NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG VÀ CHUYỂN GIAO
Đối với việc hình thành thương hiệu và đa dạng các sản phẩm từ hạt điều, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Trường đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Cần xây dựng quy trình khép kín từ khi trồng, thu hoạch, chế biến, giới thiệu sản phẩm gắn với du lịch và phân phối trong nước, quốc tế. Trong đó, phải xác định vai trò của nhà nông, doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả. Chú trọng phát triển các công nghệ trồng, tưới, theo dõi phát triển, thu hoạch thông minh và chế biến hạt điều; hình thành chuỗi nhà vườn, khu công nghiệp, sản phẩm từ hạt điều trong tỉnh. Đối với các sản phẩm phụ từ vỏ hạt điều, tấm điều... cần chú trọng nghiên cứu, cải tiến và đưa ra sản phẩm”.
Công nhân Cơ sở sản xuất cơm cháy chà bông Hưng Thịnh, TX. Bình Long thực hiện các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Phụ - phế phẩm, hay còn gọi là tàn dư cây trồng, là chất thải sinh khối (lignocellulose) phát sinh trong sản xuất công - nông nghiệp. Quản lý kém các chất thải này có thể làm môi trường sống xung quanh bị nhiễm bẩn, nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm và làm hại sức khỏe con người. Biến đổi tàn dư cây trồng như: rơm, bã mía, gốc cây... thành than sinh học (biochar) chính là chiến lược tận dụng xử lý chất thải bền vững cũng như bảo vệ môi trường, giảm tính chua, mặn của đất.
Giai đoạn 2016-2024, Bình Phước có 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận và 2 nhãn hiệu tập thể được cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn Thanh Lương” và “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”. Các sản phẩm đặc thù được công nhận theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Nhựt Phi Long, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết: Biochar có thể hỗ trợ bổ sung thêm hàm lượng carbon hữu cơ có trong đất, giảm nồng độ kim loại nặng ở nguồn nước, đất; giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, cải thiện đặc điểm và cấu trúc thành phần của đất, giảm quá trình axit hóa đất, nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong đất, củng cố cấu trúc đất... góp phần nâng cao hiệu suất canh tác. Lượng phụ - phế phẩm từ cây trồng ở Bình Phước dồi dào, việc tạo biochar dựa trên nguồn sinh khối từ các trường học, hộ gia đình, hợp tác xã... sẽ tạo sự lan tỏa sử dụng “vàng đen” trong gìn giữ chất lượng đất, thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ
Đưa ra các giải pháp cải thiện từ việc phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) cho các đề tài nghiên cứu khoa học và sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Phước, PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, cần đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và quản trị TSTT; phát triển TSTT với sáng chế, giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp và sáng tạo tri thức; đánh giá tiềm năng ứng dụng thực tế và khả năng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Đồng thời, tư vấn cho các chủ sở hữu đề tài về việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những kết quả nghiên cứu có giá trị.
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp góp phần giảm sức lao động và nâng cao giá trị nông sản
Về nhiệm vụ “Nâng cao chỉ số PII Bình Phước từ trụ cột sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ giai đoạn 2025-2030”, PGS.TS Từ Diệp Công Thành nhấn mạnh: Bình Phước cần tập huấn nâng cao nhận thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng doanh nghiệp; đảm bảo 100% các nhiệm vụ KH&CN được đăng ký bảo hộ cho các TSTT hình thành từ nhiệm vụ; đăng ký bảo hộ TSTT cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, sản phẩm OCOP; cũng như, đăng ký bảo hộ TSTT cho các ý tưởng đoạt giải ở các cuộc thi sáng tạo.
“Những giải pháp nâng cao chất lượng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thuộc các lĩnh vực, ngành, địa phương; các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có thế mạnh trên địa bàn tỉnh… có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội” - Giám đốc Sở KH&CN Bùi Thị Minh Thúy nhấn mạnh.
Sử dụng dây chuyền sản xuất tự động đã giúp nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện chế biến chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định. Một số công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bước đầu được ứng dụng thành công như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ cơ giới - tự động hóa... đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian qua chưa cao; kết quả nghiên cứu, ứng dụng một số lĩnh vực vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, nhất là công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; công nghệ sản xuất sản phẩm theo hướng sạch, an toàn…
Bình Phước có nguồn TSTT hình thành rất lớn từ các hoạt động KH&CN hằng năm, cùng với đó là các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP có chất lượng cao. Tuy nhiên so với cả nước, khối lượng TSTT được hình thành trên địa bàn tỉnh còn thấp. Số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 17/19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số sản phẩm đã được bảo hộ nhưng chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh, việc quản lý TSTT đã được bảo hộ còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn, chưa xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm chủ lực đã được bảo hộ quyền SHTT.
Năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt 13 nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, có 8 nhiệm vụ cấp tỉnh, 5 nhiệm vụ cấp cơ sở với tổng kinh phí hơn 11,2 tỷ đồng. Đồng thời, ngành KH&CN tiếp tục thực hiện 15 nhiệm vụ khoa học từ năm 2023; tổ chức nghiệm thu, chuyển giao cho đơn vị sử dụng 6 nhiệm vụ, tổng kinh phí thực hiện gần 5 tỷ đồng; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ 10 sản phẩm, dịch vụ; gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều rang muối.
Để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thị Minh Thúy nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên các lĩnh vực; tăng cường đề xuất, đặt hàng và triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN như: đầu tư, bố trí nguồn lực cho việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với định hướng, quy hoạch. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; tập trung các giải pháp và ưu tiên nguồn lực nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, đặc thù của tỉnh, địa phương.
Ngọc Quế