan trọng cần được tận dụng, đó là thông qua Đại sứ quán của hai nước để nhanh chóng truyền tải thiện chí hợp tác và đề xuất giải pháp.
Tóm lại, việc đàm phán cần được tiến hành ngay lập tức, từ nay đến ngày 9-4 là thời điểm quan trọng để tận dụng mọi kênh đối thoại, huy động những chuyên gia hàng đầu và những người bạn của Việt Nam tại Mỹ để tìm ra giải pháp tối ưu. Nếu làm tốt, đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam vượt qua khó khăn, mà còn là một “cú hích” để thực hiện những cải cách mang tính nền tảng, giúp đất nước vươn lên mạnh mẽ hơn trong tương lai.
- Có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn có cơ hội rất lớn. Quan điểm của GS. thế nào?
- Theo tôi, dù thách thức đặt ra lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách một cách căn bản, nâng cao năng lực hội nhập. Việc Thủ tướng thành lập Tổ phản ứng nhanh về vấn đề này là một tín hiệu tích cực, kịp thời, giúp tập hợp các chuyên gia, nhà đầu tư và các công ty luật để cùng đưa ra giải pháp.
Một bài học kinh nghiệm quan trọng có thể tham khảo là từ Singapore. Khi bị Mỹ áp thuế 10%, Singapore không phản ứng đối đầu, mà chủ động gặp gỡ các đối tác quan chức Mỹ để hiểu rõ những yêu cầu từ phía họ.
Singapore tập trung vào việc tạo ra giá trị lớn hơn cho cả hai bên, biến thách thức thành cơ hội để củng cố quan hệ. Đây cũng là hướng đi Việt Nam cần cân nhắc, thể hiện sự thiện chí cao và đưa ra các giải pháp sáng tạo, nhằm duy trì một quan hệ thương mại bền vững.
- GS. có khuyến nghị gì về chiến lược thương mại của Việt Nam trong tương lai?
- Việc bị áp thuế lần này là một lời cảnh tỉnh, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện hệ thống quản lý thương mại và đầu tư. Chúng ta cần nâng cao tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh và chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện thiện chí sâu sắc với các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Một điểm quan trọng nữa là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và đầu tư mạnh vào công nghệ. Những yếu tố này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến động của thị trường toàn cầu.
- Xin cảm ơn GS.
Việt Nam có thể tham khảo từ Singapore. Khi bị Mỹ áp thuế 10%, Singapore không phản ứng đối đầu, mà chủ động gặp gỡ các đối tác quan chức Mỹ để hiểu rõ những yêu cầu từ phía họ. Đây cũng là hướng đi mà Việt Nam cần cân nhắc, thể hiện sự thiện chí cao nhằm duy trì một quan hệ thương mại bền vững.
Việc Thủ tướng thành lập Tổ phản ứng nhanh về vấn đề này là một tín hiệu tích cực, kịp thời, giúp tập hợp các chuyên gia, nhà đầu tư và các công ty luật để cùng đưa ra giải pháp.
THANH HÀ (thực hiện)