Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng ở Washington ngày 31/1/2025. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN
Mặc dù bình luận trên của ông Trump nhấn mạnh cách tiếp cận mang tính giao dịch của vị tân Tổng thống Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine, nhưng điều đó không hoàn toàn bất ngờ. Mỹ và các nước phương Tây khác đã để mắt đến nguồn khoáng sản phong phú của Ukraine trong một thời gian dài.
"Chúng tôi đang đầu tư hàng trăm tỷ USD. Họ có đất hiếm tuyệt vời. Tôi muốn đảm bảo vấn đề an ninh đất hiếm và họ sẵn sàng làm điều đó", Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 3/2.
Trước đó, ông đã đề xuất rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào trong tương lai sẽ được cung cấp dưới dạng khoản vay và sẽ kèm điều kiện là Ukraine phải đàm phán với Nga.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ đã cung cấp khoảng 65,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Khi đó, cựu Tổng thống Biden lập luận rằng việc cung cấp nguồn viện trợ cho Ukraine là cần thiết vì chiến thắng của Kiev là chìa khóa cho an ninh của chính nước Mỹ. Nhưng với Tổng thống đương nhiệm Trump, ông không tin rằng Mỹ nên tiếp tục cung cấp viện trợ mà không nhận lại được gì.
Về vấn đề khoảng sản, ông Trump không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về những yêu cầu đối với Kiev. Tuy vậy, một thỏa thuận phác thảo sơ bộ về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine đã xuất hiện nhiều tháng trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng trước.
Một biên bản ghi nhớ được xác lập dưới thời Chính quyền Biden vào năm ngoái nêu rõ Mỹ sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư của các công ty nước này vào các dự án khai khoáng của Ukraine. Ukraine cũng đã có một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU), được ký kết vào năm 2021.
Do đó, mục tiêu tiếp cận nguồn khoáng sản quan trọng của Ukraine đã không phải là vấn đề mới nhưng cách thức đề cập của ông Trump có vẻ mang tính giao dịch nhiều hơn chính quyền tiền nhiệm.
Trước đây, Chính phủ Ukraine đã đưa ra lập luận rằng các mỏ khoáng sản của nước này là một trong những lý do khiến phương Tây nên hỗ trợ Ukraine – để ngăn chặn các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược này rơi vào tay Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề cập cụ thể đến khả năng các đồng minh phương Tây đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên của nước này trong tương lai như một phần quan trọng trong “kế hoạch chiến thắng” của ông.
Bà Nataliya Katser-Buchkovska, người đồng sáng lập Quỹ đầu tư bền vững Ukraine, cho biết một thỏa thuận đưa đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực khai khoáng của Ukraine sẽ có lợi cho cả hai bên.
Mỹ phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu khoáng sản thiết yếu, nhiều loại trong số đó đến từ Trung Quốc. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trong số 50 loại khoáng sản được phân loại là quan trọng, nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu 12 loại và phụ thuộc mức độ trên 50% đối với việc nhập khẩu 16 loại khác. Trong khi đó, theo chính phủ Ukraine, nước này có trữ lượng của 22 trong số 50 loại khoáng sản quan trọng này.
Bà Katser-Buchkovska cho biết thêm: "Đây không chỉ là bước đi quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh của Ukraine mà còn là cơ hội để Mỹ giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu".
Sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc về đất hiếm, khoảng sản quan trọng
Mặc dù, Tổng thống Trump sử dụng thuật ngữ “đất hiếm”, nhưng không rõ liệu ông có ý định ám chỉ cụ thể đến khoáng chất đất hiếm hay không. Đất hiếm là một thuật ngữ để hợp chất hóa học gồm 17 nguyên tố tồn tại trong lõi trái đất, có đặc tính từ tính và dẫn điện khiến chúng trở nên quan trọng đối với việc sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ năng lượng sạch và một số hệ thống vũ khí.
Ukraine không có trữ lượng khoáng sản đất hiếm đáng kể trên toàn cầu, nhưng nước này có một số mỏ than chì, lithium, titan, berili và urani lớn nhất thế giới, tất cả đều được Mỹ phân loại là khoáng sản quan trọng. Một số trữ lượng này nằm ở những khu vực hiện do lực lượng của Nga kiểm soát.
Trung Quốc từ lâu đã thống trị sản xuất khoáng sản đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác trên toàn cầu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc chịu trách nhiệm cho gần 90% quá trình chế biến khoáng sản đất hiếm trên toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà sản xuất than chì, titan lớn nhất thế giới và là nhà chế biến lithium tầm cỡ.
Cuộc chiến thương mại mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh khiến việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ.
Các biện pháp kinh tế mà Trung Quốc công bố ngày 4/2 để trả đũa chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với hơn 20 sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan. Mặc dù chúng không bao gồm các vật liệu quan trọng nhất mà Mỹ cần, nhưng động thái này cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng nguồn khoáng sản của mình làm đòn bẩy trong các tranh chấp thương mại.
Ông Adam Mycyk, đối tác tại văn phòng Kiev của công ty luật toàn cầu Dentons, cho biết nhu cầu về những vật liệu quan trọng này dự kiến sẽ tăng đột biến do quá trình chuyển đổi sang xe điện và công nghệ năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
“Do đó, các mỏ của Ukraine có ý nghĩa toàn cầu, mang lại sự đa dạng hóa, tránh xa các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc. Việc giữ các nguồn tài nguyên này dưới sự kiểm soát của Ukraine là rất quan trọng để duy trì chủ quyền kinh tế của nước này”, ông nói thêm.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)