'Đòn bẩy' vốn tiếp sức nông dân nuôi ong làm giàu

'Đòn bẩy' vốn tiếp sức nông dân nuôi ong làm giàu
9 giờ trướcBài gốc
Nằm ẩn mình dưới những tán cây xanh mát tại thôn Gốc Xanh, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), những thùng ong xếp ngay ngắn không chỉ là "gia tài" mà còn là thành quả của hành trình vươn lên từ hai bàn tay trắng, được tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn ý nghĩa. Câu chuyện của ông Lê Kim Đồng (SN 1966) là một điển hình, khởi nguồn từ một cái duyên tình cờ nhưng đã đơm hoa, kết quả ngọt ngào nhờ đam mê và sự hỗ trợ đúng lúc.
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Lê Kim Đồng, thôn Gốc Xanh, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) phát triển mô hình nuôi ong lấy mật cho thu nhập khá.
Kể về cơ duyên với nghề, ông Đồng chia sẻ nuôi ong đến với ông đầy bất ngờ. Một ngày đi làm về, ngỡ ngàng khi thấy cả đàn ong bay lạc, đậu kín trên cây sau nhà, ông vội mượn ngay chiếc thùng cũ để bắt. Từ đó, ông bén duyên, hàng ngày làm bạn với đàn ong cần mẫn. Để phát triển quy mô, ông Đồng nhận thức rõ phải đầu tư, học hỏi một cách bài bản. Ông dành thời gian đọc sách, báo, tìm hiểu kỹ thuật trên mạng internet, thậm chí đến các trại ong khác để "tầm sư học đạo". Sự kiên trì, ham học hỏi đã giúp ông tích lũy được nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc trong việc chăm sóc, nhân đàn và phòng trị bệnh cho ong.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là vốn để mở rộng sản xuất. Bước ngoặt thực sự khi ông Đồng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Ông Đồng chia sẻ: Có vốn, những hội viên nông dân như ông được tiếp thêm động lực. Với số vốn được giải ngân 50 triệu đồng, ông có nguồn lực để đầu tư mua sắm thêm thùng ong, vật tư, thức ăn, từng bước tăng đàn. Từ một đàn ong ban đầu, đến nay ông đã nhân rộng lên hơn 100 đàn.
Giờ đây, "gia tài" của ông Đồng được đong đếm bằng những lít mật vàng óng, chất lượng. Theo tính toán của ông, bình quân mỗi đàn cho hơn 10 lít mật/năm. Mật ong hoa vải, hoa nhãn có giá trị cao hơn, trung bình 220.000 đồng/lít, còn mật hè tuy giá rẻ hơn nhưng sản lượng ổn định. Chỉ tính riêng từ việc bán mật, mỗi đàn ong mang về cho ông hơn 1 triệu đồng/năm. Cộng dồn lại, với hơn 100 đàn ong, ông Đồng thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Dù đã có những thành công bước đầu, ông Đồng vẫn còn nhiều trăn trở, lớn nhất là vấn đề đầu ra. Hiện nay, ông chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua các khách quen và được giới thiệu. Ông mong muốn tìm được đơn vị, doanh nghiệp có thể bao tiêu sản phẩm một cách lâu dài, bởi không có đầu ra ổn định thì không dám mạnh dạn đầu tư lớn. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều người nuôi ong trong vùng.
Câu chuyện của ông Lê Kim Đồng là một ví dụ về hiệu quả tích cực của Dự án "nuôi ong lấy mật" được triển khai bằng nguồn vốn Quỹ HTND tại xã Phú Nghĩa. Ông Quách Văn Dương, Chủ tịch HND xã cho biết: Dự án này có tổng số vốn 1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 20 hộ hội viên vay 50 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn này là đòn bẩy quan trọng để hội viên mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất.
Hiệu quả của dự án thể hiện rõ sau một thời gian triển khai: 20 hộ tham gia đã phát triển được 700 đàn ong. Nghề nuôi ong không chỉ giúp hội viên nông dân tận dụng lợi thế tự nhiên, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Giá mật ong ở mức đảm bảo lợi nhuận, giúp nhiều hội viên có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Theo ông Quách Văn Dương, Dự án "nuôi ong lấy mật” không chỉ giúp 20 hộ hội viên nông dân xã cải thiện đời sống ,mà còn lan tỏa hiệu quả tích cực đến cộng đồng, giúp nhiều hộ có động lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đáng chú ý, ngoài 20 hộ trực tiếp tham gia dự án, hiện có khoảng 100 hộ dân khác trên địa bàn xã cũng phát triển mô hình nuôi ong và đạt hiệu quả kinh tế cao, khẳng định tiềm năng, sự phù hợp của nghề nuôi ong tại xã Phú Nghĩa.
Thông qua nguồn vốn từ Quỹ HTND, nghề nuôi ong đã trở thành con đường giúp nhiều nông dân ở xã Phú Nghĩa nói riêng, huyện Lạc Thủy nói chung cải thiện đời sống, làm giàu, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hải Đăng
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/12/201268/don-bay-von-tiep-suc-nong-dan-nuoi-111ng-lam-giau.htm