Trong nhiều năm qua và cho đến nay, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt, kể từ sau khi Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Song, để thúc đẩy nhiều hơn nữa các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ một cách hiệu quả và thành công, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, cũng như tất cả các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật mà đối tác đặt ra.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 98,4 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ, và sẽ tiếp tục khả quan, nhất là vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch với các mặt hàng trọng điểm như dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, cơ khí, điện tử, thủy sản... Với triển vọng này, năm nay sẽ là năm thứ 4 liên tiếp kim ngạch thương mại giữa hai nước cán mốc trăm tỷ USD.
10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 98,4 tỷ USD
Các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao các mặt hàng của Việt Nam luôn giữ được chất lượng, mẫu mã sản phẩm phong phú đa dạng và giá cả cạnh tranh. Vì thế, đây vẫn là các mặt hàng được ưu tiên nhập khẩu của các đối tác Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại cũng như bất ổn địa chính trị toàn cầu. Hàng hóa Việt Nam luôn là nguồn hàng ổn định, đáng tin cậy với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, do tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa khá mạnh mẽ nên đây cũng là thị trường có điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng Việt Nam.
Ông Dick Grove, CEO INK Inc Public Relations cho biết, Mỹ là thị trường khoảng 330 triệu dân, sức tiêu thụ rất lớn. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu đa dạng các mặt hàng. Dự báo, trong thời gian tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là một quốc gia nhập khẩu chủ lực của hàng hóa Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần những chính sách phù hợp, đặc biệt là các doanh nghiệp phải có các giải pháp, chiến lược để xuất khẩu hiệu quả vào thị trường này.
Theo Trung tâm Hội nhập Kinh tế Quốc tế WTO, chính quyền mới của Tổng thổng Trump hứa hẹn sẽ đưa ra những chính sách có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng sẽ có những dịch chuyển đáng kể.
Bàn về vấn đề này TS. Huỳnh Phước Nghĩa, Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, hiện còn quá sớm để có thể đánh giá những tác động cụ thể của vấn đề này. Tuy nhiên, Việt Nam cần chủ động để nắm bắt các cơ hội trong thời gian tới. Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị khiến chi phí giao dịch và vận chuyển gia tăng, thì Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang trở nên hấp dẫn nhờ chi phí lao động thấp và chính sách mở, thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế. Đó là việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh và bền vững. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các kỹ năng, phương pháp quản lý tiên tiến và khai thác các cơ hội sản xuất theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị toàn cầu”, TS. Nghĩa phân tích.
Thanh Tuyết