Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10 xuất khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 22,6% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 10 tháng, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 12,5 tỷ USD, lọt top những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất.
Bình quân mỗi tháng, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD.
Sản xuất bó dây cáp điện ô tô tại nhà máy Yazaki, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất bộ linh kiện dây cáp điện ô tô. Ảnh minh họa.
Ngành hải quan xếp phương tiện vận tải và phụ tùng vào chung một nhóm, nhưng phần lớn giá trị hàng xuất khẩu thuộc nhóm linh kiện phụ tùng từ khu vực FDI.
Xét theo thị trường nhập khẩu phụ tùng linh kiện của Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn nhất trong 10 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 2,67 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Thị trường này chiếm gần 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 10 tháng.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, kim ngạch đạt 2,46 tỷ USD nhập khẩu linh kiện phụ tùng, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba. Lũy kế 10 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc 1,32 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 12% tổng kim ngạch.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là các trung tâm ô tô, bởi vậy việc các thị trường này nhập khẩu linh kiện phụ tùng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp ô tô.
Mặt khách quan, có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành ô tô nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ thu mua linh kiện của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% lên 37% trong 10 năm qua.
Bộ Công thương hoạch định, đến năm 2045, ngành này sẽ tập trung vào sản xuất xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh.
Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu phương tiện và phụ tùng đạt khoảng 14 tỷ USD và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD.
Theo nhận định, Việt Nam có thể vượt mục tiêu này sớm hơn 5 năm, do tốc độ tăng trưởng hai con số của lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng những năm gần đây.
Lam Anh