Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine trong thời gian ngắn. Đến khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện cam kết này.
Chính quyền Trump có nhiều đòn bẩy chiến lược buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine. Ảnh: Getty
Tình hình khó khăn trên tuyến đầu dường như đang thúc đẩy giới lãnh đạo Ukraine tiến tới các cuộc đàm phán để chấm dứt giao tranh. Nhiều khả năng Tổng thống Ukraine Zelensky đã truyền đạt mong muốn này tới Tổng thống Donald Trump một cách thuyết phục trong cuộc gặp tại Paris, Pháp. Khi được hỏi liệu một thỏa thuận hòa bình có đạt được trong thời gian tới hay không, nhà lãnh đạo Mỹ đã trả lời tại hội nghị thượng đỉnh Davos rằng: "Đó là câu hỏi dành cho Nga. Ukraine đã sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận".
Những điểm bất lợi của Nga
Nga hiện đang chiếm ưu thế trên nhiều mặt trận. Quân đội nước này đang đạt được những bước tiến nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày. Mặc dù chịu nhiều thương vong trong giao tranh nhưng Moscow vẫn có thể khắc phục tổn thất, thậm chí thành lập các đơn vị mới bằng cách tuyển dụng thêm nhiều tân binh và thu hút các nhà thầu quân sự.
Nga tiếp tục sản xuất vũ khí, UAV và tên lửa mới, đồng thời sửa chữa và tân trang lại các xe bọc thép cũ. Nếu duy trì được tốc độ tiến triển hiện tại, Nga có cơ hội giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk vào cuối năm nay.
"Quân đội Nga tiếp tục đạt được nhiều bước tiến mới nhưng Tổng thống Putin dường như muốn đàm phán từ một vị thế thành công hơn. Ông có lẽ cũng tin rằng tình hình chính trị nội bộ ở Ukraine sẽ trở nên phức tạp hơn đối với Tổng thống Zelensky trong thời gian tới, vì vậy, Moscow có lẽ chưa muốn đàm phán ở thời điểm hiện nay”, nhà phân tích chính trị Ivan Preobrazhensky nhận định trong một cuộc phỏng vấn với RBC-Ukraine.
Tuy vậy, những vết nứt trong nền kinh tế Nga đang trở nên rõ ràng hơn do hậu quả của xung đột như lạm phát cao, lãi suất tăng và các khoản vay ngày càng đắt đỏ hơn. Ngoài ra, Nga đang đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong khu vực dân sự vì một bộ phận đáng kể dân số tham gia vào xung đột và ngành công nghiệp quốc phòng. Ước tính, xung đột đã làm thâm hụt khoảng 40% ngân sách liên bang của Nga.
"Nga phải đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi chuyển sang nền kinh tế thời chiến. Các ngân hàng đang trong tình trạng rất khó khăn. Tình trạng thiếu hụt lao động, dẫn đến tăng trưởng tiền lương quá mức, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trong lĩnh vực kinh tế. Tập đoàn khí đốt Gazprom đang bên bờ vực phá sản. Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga là dầu mỏ nhưng họ vẫn phải đối mặt với vấn đề giá cả", ông Preobrazhensky lưu ý.
Nhiều tổ chức kinh tế dự đoán rằng, nền kinh tế Nga khó tăng trưởng trong năm 2025 và nếu phải đối mặt với những cú sốc mới ở bên ngoài, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Đòn bẩy của chính quyền Trump
Đội ngũ của Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố ý định đạt được hòa bình tại Ukraine thông qua gây sức ép. Mặc dù chính quyền mới của Mỹ chưa công bố kế hoạch rõ ràng, nhưng hiện tại Nga có nhiều điểm bất lợi mà Washington có thể khai thác.
"Tình hình trên tiền tuyến cũng như những khó khăn về mặt kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức với Nga. Việc gây sức ép của chính quyền ông Trump là cần thiết để thuyết phục ông Putin từ bỏ các điều kiện trước đây mà Nga đã đưa ra. Và ông Trump có đòn bẩy cần thiết để làm điều đó", nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov nhận định.
Một trong những đòn bẩy đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump là tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, ít nhất là ở mức độ hiện tại hoặc cao hơn. Điều này sẽ làm gia tăng tổn thất cho Điện Kremlin.
Thứ hai, Mỹ cũng có thể làm giảm lợi thế của Nga tại các khu vực chiến lược, chẳng hạn như Châu Phi – nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là vàng, cũng như Libya, Syria, Trung Á, Kavkaz, Viễn Đông. Đòn bẩy thứ ba là các biện pháp trừng phạt và áp thuế. Tổng thống Trump đã đe dọa Nga bằng cách áp thuế cao và thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Moscow và Kiev không sớm đạt được thỏa thuận hòa bình.
Ông Vladyslav Vlasiuk, Cố vấn cho chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, Mỹ vẫn còn nhiều cơ hội lớn để gia tăng áp lực lên Nga: "Điều này bao gồm các hạn chế về thuế quan như tăng thuế đối với kim loại, phân bón và mặt hàng khác của Nga. Tăng cường các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những công ty giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Tịch thu tài sản của người Nga ở nước ngoài và hạn chế Moscow tiếp cận các công nghệ quan trọng của phương Tây cũng là một phần của chiến lược gây sức ép. Các biện pháp trừng phạt mạnh tay có thể là đòn bẩy chính để buộc Điện Kremlin tham gia các cuộc đàm phán công bằng".
Ông Vladyslav Vlasiuk lưu ý, ưu tiên hàng đầu vẫn là phải giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga bằng cách thắt chặt kiểm soát giá trần và tăng chi phí khai thác. Ngành công nghiệp dầu mỏ được coi là trụ cột của nền kinh tế Nga và là nguồn tài trợ chính cho chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này.
Một biện pháp khác là áp đặt mức thuế quan cao và các lệnh trừng phạt bổ sung đối với tất cả hàng xuất khẩu của Nga sang Mỹ và những quốc gia khác. Với khối lượng thương mại giữa Mỹ và Nga không đáng kể, việc mất thị trường Mỹ sẽ không phải là thách thức đáng kể đối với Điện Kremlin.
Tuy nhiên, nếu Nhà Trắng có thể gây tác động khiến các quốc gia khác ngừng mua hàng hóa hoặc nguyên liệu thô của Nga, thì đây có thể trở thành một vấn đề to lớn đối với Moscow. Chẳng hạn, nếu một số công ty Ấn Độ hoặc Trung Quốc mua dầu của Nga, Washington có thể áp dụng mức thuế quan 20% hoặc các lệnh trừng phạt khác đối với họ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, rất khó đánh giá hiệu quả của các biện pháp trên. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã không thể suy yếu đáng kể nền kinh tế và quân sự Nga dù áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay chưa từng có.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo RBC-Ukraine